Tình trạng đào ngũ và bất tuân xảy ra ngày càng nhiều ở nhóm tân binh, các chỉ huy Ukraine cho hay.Với tư cách là một tiểu đoàn trưởng, Dima (chỉ huy Ukraine) từng chỉ huy 800 binh sĩ và tham gia vào một số trận đánh khốc liệt nhất ở vùng Donetsk, trong đó có khu vực gần Pokrovsk – thành phố chiến lược ở vùng Donetsk, nơi quân đội Nga giành được nhiều bước tiến trong vài tuần gần đây.
Nhưng khi hầu hết binh sĩ dưới quyền thiệt mạng hoặc bị thương nặng, Dima quyết định từ bỏ vị trí chỉ huy. Ông xin nghỉ và chọn một công việc văn phòng (trực thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine) ở Kiev.
Trả lời phỏng vấn của CNN, Dima cho biết ông không thể chứng kiến thêm cảnh binh sĩ dưới quyền chết đi.
Hơn 2 năm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, nhiều đơn vị của Ukraine đã thiệt hại nặng và một số binh sĩ mất tinh thần chiến đấu, CNN hôm 8/9 đưa tin.
CNN đã phỏng vấn 6 chỉ huy và sĩ quan người Ukraine về tình hình chiến đấu. Sáu người, bao gồm cả Dima, đều nói rằng tình trạng lính đào ngũ và bất tuân mệnh lệnh đang trở nên phổ biến, đặc biệt là ở nhóm lính mới.
“Không phải tất cả lính mới được huy động đều tự ý rời khỏi vị trí, nhưng đa phần là vậy. Khi mới đến đây, họ biết được mọi thứ khó khăn đến mức nào. Họ nhìn thấy nhiều UAV, pháo và súng cối của đối phương”, một chỉ huy người Ukraine (giấu tên), đang chiến đấu ở Pokrovsk, nói với CNN.
“Họ tới các vị trí ở tuyến đầu một lần, và nếu còn sống sót, họ không bao giờ muốn quay trở lại. Họ, hoặc là tự ý rời khỏi vị trí chiến đấu, không tuân lệnh cấp trên, hoặc cố gắng tìm cách xuất ngũ”, vị chỉ huy nói.
Theo CNN, nhiều tân binh Ukraine không có lựa chọn nào khác trước khi ra tiền tuyến. Họ nhận lệnh triệu tập bắt buộc theo luật động viên mới của Ukraine và không được rời khỏi quân đội cho đến khi chính phủ có lệnh cho giải ngũ.
Khi tình hình trên tiền tuyến xấu đi, đặc biệt là ở vùng Donetsk, ngày càng có nhiều binh sĩ Ukraine đầu hàng Nga, theo CNN.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, cơ quan công tố Ukraine đã tiến hành thủ tục tố tụng hình sự với gần 19.000 binh sĩ tự ý rời bỏ vị trí hoặc đào ngũ, Quốc hội Ukraine cho biết.
Đây là con số đáng kinh ngạc, nhưng rất có thể là không đầy đủ, theo CNN.
Một số chỉ huy Ukraine nói với CNN rằng, nhiều sĩ quan sẽ không báo cáo tình trạng lính đào ngũ và vắng mặt trái phép lên cấp trên. Thay vào đó, họ cố gắng liên lạc và thuyết phục binh sĩ quay lại đơn vị để tránh bị phạt.
Hồi tháng 6, Cục Điều tra Nhà nước Ukraine (SBI) được cho là đã đề xuất đưa quân nhân đào ngũ trở lại các đơn vị chiến đấu để ứng phó với tình trạng thiếu nhân sự.
Andryi Horetskyi, sĩ quan quân đội Ukraine đang chiến đấu ở Chasiv Yar (vùng Donetsk), cho rằng, cách tiếp cận này là phù hợp.
“Những lời đe dọa chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Một người chỉ huy thông minh sẽ không đe dọa binh sĩ”, ông Horetskyi nói.
|