- Quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và bành trướng "sức mạnh cơ bắp" trong khu vực đã hủy hoại hình ảnh của Bắc Kinh trong con mắt của các nước láng giềng.
Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự và "bành trướng sức mạnh cơ bắp" khiến các quốc gia láng giềng lo ngại
Tờ The New York Times ngày 19/3 đăng bài phân tích của Giáo sư David Shambaugh thuộc đại học George Washington nhận định, Trung Quốc đang trở thành một cường quốc trên thế giới và Bắc Kinh cũng đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng về hình ảnh của mình trong con mắt toàn cầu.
Bất chấp những nỗ lực đẩy mạnh chính sách tuyên truyền đối ngoại và thúc đẩy ảnh hưởng văn hóa Hoa Hạ như một quyền lực mềm ra thế giới, những hình ảnh tiêu cực về Trung Quốc lại đang xuất hiện ngày càng nhiều và có thể tìm thấy khắp nơi.
Dẫn nguồn kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew Global Attitudes kết hợp với BBC, Giáo sư David Shambaugh cho biết ngày càng nhiều người không ưa Trung Quốc và xu hướng này đang lan rộng từ châu Âu sang châu Á, châu Mỹ.
Với Nga, trên bề mặt dường như hai cường quốc này có nhiều điểm hài hòa về thế giới quan và lợi ích, nhưng dưới lớp băng này lại tích tụ một sự nghi ngờ lẫn nhau ngày càng tăng. Điều này thể hiện rõ rệt trong các rào cản thương mại xung quanh việc Nga bán vũ khí trang bị cho Trung Quốc, tranh cãi chuyện nhập cư và cạnh tranh chiến lược ở khu vực Trung Á.
Tại Trung Đông, theo The New York Times, danh tiếng của Trung Quốc cũng đang ngày một xấu đi do các quốc gia khu vực không hài lòng trước sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với chính phủ Syria, Cộng hòa Iran.
Châu Phi được đánh giá là nơi Trung Quốc đang có ảnh hưởng mạnh nhất hiện nay trên nhiều phương diện, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây lòng tham của các doanh nghiệp, dân Trung Quốc khai thác dầu, khoáng sản và nguyên vật liệu thô khác đã khiến hình ảnh của Trung Quốc trở nên "tồi tệ" trong con mắt người dân bản địa.
Trong khi cố gắng mở rộng hoạt động toàn cầu của mình, các tập đoàn đa quốc gia của Trung Quốc thường gặp hải những khó khăn đáng kể khi muốn thiết lập chỗ đứng chân cho mình ở nước ngoài và tăng thị phần.
Trung Quốc không có một thương hiệu nào được liệt kê trong top 100 thương hiệu do Businessweek hoặc Interbrand xếp hạng. Với tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, hình ảnh của nó dường như trước đó không được để ý nhiều.
Như là hệ quả của việc suy giảm hình ảnh, tân Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã liên tục nhắc đến giấc mơ "phục hưng dân tộc Trung Hoa".
Trong bối cảnh đó, quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và bành trướng "sức mạnh cơ bắp" trong khu vực đã hủy hoại hình ảnh của Bắc Kinh trong con mắt của các nước láng giềng.
Giáo sư David Shambaugh thuộc đại học George Washington cho rằng, sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc mở cửa thị trường, giảm thặng dư thương mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ các công ước quốc tế. Điều này mới giúp Bắc Kinh cải thiện được hình ảnh của mình trong con mắt cộng đồng.
Về mặt đối ngoại, vị giáo sư này cho rằng Trung Quốc nên tham gia các cuộc đàm phán đa phương theo khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, minh bạch hóa hơn nữa các hoạt động quân sự, tôn trọng sự nhạy cảm ở các nước phát triển khi khai thác tài nguyên thiên nhiên của họ.
theo gd