Lớn tuổi, mắc các hội chứng di truyền như MEN2, FAP, Cowden, tiếp xúc bức xạ, béo phì, ăn uống thiếu iốt làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp là tình trạng các tế bào tuyến giáp phát triển không kiểm soát và ác tính, thuộc nhóm ung thư vùng đầu mặt cổ phổ biến. BS.CKI Lê Ngọc Vinh, khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chưa rõ nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp, tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như sau:
Giới tính: Ung thư tuyến giáp xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới gấp ba lần. Nguyên nhân do phụ nữ trải qua nhiều giai đoạn biến đổi nội tiết như thời kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh con. Các thay đổi này dễ dẫn đến ung thư tuyến giáp.
Tuổi tác: Người lớn tuổi, nhất là giai đoạn 30-60 tuổi dễ mắc ung thư tuyến giáp hơn do thường bị rối loạn miễn dịch trong cơ thể.
Các hội chứng di truyền: Một số bệnh di truyền làm tăng khả năng hình thành ung thư tuyến giáp. Cụ thể, người bệnh tân sinh nội tiết đa dạng type 2 (MEN2) có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp thể tủy và u ở một số tuyến nội tiết khác. MEN2 là hội chứng di truyền ít gặp, các khối u xuất hiện ở một hay nhiều tuyến nội tiết. Rối loạn di truyền này thường gặp nhất ở tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến thượng thận.
Trường hợp có người thân mắc MEN2 cũng có nguy cơ ung thư tuyến giáp thể tủy cao hơn người bình thường. Người mắc hội chứng đa polyp tuyến gia đình (FAP), có khả năng cao hình thành và phát triển polyp đại tràng, nguy cơ cao bị ung thư đại tràng. Nguy cơ ung thư tuyến giáp dạng nhú ở người mắc hội chứng này cao hơn. Hội chứng Cowden (u mô thừa đa ổ), carney... cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang, có xu hướng xảy ra ở độ tuổi trẻ.
Tiền sử gia đình: Ung thư tuyến giáp có liên quan đến gene di truyền. Người có người thân (cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con) bị ung thư tuyến giáp thường dễ phát triển bệnh này hơn, ngay cả khi không có các hội chứng di truyền.
Bức xạ: Tiếp xúc với bức xạ (xạ trị, bụi phóng xạ...), nhất là xạ trị ở vùng đầu cổ khi còn ở độ tuổi thiếu nhi, thiếu niên làm tăng khả năng phát triển ung thư tuyến giáp. Nguy cơ phụ thuộc vào mức độ phóng xạ và độ tuổi của người bệnh. Điều trị với liều bức xạ lớn khi tuổi còn nhỏ, khiến nguy cơ tăng rất cao.
Thừa cân, béo phì: Người thừa cân khiến lượng mỡ dư thừa, cản trở hoạt động bình thường của cơ thể. Nguy cơ ung thư tuyến giáp tăng tỷ lệ thuận khi chỉ số khối cơ thể (BMI).
Chế độ ăn uống thiếu iốt: Ăn uống ít iốt tạo điều kiện cho các nhân giáp phát triển, có thể dẫn đến ung thư tuyến giáp thể nang và thể nhú.
Bác sĩ Vinh lưu ý ung thư tuyến giáp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả người không có các yếu tố nguy cơ trên. Bác sĩ khuyến cáo mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư nếu có triệu chứng nghi ngờ.
Người thường xuyên tiếp xúc bức xạ, thừa cân, béo phì, có người thân trực hệ mắc bệnh và di truyền các hội chứng tân sinh nội tiết đa dạng type 2, polyp tuyến gia đình... nên đến bác sĩ chuyên khoa Đầu Mặt Cổ để được tư vấn, xét nghiệm di truyền, siêu âm định kỳ. Bác sĩ có thể kiểm tra, phát hiện sớm bất thường (nếu có) ở người bệnh và điều trị phù hợp.
|