Đối thơ bị thua, sư trụ trì thả chó cắn Nguyễn Công Trứ. Trong làng Uy Viễn của Nguyễn Công Trứ có một ngôi chùa và vị sư trụ trì ở đây là người tài cao học rộng nhưng rất kiêu ngạo, hiếu thắng. Ông này thường tự cho mình là đệ nhất thiên hạ và còn xem thường cả cậu nho sinh Củng vốn từ lâu đã nổi tiếng thần đồng khắp trong vùng. Biết vậy, nho sinh Củng cũng hiếu thắng nên đã tìm dịp gặp để thử tài cao thấp.
Trong khi cậu nho sinh Củng (Nguyễn Công Trứ) đắc thắng ra về, nhưng vừa bước đến giữa sân thì hai con chó nhà chùa xổ ra cắn, cắn quyết liệt như thể trả thù cho chủ (nhà sư trụ trì) vậy. May có chú tiểu ngăn mãi mới được.
Nguyễn Công Trứ. Ảnh minh họa.
Nhân một hôm được nghỉ học và trên đường từ tỉnh về thăm nhà, nho sinh Củng bèn tìm tới chùa nọ để vãn cảnh và cũng là để xem tài năng cũng như mặt mũi của vị sư trụ trì ngôi chùa này như thế nào mà khẩu khí nghe đồn cũng đã phải nể. Khi vừa bước qua cánh cổng, thấy ngoài sân trong điện không có ai và khi đó cậu Củng lại đang khát nước nên đã đi thẳng vào bếp của nhà chùa để tìm nước uống. Ngay lúc đó, cậu Củng gặp vị sư trụ trì đang lúi húi bên bếp. Quay lại nhìn người lạ, vị sư buông ra một câu không mấy hiếu khách: Khách khứa kể chi ông núc bếp.
Ngay lúc đó, cậu Củng nhìn quanh, thấy một cái vại (là đồ vật bằng sành dùng để muối cà hoặc dưa) ở góc bếp, liền ứng khẩu đối lại: Trai chay mà có vại cà sư?
Câu này thực ra được nói lên rất vô tình, nhưng vị sư kia lại cho rằng nho Củng thâm ý châm biếm mình có tư tình với bà vãi, nên chắp tay nhìn lên tượng Phật đọc một câu như thanh minh cho sự đứng đắn của mình: Xin chứng minh cho, nam mô A Di Đà Phật.
Ngay lúc đó, nho sinh Củng liền chỉ tay vào cái kiềng ở trong góc bếp và cất tiếng đối lại rằng: Có giám sát đó, Đông Trù Tư mệnh Táo quân!
Đông trù Tư mệnh Táo quân là thần coi bếp, cầm giữ bản mệnh của gia chủ. Bên mời Phật, bên nhờ thần ra minh chứng, quả thực là hay; lại Đông đối với Nam, Quân đối với Phật thì thật là tài!
Đến đây thì vị sư vừa tức vừa hoảng, không ngờ gặp phải đối thủ trẻ tuổi mà cao cường đến vậy, liền hạ một chiêu cuối cùng, vừa là để muốn vỗ ngực ta đây không phải tay vừa và cũng là để hăm dọa đối thủ: Thuộc ba mươi sáu quyển kinh, chẳng thiên địa thánh thần nhưng khác tục!
Nho sinh Củng cũng quyết định tung ra một đòn hạ gục đối thủ chơi ngông:
Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người!
Tới đây, vị sư đành nín thinh, chấp nhận thua cuộc, từ đó không dám cao ngạo với bất cứ ai trong làng nữa.
Tuy nhiên, cũng với giai thoại về cuộc gặp giữa nho sinh Củng với vị sư trụ trì chùa làng Uy Viễn, có người đã kể lại rằng: Khi cậu nho sinh Củng đắc thắng ra về, nhưng vừa bước đến giữa sân thì hai con chó nhà chùa xổ ra cắn, cắn quyết liệt như thể trả thù cho chủ vậy. May có chú tiểu ngăn mãi mới được.
Ngay lúc đó, nho sinh Củng dừng lại nhìn quanh chùa rồi ngâm hai câu như một lời nhắn gửi lại với vị sư trụ trì rằng: Bụt cũng hiền lành, sư cũng khá/ Còn hai con chó chửa từ bi.
Lời bàn:
Cứ theo nội dung của giai thoại trên đây thì quả là câu nói của người xưa rằng “Thiên hạ nhân, thiên hạ tài” quả là chẳng hề sai. Bởi lẽ trên đời này nếu xếp thứ bậc về những người có nhiều thời gian rảnh rỗi nhất thì có lẽ những nhà sư trong các ngôi chùa là người đứng đầu bảng. Vì có nhiều thời gian, lại được nghiền ngẫm giáo lý nhà Phật nên không ít nhà sư có kiến thức thâm sâu về Nho học. Song cũng chính vì thế mà đã có không ít người sinh ra tính tự cao, tự mãn. Thậm chí còn có người tự cho rằng mình là đệ nhất thiên hạ và nhà sư trong giai thoại trên là một minh chứng.
Vẫn biết rằng ở đời có người thông minh xuất chúng và cũng có kẻ không được bình thường, như từ thượng cổ cho đến nay, thời nào và ở đâu cũng vậy, không có một ai mà đọc, nhớ rồi hiểu và làm theo tất cả những gì được ghi chép trong mọi cuốn sách. Hơn nữa, với một vị sư suốt ngày quanh quẩn trong chùa thì làm sao biết thiên hạ như thế nào mà lại dám tự cho mình là đệ nhất. Và chính cái sự ngông nghênh của vị sư kia chỉ tổ làm bia cho thiên hạ cười. Đáng buồn là thời nay vẫn còn có không ít kẻ dẫm phải dấu chân của vị sư nọ. Bởi thế cho nên có không ít người chỉ biết có từ nhà đến cơ quan và từ cơ quan về nhà..., nhưng lúc nào cũng muốn dạy đời, thậm chí có người còn tỏ ý coi thường thiên hạ. Mong rằng bài học của vị sư trong giai thoại này cũng là bài học của không ít nhưng kẻ hậu sinh.
VietBF@ sưu tập
|