Người đàn ông 74 tuổi xuất hiện nốt đen vùng gót chân phải, ngày càng lớn dần, bác sĩ phát hiện ung thư tế bào hắc tố.
Ngày 2/8, đại diện Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết tổn thương này có từ nhiều năm nay, nhưng bệnh nhân không quan tâm vì không gây ngứa, đau. Theo thời gian, nốt đen ngày càng lớn dần và loang lổ trên bề mặt da. Khi tìm hiểu thông tin, người nhà thấy dấu hiệu giống bệnh ung thư nên khuyên người đàn ông đi khám.
Kết quả chụp chiếu chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị ung thư tế bào hắc tố ở gan bàn chân phải.
Các bác sĩ phẫu thuật cắt toàn bộ khối ung thư, làm xét nghiệm mô bệnh học. Kết quả tổn thương chưa di căn, người bệnh được tạo hình bằng kỹ thuật ghép da.
Nốt đen có kích thước thay đổi bất thường và viền không rõ ràng cũng cảnh báo nguy cơ ung thư. Ảnh: American Academy of Dermatology
Nốt đen có kích thước thay đổi bất thường và viền không rõ ràng cũng cảnh báo nguy cơ ung thư. Ảnh: American Academy of Dermatology
Ung thư tế bào hắc tố là loại bệnh lý ác tính phát triển từ các tế bào hắc tố - tế bào chịu trách nhiệm sản xuất melanin, sắc tố tạo màu da. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh này có xu hướng gia tăng. Vào năm 2023, ước tính khoảng 97.610 trường hợp u ác tính mới được ghi nhận ở Mỹ, gây ra khoảng 7.990 ca tử vong. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này tăng gấp đôi sau 10-15 năm và tăng dần theo tuổi.
Bác sĩ Vũ Nguyên Bình, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ & Phục hồi chức năng, cho biết ung thư tế bào hắc tố hiếm gặp, chỉ chiếm 1% trong các loại ung thư da khác, song có nguy cơ di căn và tử vong nhanh. Tế bào ung thư có thể di căn đến mọi vị trí trên cơ thể, hay gặp nhất là ở não, phổi, gan. Nếu được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ thì cho kết quả tốt, tỷ lệ sống 5 năm cao.
Ung thư tế bào hắc tố có thể biểu hiện ở mọi vị trí trên cơ thể. Tuy nhiên, ở người châu Á hay gặp ở lòng bàn tay - bàn chân, chiếm khoảng 50% các trường hợp.
Khối u ác tính ở giai đoạn khu trú thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bệnh nhân nên thường bị bỏ qua. Dấu hiệu ban đầu khá đa dạng, bệnh nhân có thể áp dụng quy tắc ABCDE để kiểm tra các tổn thương bất thường trên cơ thể.
A (Asymmetry – Bất đối xứng): Nốt ruồi hoặc vết tăng sắc tố không có hình dạng đối xứng.
B (Border – Bờ tổn thương): Bờ tổn thương không đều, lởm chởm hoặc mờ.
C (Color – Màu sắc): Màu sắc không đều, có thể bao gồm nhiều màu sắc khác nhau như đen, nâu và thậm chí đỏ hoặc xanh.
D (Diameter – Đường kính): Đường kính lớn hơn 6 mm.
E (Evolving – Tiến triển): Tổn thương thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc theo thời gian.Nếu tổn thương có một trong các đặc điểm dưới đây cần đến khám ngay tại bệnh viện chuyên khoa.
Bệnh nhân khi phát hiện dấu hiệu bất thường nên đến bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra sớm, tránh để bệnh nặng, khó khăn trong điều trị.
VietBF@sưu tập
|