Não cần glucose làm nhiên liệu nên khi lượng đường trong máu xuống dưới 70 mg/dL làm cản trở hoạt động, dẫn đến đau đầu, kém tập trung.
Đau đầu do lượng đường trong máu (đường huyết) thấp xảy ra khi các hormone trong não như epinephrine và norepinephrine thay đổi. Những thay đổi này tác động đến sự giãn nở của mạch máu, làm tăng cơ chế lưu lượng máu, dẫn đến đau đầu âm ỉ. Triệu chứng thường gặp gồm đau đầu, tê liệt, kém tập trung, phối hợp kém. Trường hợp không can thiệp kịp thời dễ dẫn đến ngất, hôn mê.
Đau đầu do lượng đường trong máu quá thấp thường có cảm giác đau nhức, âm ỉ ở thái dương, có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, cơn đau liên tục. Cơn đau có thể xảy ra cùng với các triệu chứng hạ đường huyết khác như mờ mắt, nhịp tim tăng, hồi hộp, mệt mỏi, khó chịu, nôn nao.
Hạ đường huyết cũng có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Đau nửa đầu thường xuất hiện riêng biệt, không đi kèm với triệu chứng như buồn nôn, nôn và nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh.
Uống thuốc giảm đau thường không thể kiểm soát cơn đau đầu do hạ đường huyết. Để ngăn ngừa đau đầu do hạ đường huyết, người bệnh cần đưa chỉ số về mức bình thường khoảng 70-100 mg/dL.
Quy tắc 15/15 giúp đường huyết nhanh chóng trở về mức bình thường gồm tiêu thụ 15 g carbohydrate (carbs) và sau đó đợi 15 phút. Người bị hạ đường huyết cũng có thể uống nửa cốc nước ép, ăn nửa quả chuối hoặc một viên kẹo cứng. Đau đầu và các triệu chứng đi kèm thường hết trong 30 phút sau ăn, khi lượng glucose tăng. Trường hợp lặp lại quy tắc 15/15 vài lần nhưng không bớt đau đầu, người bệnh nên đi khám.
Người tiểu đường cần tuân theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ hướng dẫn. Người bệnh không bỏ bữa, nên ăn các bữa nhỏ và các món nhẹ trong ngày. Các bữa ăn cách nhau không quá ba giờ. Ăn uống cân bằng các nhóm chất, trong đó ưu tiên thực phẩm giàu protein và chất xơ để duy trì lượng đường trong máu ổn định.
Uống quá nhiều rượu và đường có thể gây hạ đường huyết, do đó nên hạn chế đường và rượu, nhất là khi bụng đói. Hoạt động thể chất thường xuyên nhằm nâng cao sức đề kháng, tăng cường miễn dịch. Hạ đường huyết có thể do các bệnh mạn tính như bệnh thận, tuyến tụy sản xuất quá mức insulin hoặc các vấn đề liên quan đến nội tiết khác. Người bệnh nên kiểm soát bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
|