Ngủ bị bóng đè là cảm giác tức ngực, khó thở, không thể cử động được tay chân. Các triệu chứng bóng đè giống như trải qua một cơn suy hô hấp hoặc suy tim, người bị mơ bóng đè có ý thức và nhận biết những gì đang xảy ra nhưng không thể thoát ra được.
Bóng đè là hiện tượng gì?
Bóng đè là tình trạng mất kiểm soát cơ kết hợp với ảo giác trong thời gian ngắn, xảy ra ngay sau khi ngủ hoặc thức dậy. Hiện tượng này được các bác sĩ gọi là chứng tê liệt khi ngủ.
Chứng tê liệt khi ngủ bao gồm những hành vi bất thường trong lúc ngủ, có liên quan đến giai đoạn chuyển động mắt nhanh (rapid eye movement - REM) trong chu kỳ ngủ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tình trạng bóng đè liên quan đến trạng thái ý thức hỗn hợp, pha trộn giữa thức và giấc ngủ REM.
Trên thực tế, trạng thái mất kiểm soát cơ và hình ảnh cơn mơ trong giấc ngủ REM có thể vẫn tồn tại ngay cả khi chúng ta đã chuyển sang trạng thái nhận thức và tỉnh táo.
Ngủ mơ hay bị bóng đè. (Ảnh minh họa)
2. Cảm giác bóng đè như thế nào?
Triệu chứng cơ bản khi bị bóng đè là mất trương lực cơ hoặc không có khả năng cử động cơ thể. Tình trạng này xảy ra ngay sau khi bạn chìm vào giấc ngủ hoặc vừa thức dậy.
Trong đó, người đang bị bóng đè cảm thấy tỉnh táo và nhận thức được rằng mình đang bị mất kiểm soát cơ, không thể cử động theo ý muốn.
Ước tính có khoảng 75% trường hợp bóng đè liên quan đến ảo giác. Ảo giác khi bị bóng đè cũng được chia thành 3 loại:
- Ảo giác thấy một người nguy hiểm hiện diện trong phòng
- Ảo giác áp lực lồng ngực gây ra cảm giác nghẹt thở
- Ảo giác vận động tiền đình bao gồm cảm giác chuyển động (chẳng hạn như bay).
Không thể cử động được thường gây khó chịu và ảo giác có thể làm cho hiện tượng bóng đè càng khó chịu hơn. Vì vậy, khoảng 90% các trường hợp hoảng sợ vì bóng đè, chỉ một số ít có ảo giác dễ chịu hoặc hạnh phúc hơn.
Các đợt bóng đè có thể kéo dài từ vài giây đến khoảng 20 phút và thời lượng trung bình là từ 6 - 7 phút. Hầu hết các trường hợp bóng đè sẽ tự kết thúc, nhưng đôi khi cũng bị gián đoạn do va chạm hoặc giọng nói của người khác hay do chính bạn nỗ lực di chuyển dữ dội để vượt qua tình trạng tê liệt.
3. Vì sao bị bóng đè?
Vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác vì sao bị bóng đè. Các nhà nghiên cứu tin rằng có nhiều yếu tố liên quan đến hiện tượng này, trong đó rõ nhất là rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về giấc ngủ khác.
Tỷ lệ bị bóng đè cao hơn 38% ở những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Tê liệt trong khi ngủ cũng phổ biến hơn ở những người thường bị chuột rút chân vào ban đêm.
Các triệu chứng mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ và buồn ngủ quá mức vào ban ngày cũng có liên quan đến chứng bóng đè. Những người có nhịp sinh học đảo lộn, chẳng hạn như do đi máy bay hoặc làm việc theo ca, cũng có nguy cơ bị bóng đè cao hơn.
Một số tình trạng sức khỏe tâm thần có mối liên hệ với chứng bóng đè. Những người bị rối loạn lo âu và hoảng sợ có nhiều khả năng gặp phải hiện tượng này hơn.
Đặc biệt là những người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn hoặc đã từng bị lạm dụng tình dục, chịu đựng các đau khổ về thể chất và tinh thần khác.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có trí tưởng tượng vượt trội và hay sống tách biệt khỏi môi trường xung quanh, chẳng hạn như mơ mộng, có nhiều khả năng bị bóng đè.
Với tất cả những mối tương quan trên, vẫn chưa rõ liệu chứng bóng đè là nguyên nhân, kết quả hay mối quan hệ hai chiều. Cần thực hiện nhiều nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ vô số nguyên nhân tiềm ẩn của chứng bóng đè.
4. Bóng đè có nguy hiểm không?
Đối với hầu hết mọi người, bóng đè không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Đây được phân loại là một tình trạng lành tính và không xảy ra thường xuyên đến mức dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ước tính có khoảng 10% số người bị bóng đè tái phát nhiều lần hoặc với mức độ đặc biệt khó chịu. Do hoảng sợ vì bóng đè, họ có thể nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực về việc đi ngủ, giảm thời gian dành cho giấc ngủ hoặc lo lắng trước giờ đi ngủ khiến họ khó chìm vào giấc ngủ hơn.
Thiếu ngủ có thể dẫn đến buồn ngủ quá mức và nhiều hậu quả khác đối với sức khỏe tổng thể của một người.
VietBF@sưu tập