Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chứa men vi sinh, chọn đúng chất béo tốt và hạn chế chất béo bão hòa, góp phần cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Hệ vi sinh đường ruột đảm nhận nhiều chức năng gồm bảo vệ hệ thống miễn dịch, tiêu hóa cabohydrate phức tạp, phân hủy các hợp chất trong thực phẩm có thể gây độc, tạo ra vitamin và axit amin ức chế vi khuẩn có hại. Mất cân bằng vi khuẩn ở người mắc bệnh Crohn có thể giảm hấp thụ chất dinh dưỡng, tiểu gấp, tăng nguy cơ viêm.
Để tăng cường vi khuẩn có lợi giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, chế độ ăn uống cần cân đối các nhóm chất dinh dưỡng.
Chất xơ giải phóng nhiều axit béo chuỗi ngắn (SCFA) vào cơ thể, làm cho môi trường trong ruột tăng axit. Điều này làm cản trở sự phát triển của vi khuẩn có hại như clostridium difficile, giúp duy trì sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh.
Thực phẩm có nhiều chất xơ hoặc tinh bột giúp tăng SCFA gồm tỏi, hành tây, măng tây, chuối, rong biển, trái cây, rau xanh, đậu, ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, yến mạch. Tuy nhiên, ăn nhiều những món này có thể gây đầy hơi và chướng bụng, làm bùng phát các triệu chứng bệnh đường ruột. Mọi người nên bổ sung chất xơ từng ít một và tăng dần lượng ăn theo thời gian.
Thực phẩm giàu men vi sinh chứa các vi khuẩn sống có ích, góp phần ổn định hệ vi sinh đường ruột, tránh các vấn đề tiêu hóa. Chúng bao gồm sữa chua, cải thảo ngâm, kim chi, dưa muối, tương miso... Chỉ sử dụng một lượng vừa phải món ngâm chua một lần, nên tự làm để điều chỉnh lượng muối, chất bảo quản.
Chất béo trong chế độ ăn cũng đóng vai trò với sức khỏe đường ruột. Chất béo lành mạnh như axit béo omega-3 góp phần giảm viêm, ổn định tiêu hóa. Chúng có nhiều trong dầu ôliu, các loại cá béo, hạt óc chó, hạt lanh.
Chất béo chuyển hóa trong xúc xích, thịt nướng, đồ chiên ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột. Axit béo omega-6 thường có trong thực phẩm chế biến làm tình trạng viêm nặng hơn. Chất béo bão hòa có thể gây viêm nếu ăn quá nhiều. Nhiều chất béo bão hòa làm cho hệ vi sinh vật đường ruột kém đa dạng, dễ bị hại khuẩn tấn công. Mọi người nên bổ sung thực phẩm chống viêm có nhiều chất béo không bão hòa đa như quả óc chó, hạt hướng dương, đậu phụ và đậu nành.
Chất tạo ngọt nhân tạo có thể gây viêm bởi đường dễ làm mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Hạn chế đồ uống thêm đường, chất tạo ngọt và hương vị. Các loại bánh ngọt, kẹo chỉ nên ăn một ít mỗi lần và không thường xuyên.
Người bệnh gặp vấn đề về đường ruột nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung men vi sinh. Trẻ nhỏ biếng ăn, sau khi ốm, người lớn tuổi bị đau bụng, tiêu chảy, uống nhiều thuốc có thể dùng men vi sinh theo tư vấn của bác sĩ. Men vi sinh giúp khôi phục sự cân bằng bằng cách tăng cường vi khuẩn tốt trong ruột. Bổ sung men vi sinh thường không có nhiều tác dụng với người khỏe mạnh.
|