Mặc dù đã được trồng đại trà tại hơn 30 quốc gia trên thế giới từ hàng chục năm nay nhưng lợi ích cũng như tác hại của cây trồng biến đổi gen (GMO) vẫn đang là chủ đề bàn cãi chưa có hồi kết. Vẫn có nhiều nước thẳng thừng cấm, dè dặt khảo nghiệm chỉ cho phép nhập khẩu.
Vậy làm sao để biết đâu là thực phẩm biến đổi gen???
Về mặt hình thức, thực phẩm chuyển gene không có gì khác biệt so với sản phẩm truyền thống vì thế, cần khẳng định ngay rằng, không thể phần biệt được thực phẩm GMO bằng mắt thường mà chỉ có cách đưa chúng vào phòng thí nghiệm. Hiện nay, mỗi chỉ tiêu phân tích, ít cũng vài chục nghìn đồng, nhiều lên đến tiền triệu. Chính vì thế, để kết luận một mẫu thực phẩm có phải là thực phẩm GMO hay không phải dựa vào hàng chục chỉ tiêu, số tiền phân tích là không nhỏ.
Tuy nhiên, đối với một số trường hợp đặc biệt như làm thay đổi hẳn đặc tính của cây trồng như dứa lại pha mùi mít, quả đu đủ màu vàng lại có màu xanh hoặc gạo vàng... thì đương nhiên sẽ phân biệt ra ngay.
Về nguyên tắc kỹ thuật, với việc chuyển những đoạn gene mang đặc tính tốt, các nhà khoa học hoàn toàn có thể làm gạo, ngô, khoai, cà chua, đu đủ có màu sắc đẹp hơn, mùi vị thơm ngon hơn. Song thực tế hiện nay, việc này đòi hỏi mất thời gian và tiền của hơn bởi tạo mùi thơm, màu sắc đẹp thì không chỉ cần có một gene mà phải đòi hỏi nhiều gene. Vì thế, tính đến thời điểm này các sản phẩm chuyển gene hiện nay không có sự khác biệt về màu sắc hay mùi vị.
Về việc chế biến và bảo quản thì cho đến nay, chưa có những khuyến cáo nào của các nhà khoa học về việc cần có những quy trình đặc biệt cho loại thực phẩm GMO. Thậm chí, với việc có thể chọn được những đặc tính theo ý muốn, thực phẩm GMO sẽ tươi lâu hơn, giữ chất dinh dưỡng lâu hơn mà không cần nhiều biện pháp bảo quản quá cầu kỳ.