Bong bóng 35 nghìn tỷ USD tại Mỹ đang khiến các chính trị gia tranh cãi gay gắt về việc liệu có nên để giới nhà giàu trả bớt hộ 3 nghìn tỷ USD hay không.
"Nếu tình hình nợ công tiếp tục ổn định như hiện nay thì khi so sánh với quy mô nền kinh tế, chúng ta đang ở vị thế hợp lý", Bộ trưởng tài chính Janet Yellen nói với hãng tin CNBC về khoản nợ công đã lên đến 35 nghìn tỷ USD, cao nhất trong lịch sử Mỹ.
Tờ New York Times (NYT) cho hay bong bóng nợ công tại Mỹ đang tăng nhanh vượt mọi dự đoán của tất cả các chuyên gia khi nền kinh tế số 1 thế giới đã phải chi tiêu rất nhiều trong vài năm trở lại đây nhằm chống lạm phát, thúc đẩy kinh tế trong và hậu đại dịch.
Thậm chí tờ NYT cho rằng việc cả 2 Ứng cử viên Tổng thống là Donald Trump và Kamala Harris không nhắc nhiều đến thâm hụt ngân sách và nợ công trong chiến dịch tranh cử cho thấy bong bóng này sẽ còn phình to hơn nữa trong tương lai.
Ngay cả khi đã đề ra những biện pháp đối phó nhưng nhiều chuyên gia cho rằng việc đánh thuế người giàu hay cắt giảm ngân sách các chương trình y tế, an sinh xã hội sẽ chẳng thể giúp ích nhiều cho khoản nợ công khổng lồ hiện nay.
Báo cáo của Văn phòng ngân sách nghị viện Mỹ (BCO) vào tháng 6/2024 cho thấy nợ công của nước này sẽ lên tới 56 nghìn tỷ USD vào năm 2034 vì chi tiêu ngân sách và lãi vay cao hơn so với khoản thu từ tiền thuế.
Số liệu cho thấy bình quân Kho bạc Mỹ đã trả khoảng 89 tỷ USD chi phí lãi vay cho khoản nợ công tồn đọng trong tháng 3/2024, tức là khoảng 2 triệu USD/phút.
Thêm vào đó, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) không hạ lãi suất càng khiến tình hình nợ công của chính phủ bi đát hơn. Một số dự án như Hoàn tín thuế cho người lao động (ERTC) đã vượt mức ngân sách ước tính do xuất hiện vô số sai lầm, hành vi lừa đảo và các rắc rối khác.
Thế rồi hàng loạt những chương trình hỗ trợ nền kinh tế như Đạo luật chống lạm phát (IRA), qua đó chi hàng tỷ USD hỗ trợ công nghệ, xe điện, nhà máy chip...càng khiến tình hình nợ công trở nên tệ hơn.
Hợp lý
Bất chấp những thách thức trên, chính phủ Mỹ lại cho rằng khoản nợ công hiện nay là hợp lý so với quy mô nền kinh tế.
Cụ thể, Bộ tài chính Mỹ đã vay đến 234 tỷ USD trong khoảng tháng 4 đến tháng 6/2024, thấp hơn so với dự đoán trước đó. Con số này trong khoảng tháng 7-9/2024 dự kiến sẽ là 740 tỷ USD.
Bộ trưởng Janet Yellen cho biết con số trên là hợp lý nếu so sánh với quy mô kinh tế Mỹ và hiện bà đang tập trung chủ yếu vào thanh toán lãi vay nợ công.
Trong khi đó, Nhà Trắng đang có kế hoạch tăng thuế giới nhà giàu và các doanh nghiệp nhằm cắt giảm 3 nghìn tỷ USD thâm hụt ngân sách.
Số liệu chính thức dự đoán lãi vay nợ công của Mỹ sẽ tăng từ 892 triệu USD năm nay lên 1,7 tỷ USD năm 2034.
Tình hình này đang khiến ngày càng nhiều chuyên gia chú ý đến giải pháp mà các Ứng cử viên Tổng thống đưa ra trong cuộc tranh cử hiện nay.
Tuy nhiên trong khi ông Donald Trump cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm thuế, tương đương bào mòn 4 nghìn tỷ USD ngân sách trong 10 năm tới, thì đối thủ Harris lại chưa đưa ra đường lối cụ thể.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2019 của mình, bà Harris đã từng kêu gọi tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 35%, nhưng lại giảm thuế cho tầng lớp trung lưu.
"Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong 100 ngày nữa và trong khoảng thời gian đó, nợ công Mỹ sẽ tăng thêm 1 nghìn tỷ USD nữa. Chúng ta không thể coi vấn đề này là hợp lý được nữa", CEO Michael Peterson của Peter G. Peterson Foundation nhận định.
VietBF@ Sưu tập