Trâu rừng vừa sinh con lập tức bị bầy sư tử bao vây tấn công. Mặc dù trâu rừng mẹ cố gắng để bảo vệ cho con của mình, cái kết cuối cùng đã khiến nhiều người chứng kiến phải xót xa.
Hình ảnh thiên nhiên đầy bi kịch được một du khách ghi lại tại Khu bảo tồn thiên nhiên MalaMala (Nam Phi), cho thấy khoảnh khắc trâu rừng vừa sinh con, túi ối vẫn còn mắc lại trên cơ thể, thì bất ngờ bị đàn sư tử bao vây tấn công.
Trâu non vừa sinh chỉ mới biết đi chập chững đã gặp phải biến cố lớn nhất của đời mình.
Dù vẫn còn rất yếu sau khi sinh, trâu mẹ vẫn nỗ lực xua đuổi bầy sư tử để bảo vệ cho con, cũng như bảo vệ chính mạng sống của mình.
Ảnh cắt từ clip.
Tuy nhiên, những con sư tử ranh mãnh và vượt trội về số lượng đã đánh lạc hướng trâu mẹ để lôi trâu con đi nơi khác và dễ dàng cắn chết con non. Không lâu sau đó, trâu mẹ cũng chịu chung số phận với con của mình khi bị những con sư tử mạnh mẽ quật ngã.
Đoạn clip dưới đây toát lên sự tàn nhẫn của cuộc sống tự nhiên, độc giả cân nhắc trước khi xem.
Trong đoạn clip không nhìn thấy sự hiện diện của những cá thể khác trong đàn trâu rừng. Nhiều khả năng trâu mẹ đã bị lọt lại phía sau khi sinh con, giúp bầy sư tử có cơ hội dễ dàng bao vây và tấn công.
Đoạn clip về cái kết bi thảm của 2 mẹ con trâu rừng châu Phi đã gây sốc sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội. Nhiều cư dân mạng cho biết họ cảm thấy xót xa cho số phận của trâu mẹ và con của nó.
"Thật tội nghiệp cho trâu con, chỉ vừa được hít thở bầu không khí ít phút thì đã trở thành bữa ăn cho bầy sư tử. Số phận thật nghiệt ngã với chú nghé non này", một người dùng mạng xã hội Twitter bình luận.
"Thiên nhiên thật khắc nghiệt, ranh giới giữa sống và chết thật hết sức mỏng manh", một người dùng mạng xã hội khác bình luận.
Một số cư dân mạng cho rằng tác giả của đoạn clip nên tìm cách can thiệp để giải cứu 2 mẹ con trâu rừng, thay vì đứng ngoài để thản nhiên quay clip như vậy.
Tuy nhiên, nhiều người đã phản bác ý kiến này khi cho rằng việc ngăn chặn bầy sư tử đang săn mồi là điều bất khả thi. Bên cạnh đó, việc con người can thiệp vào cuộc chiến sinh tồn của tự nhiên là điều không nên, bởi lẽ thiên nhiên có cách vận hành của riêng nó.
"Hãy để tự nhiên vận hành theo cách riêng của nó. Nếu cứu trâu rừng trong trường hợp này đồng nghĩa với việc đàn sư tử sẽ bị đói. Không thể cứu con này mà bỏ mặc con kia như vậy. Kẻ mạnh giết và ăn thịt kẻ yếu là quy luật tất yếu của thiên nhiên", một người dùng Twitter bình luận.
Đoạn clip cũng cho thấy sự khắc nghiệt đến tàn nhẫn của cuộc sống tự nhiên, nơi những sinh vật bé nhỏ mới ra đời cũng có thể nhanh chóng trở thành bữa ăn cho những kẻ săn mồi hùng mạnh.
Trâu rừng châu Phi là một trong những loài động vật ăn cỏ lớn nhất tại châu Phi. Dù trâu rừng có kích thước lớn và đầy sức mạnh, loài động vật này vẫn là một trong những con mồi yêu thích của sư tử.
Để săn được con mồi cỡ lớn này, sư tử sẽ phải đi săn theo bầy và phối hợp cùng nhau để tách riêng trâu ra khỏi đàn, sau đó hợp sức để hạ gục con mồi. Đôi khi, một con sư tử đực trưởng thành cũng có thể hạ gục một cá thể trâu rừng cỡ lớn mà không cần sự trợ giúp, nhưng điều này hiếm khi xảy ra.
Trong nhiều trường hợp, khi số lượng cá thể trong bầy trâu rừng châu Phi vượt trội hơn so với sư tử, trâu rừng có thể tự tin phản kháng, chống trả buộc sư tử phải bỏ chạy, thậm chí khiến sư tử phải mất mạng.
Trâu rừng châu Phi mang thai dài hơn 11 tháng. Trâu non sau khi sinh đã lập tức tập đi và ẩn mình trong thảm thực vật rậm vài tuần đầu tiên, được trâu mẹ chăm sóc kỹ trước khi gia nhập đàn chính. Trâu non sẽ sống chung với mẹ từ một đến 2 năm trước khi tách riêng ra để bắt đầu cuộc sống tự lập.
VietBF@ sưu tập