Trước đà tăng của đồng USD so với VND, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có động thái bán thêm dự trữ ngoại hối để bình ổn tỉ giá.
Công ty Chứng khoán Maybank cho biết NHNN hôm 24/6 đã bán ra 350 triệu USD nhằm giảm bớt áp lực trượt giá của đồng VND so với đồng USD. Như vậy, trong nỗ lực bình ổn giá từ giữa tháng 4/2024 đến nay, NHNN đã bán ra hơn 5 tỷ USD.
Trong khi đó, Khối Thị trường Tài chính của Ngân hàng ACB vào hôm 26/6 đã công bố một báo cáo thị trường cho thấy NHNN hôm 25/6 đã bán ra gần 600 triệu USD, qua đó đẩy số lũy kế bán USD tại vùng giá 25.450 của NHNN từ cuối tháng 4 tới phiên 25/6 gần đạt mức 5,5 tỷ USD.
Tính từ đầu năm tới hôm 19/4 - thời điểm mà NHNN thông báo việc bán ngoại tệ để can thiệp tỉ giá - tỉ giá USD so với VND đã tăng đến 4,9%, một mức tăng mà Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng "rất đáng quan tâm".
Theo cập nhật tỉ giá của Bloomberg vào chiều ngày 27/6 (giờ Việt Nam), 1 USD đổi 25.459 VND. Tỉ giá USD/VND tăng 4,94% tính từ đầu năm.
Các ngân hàng lớn tại Việt Nam như Vietcombank, Vietinbank hay BIDV cũng có mức giá bán ra tương tự trong cùng ngày.
Trong khi đó, nhiều tờ báo trong nước đưa tin giá USD bán ra ở thị trường tự do đã tiến sát mốc 26.000 VND/USD, có thời điểm còn vượt qua ngưỡng 26.000 VND trong hôm 27/6.
Để đẩy mạnh việc hạ nhiệt tỉ giá, NHNN cũng liên tục phát hành tín phiếu cũng như giảm kỳ hạn và tăng lãi suất trúng thầu tín phiếu.
Đầu quý 2/2022, NHNN cũng thực hiện bán ngoại tệ can thiệp nhằm ổn định thị trường tiền tệ trước áp lực VND mất giá do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Các nhà quan sát thị trường thời điểm đó cho biết NHNN Việt Nam đã bán ra thị trường hơn 20 tỷ USD - khoảng 20% tổng dự trữ ngoại hối vào cuối năm 2021 - để can thiệp trong chín tháng đầu năm 2022.
Cuối tháng 3/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo về dự trữ ngoại hối trên thế giới tính tới hết quý 4 năm 2023. Theo công bố của NHNN, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt trên 93 tỷ USD.
Chụp lại hình ảnh: Giá USD bán ra ở thị trường tự do tại Việt Nam đã cán mốc 26.000 VND/USD vào hôm 27/6
Chia sẻ với báo giới vào tháng 4/2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng tỉ giá tăng nóng vì kỳ vọng Fed giảm lãi suất nhưng vẫn chưa thực hiện.
Ông Tú nói thêm rằng còn các yếu tố khác góp phần tăng cao tỉ giá có thể kể đến như chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông, lạm phát cao ở Mỹ hay nhu cầu mua ngoại tệ lẫn nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đều tăng cao.
Lãnh đạo NHNN cho biết tỉ giá USD/VND tăng cao bên cạnh việc ảnh hưởng đến giá trị của VND còn tác động tiêu cực đến sức mua của người Việt Nam, thị trường nội địa và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Tờ Busines Times của Singapore vào cuối tháng 5/2024 còn cho rằng những xáo động chính trị tại Việt Nam có tác động đến giá trị của đồng nội tệ và nhấn mạnh đây là đồng tiền có diễn biến xấu nhất ở Đông Nam Á.
“Trong bối cảnh thặng dư thương mại thu hẹp và môi trường lãi suất thấp ở Việt Nam, áp lực cung cầu ngoại tệ có thể sẽ còn tồn tại,” ông Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập công ty Think Future Consultancy & Investment, trả lời Business Times vào cuối tháng 5/2024.
“Các biện pháp kiểm soát thanh khoản và bán USD trước đây của NHNN không đủ để ổn định tỷ giá trong dài hạn. Trong bối cảnh đó, công cụ lãi suất sẽ có hiệu quả nhất trong việc quản lý đồng VND,” ông Linh nói.
Trong một diễn biến liên quan, giữa lúc đồng VND đang suy yếu, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong tháng 5/2024, đã tăng 4,44% so với cùng kỳ năm 2023 lên mức cao nhất trong 16 tháng - gần chạm mức trần kiểm soát lạm phát của năm 2024 là 4,5% do Chính phủ đề ra.
VietBF@sưu tập