\Bão Milton tăng lên cấp 5 - cấp cao nhất trong thang cảnh báo của Mỹ - hôm 7/10 khi đi qua vùng biển Đại Tây Dương, nơi nhiệt độ nước biển ấm bất thường.
Biểu đồ thể hiện nhiệt lượng đại dương tại Vịnh Mexico. Đường màu đỏ là dữ liệu từ tháng 1-10/2024. Đường màu xám là dữ liệu trung bình từ năm 2013-2023. Ảnh: New York Times.
Trong khoảng 1,5 năm trở lại đây, lớp nước bề mặt của các đại dương trên thế giới đã đạt hoặc gần chạm mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận, theo New York Times.
Các hoạt động thải ra CO2 và các loại khí nhà kính, chính những khí này tạo thành lớp “chăn” giữ lại nhiệt gần bề mặt Trái Đất. Các đại dương hấp thụ phần lớn lượng nhiệt dư thừa này. Do đó, các tác nhân từ con người gây ra không chỉ khiến nhiệt độ không khí ở khắp nơi tăng lên, mà còn góp phần làm nóng đại dương.
Các khu vực ở Đại Tây Dương - nơi bão thường xuyên hình thành - cũng không ngoại lệ. Nhiệt lượng đại dương là khái niệm dùng để chỉ lượng nhiệt đại dương hấp thụ và lưu trữ trong nước biển.
Khi biển ấm lên, nhiều nước bốc hơi hơn ở bề mặt. Bão kéo luồng không khí ẩm này lên cao, nơi hơi nước ngưng tụ thành mây và mưa. Quá trình này giải phóng nhiệt, giúp hút thêm không khí từ mặt đất lên cao, làm cho các cơn bão mạnh và phát triển hơn.
Cách đây vài tháng, các chuyên gia bắt đầu cảnh báo nhiệt độ đại dương cao kỷ lục dự kiến kéo theo mùa bão năm 2024 hoạt động quá mức bình thường.
Những cơn bão đi qua các khu vực đặc biệt nóng nhiều khả năng sẽ mạnh lên nhanh chóng. Ví dụ như bão Milton hình thành và tăng thành bão cấp 5 chỉ trong vòng một ngày, trong khi Helene - bão cấp 4 - càn quét khu vực đông nam nước Mỹ hồi tháng 9, cướp đi sinh mạng của hơn 230 người.
Song câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hai cơn bão mạnh xuất hiện liên tiếp tại khu vực Vịnh Mexico? Bởi thông thường, sức gió dữ dội từ bão làm khuấy động vùng nước sâu và mát hơn của đại dương, phần nào giúp hạ nhiệt độ bề mặt.
Khả năng cao Helene cũng làm điều tương tự, nhưng các chuyên gia không thể thu thập một số dữ liệu mới nhất về nhiệt độ bề mặt nước biển, khi cơn bão đã phá hủy một cơ sở liên bang quan trọng - Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia tại Asheville, North Carolina.
Tuy nhiên, cần chú ý Milton mạnh lên ở phía tây Vịnh Mexico, trong khi Helene tăng cấp khi ở khu vực phía đông. Điều này đồng nghĩa hai cơn bão hấp thụ các nguồn năng lượng đại dương ở những nơi khác nhau, theo Kim Wood - phó giáo sư khoa học thủy văn và khí quyển tại Đại học Arizona.
Các nhà khoa học đang kinh ngạc trước mùa bão 2024 tại Đại Tây Dương. “Cảm giác cả mùa bão gom lại trong vài tuần”, ông Wood nói.
Thế nhưng, mùa bão Đại Tây Dương còn gần hai tháng nữa mới kết thúc.
VietBF@ sưu tập