Thịt ngan, thịt vịt là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, đặc biệt phù hợp với những bữa ăn mùa hè. Các loại thịt này có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng đơn giản và dễ ăn nhất vẫn là sử luộc. Luộc ngan, luộc vịt thường cầu kỳ hơn so với luộc thịt lợn hay luộc thịt gà do ngan, vịt có mùi hôi rõ hơn. Nếu không xử lý kỹ, mùi hôi của ngan, vịt có thể làm món ăn kém ngon.
Để giải quyết vấn đề này, bạn sẽ cần đến một số mẹo đặc biệt. Dưới đây là những mẹo luộc ngan, luộc vịt không hôi mà bạn có thể tham khảo.
Mẹo luộc ngan không hôi
- Cách chọn ngan
Nên mua những con ngan trưởng thành, không quá non cũng không quá già. Thịt ngan già sẽ dài, còn thịt ngan non bị bở, không chắc. Nếu mua ngan sống thì chọn những con có lông bụng, lông cổ đầy đủ, ức tròn. Ngan có mỏ nhỏ và cứng là ngan trưởng thành. Ngan có mỏ to và mềm là ngan non. Nên chọn ngan đực vì thịt ngan đực thường được đánh giá là thơm, sắc chắc hơn ngan cái.
Nếu mua ngan làm sẵn, hãy chọn con mới mổ, cầm lên nặng tay, ức nở, sờ vào thấy rắn chắc, có độ đàn hồi tốt. Da ngan có màu vàng nhưng không quá sậm. Không chọn ngan có da thâm tím hoặc trên da có đốm đen.
- Sơ chế ngan
Ngan mua về làm sạch lông, xát muối, gừng và rượu trắng lên toàn thân để loại bỏ mùi hôi. Cắt bỏ cục hôi màu vàng phía trên phao câu để thịt ngan không bị hôi.
Nếu muốn thịt ngan trắng đẹp, bạn có thể ngâm ngan trong nước lạnh khoảng 20 phút trước khi chế biến.
- Cách luộc ngan
Để khử mùi hôi của ngan, bạn cũng cần dùng một số gia vị như gừng, hành, muối, rượu trắng. Gừng và hành có thể nướng lên để tạo mùi thơm.
Cho thịt ngan vào nồi, thêm hành, gừng, một ít muối, một ít rượu trắng, đổ nước ngập con ngan và đặt lên bếp. Khi nước sôi thì hạ nhỏ lửa, vớt bỏ phần bọt.
Tùy theo kích thước của con ngan mà bạn có thể điều chỉnh thời gian luộc cho phù hợp. Thông thường, để ngan chín, bạn cần luộc 25-30 phút. Để kiểm tra xem ngan chín chưa, bạn hãy lấy đũa chọc vào những phần thịt dày như đùi, lườn. Nếu không có nước đỏ chảy ra là ngan đã chín.
Với những con ngan lớn, sau khi tắt bếp, bạn nên đậy vung nồi và ngâm ngan trong nước nóng thêm khoảng 10 phút cho thịt chín đều, không bị dai hay đỏ.
Vớt thịt ngan ra để nguội rồi chặt miếng vừa ăn.
Mẹo luộc vịt không hôi
- Chọn vịt ngon
Nên chọn con vịt trưởng thành, được khoảng 60-80 ngày tuổi là ngon nhất. Vịt non thì thịt bị nhão và hôi, còn vịt già thịt sẽ bị dai. Khi chọn mua vịt, nên lấy con có lông mượt, ức tròn, hai cánh dài, chóp cánh chéo lại xếp lên nhau dưới đuôi. Để kiểm tra độ già của vịt, bạn có thể lật bàn chân vịt lên. Nếu thấy phía dưới có cục chai mỏng mềm thì đó là vịt vừa đủ lớn.
- Sơ chế vịt
Trước khi mổ, có thể cho vịt uống một ít rượu trắng hoặc nước cốt chanh. Đây là mẹo dân gian giúp khử mùi hôi của vịt. Sau đó, cắt tiết và làm sạch phần lông vịt.
Để khử mùi hôi của vịt, bạn nên cắt bỏ phần phao câu. Đây là nơi tập trung tuyến dịch, chứa nhiều chât bẩn và khiến vịt bị hôi.
Khi rửa vịt, bạn có thể dùng muối và chanh tươi để chà xát khắp bên trong và bên ngoài con vịt. Sau đó, dùng rượu trắng/rượu nấu ăn và gừng đập dập để rửa vịt một lần nữa giúp loại bỏ hoàn toàn mùi hôi.
- Gia vị luộc vịt
Khi luộc vịt, bạn cần thêm một số gia vị để khử tanh, giúp thịt vịt ngon hơn. Thông thường, người ta sẽ cho muối, hành tây, gừng, sả, rượu trắng vào luộc cùng vịt. Theo Đông y, các loại gia vị tính nóng này sẽ giúp cân bằng âm dương cho món thịt vịt (thịt vịt vốn có tính hàn).
- Cách luộc vịt
Đặt nồi nước lên bếp, lượng nước phải đủ ngập con vịt. Cho thêm một ít muối, nhánh gừng hoặc sả đập dập, một chút rượu trắng hoặc rượu nấu ăn. Đun cho nước sủi tăm thì thả vịt vào luộc. Da vị khá dày nên không dễ bị rách như da gà, bạn có thể yên tâm luộc bằng nước nóng. Khi nước sôi trở lại thì vặn nhỏ lửa để thịt vịt chín đều. Luộc trong khoảng 17-18 phút, tùy theo kích thước con vịt. Sau đó, tắt bếp và đậy vung nồi, ngâm thịt vịt trong nước nóng thêm 10 phút cho vịt chín mềm, không bị đỏ xương và ngậm nước, không bị khô thịt.
Vớt thịt vịt ra để nguội bớt rồi chặt miếng vừa ăn.
|
|