Hai thập kỷ qua, giá thuê và mua nhà tăng nhanh hơn thu nhập ở Mỹ, khiến người dân khó chi trả cho chỗ ở.
Phân tích mới công bố của Bộ Tài chính Mỹ cho biết chi phí nhà ở đã tăng nhanh hơn thu nhập trong hai thập kỷ qua. Theo đó, hơn 90% người Mỹ sống ở các nơi có giá thuê và mua nhà trung bình tăng nhanh hơn thu nhập trung bình.
Giá thuê trung bình tăng nhanh hơn thu nhập bình quân của hộ gia đình ở 88% các quận của Mỹ, nơi sinh sống của 97% dân số. Trong khi đó, giá nhà trung bình tăng nhanh hơn lạm phát ở 88% các quận, nơi 95% người dân sinh sống. Cả giá thuê trung bình và giá nhà đều tăng nhanh hơn lạm phát chung ở 77% các quận, nơi có 93% dân số.
Đến 2020, giá thuê được điều chỉnh theo lạm phát đã tăng đều đặn lên hơn 20% so với mức năm 2000. Cùng giai đoạn, giá nhà được điều chỉnh theo lạm phát đã tăng khoảng 65%. Ngược lại, thu nhập hộ gia đình trung bình được điều chỉnh theo lạm phát hầu như không tăng.
Nhà rao bán tại Sacramento, California ngày 3/3/2022. Ảnh: AP
Gần 90% gia đình có thu nhập hàng năm dưới 20.000 USD chi hơn 30% thu nhập cho chi phí nhà ở - một ngưỡng được Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị (HUD) sử dụng để đo lường áp lực về khả năng chi trả. 60% gia đình có thu nhập từ 20.000 đến 50.000 USD phải đối mặt với thách thức tương tự.
Nhóm chuyên gia của Bộ Tài chính Mỹ nhận định với một số hộ gia đình, chi phí nhà ở tăng đồng nghĩa với việc chi tiêu cho mọi thứ khác sẽ giảm, bao gồm thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, quần áo, giáo dục và tiết kiệm hưu trí. "Đối với những người khác, đặc biệt là những người Mỹ trẻ tuổi, chi phí cao có thể khiến họ không thể sống một mình hoặc lập gia đình", phân tích cảnh báo.
Phát biểu trong chuyến thăm đến Minneapolis hôm 24/6, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho rằng thị trường phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở rất đáng kể trong thời gian dài. "Cuộc khủng hoảng nguồn cung này đã dẫn đến khủng hoảng về khả năng chi trả", bà nói.
Vậy tại sao việc xây dựng nhà ở chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của nhu cầu? Một nguyên nhân là do các quy định sử dụng đất ở địa phương và các hạn chế về quy hoạch. Kích thước lô đất tối thiểu và giới hạn đối với các tòa nhà chung cư làm hạn chế nguồn cung, dẫn đến tăng giá bán.
Ngoài ra, ở nhiều nơi, rào cản xây dựng không phải là thủ phạm duy nhất. Thu nhập của nhiều gia đình đơn giản là quá thấp để có thể đủ trang trải chi phí xây dựng căn hộ hoặc nhà mới, theo Bộ Tài chính.
Chỉ giá nhà ở, tiền thuê và thu nhập hộ gia đình trong 3 thập niên qua. Đồ họa: Bộ Tài chính Mỹ
Cho đến nay, cả người mua và người thuê nhà đều phải đối mặt với chi phí nhà ở ngày càng tăng vọt sau đại dịch. Theo Chỉ số giá nhà tổng hợp Case-Shiller 20-City, giá nhà đã tăng 46% giai đoạn từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2024.
Trong khi đó, doanh số bán nhà hiện hữu đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, tính đến tháng 5, do lãi suất tăng và giá cao kỷ lục. Liên minh Nhà ở thu nhập thấp quốc gia cho biết toàn quốc đang thiếu hơn 7 triệu ngôi nhà giá rẻ cho hơn 10,8 triệu gia đình nghèo. Liên minh tuyên bố không có bang hoặc quận nào ở Mỹ mà người thuê nhà làm việc toàn thời gian với mức lương tối thiểu có thể mua được một căn hai phòng ngủ.
Để giải quyết khủng hoảng, bà Yellen kêu gọi quốc hội thông qua gói ngân sách do chính quyền Biden đề xuất, đã công bố vào tháng 3. Gói này bao gồm các ưu đãi thuế cho người mua nhà lần đầu, người thu nhập thấp và kế hoạch xây dựng hơn 2 triệu ngôi nhà.
Đến nay, Nhà Trắng đã thực hiện các bước khác để thúc đẩy nguồn cung như gói khuyến khích hàng tỷ USD cho các bang chuyển đổi tòa nhà văn phòng trống thành chung cư. Tuần này, quỹ mới 100 triệu USD hỗ trợ tài chính cho nhà ở giá rẻ trong ba năm tới được công bố.
Một số nhà kinh tế dự đoán cuộc khủng hoảng có thể không kết thúc cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng tiền tệ. Sal Guatieri, nhà kinh tế cấp cao tại BMO Capital Markets Economic Research cho rằng thị trường nhà đất dự kiến sẽ có ít thay đổi "cho đến khi Fed giảm lãi suất chính sách".
Diane Yentel, Chủ tịch kiêm CEO Liên minh Nhà ở Thu nhập Thấp Quốc gia, cho biết Nhà Trắng đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng người dân bị trục xuất khỏi nhà vì mất khả năng chi trả và giải quyết khủng hoảng, nhưng còn nhiều việc phải làm.
Theo bà Yentel, quốc hội cần nhanh chóng thông qua các khoản đầu tư vào nhà ở mang tính chuyển đổi. "Bằng cách kết hợp giữa hành động hành chính và nguồn tài trợ mạnh mẽ của liên bang, đất nước mới có thể thực sự giải quyết được cuộc khủng hoảng nhà ở giá rẻ", bà nêu.