CEO JPMorgan, Jamie Dimon, mới đây đã đưa ra lời cảnh báo về tình hình lạm phát ở Mỹ, dù số liệu công bố vào tuần trước cho thấy áp lực giá đã dần hạ nhiệt.
Cụ thể, ông cho biết trong buổi công bố báo cáo tài chính của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ rằng: “Lạm phát đã ghi nhận sự cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều áp lực trong tương lai, có thể kể đến mức thâm hụt tài chính lớn, nhu cầu cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu hoạt động thương mại và tái quân sự hoá. Do đó, lạm phát và lãi suất có thể ở mức cao hơn kỳ vọng của thị trường.”
Bình luận của ông Dimon được đưa ra sau khi số liệu lạm phát tháng 6 được công bố, ghi nhận mức giảm lần đầu tiên sau hơn 4 năm qua đó làm dấy lên kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm hạ lãi suất. CPI Mỹ giảm 0,1% trong tháng 6 so với tháng 5, tỷ lệ lạm phát trong 12 tháng ở mức 3% và gần như thấp nhất trong hơn 3 năm.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi đầu tuần trước cũng bày tỏ mối lo ngại về việc duy trì lãi suất quá cao trong thời gian dài có thể gây rủi ro cho tăng trưởng kinh tế. Ông cho hay, việc hạ lãi suất có thể sắp diễn ra khi lạm phát tiếp tục cho thấy sự cải thiện. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư kỳ vọng động thái hạ lãi suất có thể sắp diễn ra.
CEO JPMorgan cùng nhiều nhà kinh tế khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nợ công và thâm hụt ngày càng lớn ở Mỹ. Chính phủ liên bang cho đến nay đã chi nhiều hơn 855 tỷ USD so với ngân sách thu được trong năm tài khoá 2024. Trong năm tài khoá 2023, thâm hụt chi tiêu của chính phủ Mỹ ở mức 1,7 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo mức thâm hụt tài chính của Mỹ có thể lên tới 1,9 nghìn tỷ USD, tương đương 7% GDP của nước này, cao hơn so với ước tính 1,5 nghìn tỷ USD hồi tháng 2.
Tạị hội nghị của NHTW châu Âu (ECB) cách đây 2 tuần, ông Powell cũng cảnh báo rằng thâm hụt của Mỹ quá cao do nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và các nhà lập pháp nên giải quyết tình hình tài chính “dù sớm hay muộn”.
Dù lợi nhuận và doanh thu của JPMorgan cao hơn dự báo, song Jamie Dimon vẫn cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai do bất ổn địa chính trị. Ông cho hay: “Tình hình địa chính trị vẫn phức tạp và có nhiều rủi ro nhất kể từ Thế chiến II, dù hậu quả và mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa xác định được.”
VietBF@sưu tập