Không chỉ ăn uống sạch, rửa bát sạch cũng là cách bảo vệ sức khỏe.
Tiểu Lưu sau khi thấy nhà hết nước rửa bát đã đặt 1 thùng về dùng dần vì có chương trình khuyến mãi.
Tuy nhiên, khi hàng đến, mẹ cậu la rầy: “Gần đây mẹ thấy trên mạng nói nước rửa bát có thể gây ung thư, từ nay nhà mình sẽ không dùng nước rửa bát nữa, chỉ dùng nước nóng để rửa thôi”.
Tiểu Lưu vừa buồn cười vừa bối rối, đáp lại mẹ rằng không phải thông tin trên mạng lúc nào cũng chính xác đâu. "Chúng ta đã dùng nước rửa bát nhiều năm rồi mà không thấy vấn đề gì, sao tự dưng giờ lại nói nó gây ung thư? Hơn nữa, không dùng nước rửa bát thì bát đĩa sẽ bẩn lắm!”, cậu nói.
Vậy, việc sử dụng nước rửa bát lâu dài có thực sự gây hại cho sức khỏe và dẫn đến ung thư không?
1. Sử dụng nước rửa bát hàng ngày có thực sự độc hại và gây ung thư không?
Nỗi lo lắng về việc nước rửa bát có độc chủ yếu liên quan đến chất tẩy rửa trong sản phẩm, điển hình như Natri Lauryl Ether Sulfate (SLES) và Natri Alkylbenzenesulfonat e (LAS). Đây là 2 thành phần có tỷ lệ cao nhất trong nước rửa bát, giúp làm sạch chén bát hiệu quả.
Một số người lo lắng rằng việc tiêu thụ chất tẩy rửa còn sót lại trên dụng cụ ăn uống có thể gây ngộ độc. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, để đạt được mức độ ngộ độc, một người nặng 60kg cần phải uống ít nhất một thùng nước rửa bát chưa pha loãng, điều này gần như không thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Nếu vẫn lo lắng, bạn chỉ cần rửa sạch nhiều lần hơn sau khi sử dụng nước rửa bát là có thể yên tâm.
Có nhiều thông tin cho rằng một số loại nước rửa bát có hàm lượng formaldehyde (chất gây ung thư) vượt mức cho phép, khiến người dùng lo ngại về nguy cơ mắc bệnh. Vậy tại sao lại có formaldehyde trong nước rửa bát?
Theo Tiến sĩ hóa học Từ Á Phí từ Đại học Thanh Hoa, ngoài các chất tẩy rửa, nước rửa bát truyền thống còn chứa nước, hương liệu và một số thành phần khác nhưng dễ sinh vi khuẩn. Do formaldehyde có tính năng bảo quản và diệt khuẩn nên nhiều loại nước rửa bát trôi nổi, kém chất lượng đã thêm formaldehyde vào bảng thành phần.
Để kiểm soát chất lượng nước rửa bát, tiêu chuẩn vệ sinh cho chất tẩy rửa thực phẩm đã được ban hành, gồm 2 loại:
- Loại A: Hàm lượng formaldehyde và methanol không vượt quá 0,05%, có thể sử dụng trực tiếp để rửa thực phẩm.
- Loại B: Hàm lượng formaldehyde và methanol không vượt quá 0,1%, dùng để rửa dụng cụ ăn uống.
Trên thực tế, chỉ cần mua nước rửa bát từ các thương hiệu uy tín thì khả năng xuất hiện formaldehyde vượt mức cho phép cũng đã rất thấp nên người tiêu dùng không cần quá lo lắng.
Trưởng khoa Ung bướu từ Bệnh viện Chiết Giang - Bác sĩ Giang Hạo cảnh báo rằng cũng có một số loại nước rửa bát trong cuộc sống hàng ngày cần tránh xa vì sử dụng lâu dài có thể gây hại cho sức khỏe:
1. Nước rửa bát có hương liệu mạnh: Nhiều người thích mua nước rửa bát có mùi thơm đậm để cảm thấy sạch sẽ hơn sau khi rửa chén. Tuy nhiên, những loại nước rửa bát có mùi quá nồng thường chứa hương liệu kém chất lượng. Việc hít phải mùi hương này thường xuyên có thể kích thích đường hô hấp, gây ra các triệu chứng như khó thở và buồn nôn.
2. Nước rửa bát dạng xô: Nhiều loại nước rửa bát được bán theo dạng xô không có nhãn mác và nguồn gốc rõ ràng, có thể chứa vi khuẩn và có chỉ số pH vượt mức cho phép. Sử dụng lâu dài loại nước này có thể khiến dụng cụ ăn uống càng ngày càng bẩn hơn.
3. Nước rửa bát bị đục hoặc có lớp phân tầng: Nước rửa bát bình thường nên có dạng trong suốt và không phân tầng. Nếu phát hiện nước rửa bát có hiện tượng đục hoặc phân tầng, đó có thể là dấu hiệu của sản phẩm hỏng, kém chất lượng, nên vứt bỏ ngay.
2. Những thói quen rửa bát xấu cần tránh
Rửa chén bát không đúng cách cũng có thể gây ra bệnh tật cho người dùng. Bởi vì nếu dụng cụ ăn uống không được rửa sạch và khử trùng hoàn toàn, vi khuẩn và virus có thể sinh sôi nảy nở, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nếu còn sót lại vi khuẩn như Salmonella hay E. coli có thể gây ra triệu chứng tiêu chảy. Nếu bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, bạn có thể bị chướng bụng, khó chịu ở vùng bụng trên, thậm chí có thể phát triển thành bệnh về dạ dày.
Dưới đây là một số thói quen xấu trong việc rửa chén bát mà bạn cần tránh:
1. Thói quen chồng chén bát sau khi ăn: Nhiều người có thói quen sau bữa ăn sẽ chồng chén bát lên nhau để rửa. Tuy nhiên, cách làm này có thể gây ra nhiễm khuẩn chéo. Để đảm bảo vệ sinh, nên tách riêng dụng cụ ăn có dầu mỡ và không có dầu mỡ và nhớ rửa sạch cả phần đáy của bát đĩa.
2. Khăn rửa bát không sạch: Theo báo cáo "Khảo sát vệ sinh nhà bếp gia đình Trung Quốc", khăn rửa bát có thể chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như nấm Candida, E. coli, Salmonella và Staphylococcus aureus.
Khăn rửa bát không sạch sẽ làm bẩn lại dụng cụ ăn uống. Do đó, nên sử dụng khăn rửa bát riêng biệt cho từng mục đích và sau mỗi lần sử dụng, hãy phơi nơi thông thoáng, khô ráo.
3. Không khử trùng chén bát thường xuyên: Sau khi rửa, tốt nhất là đặt chén bát vào máy khử trùng để tiêu diệt vi khuẩn. Hoặc, bạn có thể ngâm bát đũa vài phút trong nước sôi. Đồng thời, cũng nên thay dụng cụ ăn uống định kỳ để đảm bảo vệ sinh.
4. Không pha loãng nước rửa chén: Nhiều người có thói quen đổ trực tiếp nước rửa chén lên dụng cụ ăn uống. Thói quen này rất dễ tích tụ các chất hóa học độc hại, gây giảm sức đề kháng cho cơ thể. Tốt nhất là nên pha loãng nước rửa chén trước khi sử dụng.
5. Không để ráo nước sau khi rửa: Nếu sau khi rửa không để ráo nước, vi khuẩn sẽ dễ dàng sinh sôi. Do đó, hãy để chén bát trên giá để ráo nước trước khi cất vào tủ bát.
VietBF@ Sưu tập