VietBF

VietBF (https://www.vietbf.com/forum/index.php)
-   Archive - Old News 2006-2011 (closed) (https://www.vietbf.com/forum/forumdisplay.php?f=263)
-   -   Chạy trời không khỏi… trạm thu phí (https://www.vietbf.com/forum/showthread.php?t=455588)

jojolotus 07-29-2011 01:18

Chạy trời không khỏi… trạm thu phí
 
1 Attachment(s)
Người đi đường bị bủa vây bởi mạng lưới trạm thu phí dày đặc, cứ một đoạn đường ngắn lại phải… móc ví trả tiền phí

Đồng Nai - Bình Dương - TPHCM là tam giác đóng vai trò đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, giới tài xế đi qua “tam giác” này đều rầu rĩ vì phải móc ví đóng tiền phí… mỏi tay!

Khi sơ đồ mạng lưới trạm thu phí ở “tam giác” này hiện ra, chúng tôi mới thấu hiểu lời phàn nàn của cánh tài xế khi phải trả tiền phí cho “ma trận” trạm thu phí.

Đồng Nai: Trạm thu phí san sát

Bao vây xung quanh địa bàn TP Biên Hòa là hàng loạt trạm thu phí “chốt chặn” trên các tuyến quốc lộ 1A, 1K, 51, 20 và cả các tuyến tỉnh lộ, nội thành. Có chỗ các trạm thu phí tập trung san sát, cách nhau chỉ khoảng 2-3 km.

Tại bùng binh Cầu Mới (xã Hóa An, TP Biên Hòa) đi thẳng theo Quốc lộ 1K về TPHCM, người đi đường “giáp mặt” một trạm thu phí thuộc phường Bửu Hòa. Từ bùng binh rẽ trái sẽ đụng ngay hai trạm thu phí thuộc xã Hóa An và xã Tân Vạn.

Đó là chưa kể một số trạm thu phí khác thuộc các đường nhánh bao quanh khu vực như Tỉnh lộ ĐT 760, Tỉnh lộ ĐT 743, đường Đồng Khởi bủa vây. Trên Quốc lộ 51 đi về thị xã Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), người dân phải móc ví trả tiền cho trạm thu phí xã Tam Phước (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trước khi gặp các trạm thu phí khác thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trên Quốc lộ 20, từ Quốc lộ 1A - ngã tư Dầu Giây hướng lên huyện Định Quán, tài xế cũng phải nộp tiền cho hai trạm thu phí.

http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploade...067-chotdh.jpg
Hai trạm thu phí nằm cách nhau khoảng 500 m trên Tỉnh lộ 16 thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NHƯ PHÚ

Theo thống kê của chúng tôi, chỉ trong khu vực TP Biên Hòa nhỏ hẹp đã có đến 11 trạm thu phí liên tiếp nhau chốt chặn tất cả các ngả đường.

Anh Nguyễn Văn Hùng, một tài xế chuyên chạy xe theo nhiều tuyến tại Đồng Nai ra các tỉnh lân cận, bức xúc: “Quá bực mình, khi cứ đi một chốc lại phải móc ví mua vé, tốn rất nhiều tiền lại mất thời gian, nhiều lúc muốn tìm đường tránh nhưng tránh trạm này lại gặp trạm kia, thật là… chạy trời không khỏi nắng!”.

Bình Dương: Đại “ma trận”

So với tỉnh Đồng Nai, trạm thu phí ở tỉnh Bình Dương cũng không kém phần “nhộn nhịp”. Đáng kể nhất là 2 “ma trận” trạm thu phí ở khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai mà giới tài xế mỗi lần qua đây đều… điếng hồn!

“Ma trận” thứ nhất nằm ở khu vực ngã ba Bình Thung. Trong bán kính chưa đầy 7 km đã có đến 4 trạm thu phí, gồm: Trạm Bình Thung (dự án BOT ĐT 743), trạm trên Quốc lộ 1K (thuộc phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa), trạm trên Quốc lộ 1K (thuộc xã Đông Hòa, thị xã Dĩ An) và trạm Bình Thắng.

“Ma trận” trạm thu phí thứ hai là đoạn tiếp nối giữa đường ĐT 743 (thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với Tỉnh lộ 16 (thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
http://c.statcounter.com/t.php?sc_pr...=1&invisible=1

Trên 6 km nối thẳng này có tới 4 trạm thu phí, trong đó có một trạm đặt trên đường ĐT 743, 3 trạm còn lại đặt trên Tỉnh lộ 16 (do Công ty TNHH Cường Thuận quản lý). Đặc biệt, trong số này có 2 trạm của Công ty TNHH Cường Thuận nằm đối diện nhau, ở giữa là vòng xoay Hóa An!

Điều đáng nói là hai “ma trận” trạm thu phí này lại nằm sát nhau, thông nhau bằng Quốc lộ 1K làm thành một “đại ma trận” với 8 trạm thu phí. Đó là chưa kể các trạm thu phí nằm trên Quốc lộ 13 nối tỉnh Bình Dương và TPHCM.

Từ cầu Bình Triệu 1 đến thị xã Thủ Dầu Một chỉ dài khoảng 30 km nhưng có đến 3 trạm thu phí, một trạm nằm trên địa bàn TPHCM và 2 trạm thu phí Lái Thiêu và Suối Giữa nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tài xế xe tải nhẹ Trần Hành Nghĩa nói: “Tôi vận chuyển hàng một tháng cũng mất chục triệu đồng tiền đóng phí!”.

TPHCM: Siết chặt vòng vây

Tuy không dày đặc như hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nhưng các trạm thu phí ở TPHCM đều nằm trên những tuyến đường cửa ngõ khiến các xe không thể nào… trốn thoát.

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 6 trạm thu phí, gồm: An Sương – An Lạc, Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 1 – Quốc lộ 13, cầu Phú Mỹ.

Các xe đi về miền Tây theo hướng Quốc lộ 1A sẽ “dính” trạm thu phí An Sương – An Lạc, nếu đi theo đường Kinh Dương Vương để ra Quốc lộ 1A thì “dính” trạm thu phí trên tuyến đường này.

Ở hướng Đông Bắc, hàng ngàn lượt xe vào mỗi ngày trên xa lộ Hà Nội đều phải nộp phí tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội. Các xe đi theo xa lộ Hà Nội, rẽ qua cầu Phú Mỹ, vào đường Nguyễn Văn Linh để ra Quốc lộ 1A đều bị “dính” trạm thu phí cầu Phú Mỹ, sau đó tiếp tục móc ví trả tiền phí trên trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh.

Ở hướng Bắc, các xe đi vào TPHCM phải mở hầu bao đóng phí cho trạm thu phí dưới chân cầu Bình Triệu 1. Chưa hết, mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP (CII) còn xin Sở GTVT xem xét việc đặt thêm một trạm thu phí ngay dưới chân cầu Bình Triệu 2 để tiến hành thu phí hai chiều nhằm hoàn vốn theo như hợp đồng BOT đã ký với UBND TP của dự án cầu đường Bình Triệu 2.

Đóng phí… mệt nghỉ!

Sắp tới, khi hầm dìm Thủ Thiêm chính thức được đưa vào hoạt động, xe cộ lại bị thu phí một lần nữa tại hầm dìm Thủ Thiêm khi chọn tuyến đại lộ Đông Tây – hầm Thủ Thiêm – đường Võ Văn Kiệt để đi về miền Tây.

Như vậy, các xe từ Bình Dương, Đồng Nai đi vào xa lộ Hà Nội, rẽ vào đại lộ Đông Tây để đi về miền Tây có thể sẽ phải đóng 2 lần tiền phí. Nếu không chọn lộ trình này mà đi bằng cầu Phú Mỹ thì vẫn phải đóng phí 2 lần tại trạm thu phí cầu Phú Mỹ và đường Nguyễn Văn Linh. Do đó, việc của tài xế là “thích” và chọn đi lộ trình nào, còn chuyện đóng phí là như nhau!

Kỳ tới: Người dân lãnh đủ

Xuân Hoàng – Nhật Minh – Như Phú
Theo NguoiLaoDong

jojolotus 07-29-2011 01:22

Người dân lãnh đủ

Phí giao thông rốt cuộc là do xã hội chịu, tức người dân chịu. Doanh nghiệp không chịu tiền này mà họ đánh vào tiền hàng hóa, vé xe


Thông thường, khi qua các trạm thu phí, doanh nghiệp chỉ bỏ tiền ban đầu ra đóng phí, sau đó sẽ tính vào hàng hóa, dịch vụ. Nói cách khác, người dân đang è cổ ra đóng phí mà không biết, còn người đóng giùm là các tài xế, các doanh nghiệp.

http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploade...-Tan-Thanh.jpg
Trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội 2. Ảnh: Tấn Thạnh


Trạm chặn đầu, chặn đuôi

Ngày 21-7, chúng tôi trao đổi với tài xế Phạm Văn Tuấn, chuyên chạy xe tải nhẹ qua địa phận TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến tỉnh Bình Dương. Anh Tuấn cho biết có ngày anh chở hàng loanh quanh khu vực KCN Amata đến huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nhưng phải hơn… 20 lần trả tiền thu phí. “Xấp xỉ 200.000 đồng, đấy là với xe tải nhẹ, giá vé chỉ từ 10.000 đến 20.000 đồng, đối với xe lớn hơn thì còn chịu trận nhiều hơn” - anh Tuấn nói.

Tài xế Nguyễn Văn Hà, chuyên chạy xe tải chở hàng từ khu vực huyện Trảng Bom - Đồng Nai đến Bình Dương, bức xúc: “Trạm gì mà nhiều dữ vậy, như tại bùng binh Hóa An ngay sát bên này một trạm, bên kia một trạm, rồi cách vài cây số lại có một trạm, đứng từ trạm này có thể gọi sang trạm kia nghe được, thật không thể chấp nhận”. Tài xế Nguyễn Xuân Đời, chuyên chở thuê cho các đại lý bán tủ, giường, bàn ghế, cũng than trời khi đi qua “ma trận” trạm thu phí ở tỉnh Bình Dương: “Mỗi lần qua khu vực này, tôi đều chạy lòng vòng để né trạm nhưng chưa lần nào thành công. Mấy cái trạm chặn đầu, chặn đuôi hết. Nhiều lần, tôi chui vô đường nhỏ để né, làm tắc đường kẹt xe, người dân chửi quá trời!”.

Theo một chủ doanh nghiệp vận tải, chẳng doanh nghiệp nào dại mà gánh “phí đường sá”, họ phải tìm cách… chia sẻ vào tiền vé xe, tiền hàng hóa và đối tượng hứng chịu cuối cùng là người dân.

Muốn quản cũng không được

Ông Nguyễn Văn Vý, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện tỉnh vẫn chưa có một quy hoạch cụ thể về mạng lưới trạm thu phí. Theo ông Vý, tỉnh Đồng Nai không đủ khả năng tài chính để xây dựng hạ tầng giao thông nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) do các doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư. Chính vì vậy, sở không thể điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trạm thu phí mà phải chấp nhận các quyết định từ cấp trên.

“Tỉnh không có ngân sách, doanh nghiệp bỏ tiền ra thì họ phải thu lại. Tuy nhận ra bất cập nhưng chúng tôi cũng không thể làm gì được, đôi khi còn phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nữa kia” - ông Vý nói. Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết trong tương lai sẽ còn nhiều trạm thu phí mọc lên nữa khi các dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành hoàn thành.

Còn tại TPHCM, hiện nay vẫn chưa có quy hoạch cụ thể về mạng lưới trạm thu phí giao thông. Theo Sở GTVT, do chưa có quy hoạch vị trí trạm thu phí giao thông đường bộ nên việc đầu tư theo hình thức BOT đối với các dự án cầu – đường sẽ gặp khó khăn trong việc tính toán và lựa chọn các vị trí để hoàn vốn đầu tư. Thực tế, trong phạm vi TPHCM hiện nay rất khó thực hiện dự án BOT vì không còn tuyến đường “đủ đẹp” để đặt trạm thu phí, điển hình là dự án cầu Sài Gòn 2. Ban đầu, dự án này được quyết định đầu tư theo hình thức BOT nhưng không tìm được vị trí đặt trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư nên UBND TP chuyển sang hình thức đầu tư BT (xây dựng – chuyển giao).

Mới đây, trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX về chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020, UBND TP đã đề ra mục tiêu tiến hành thực hiện đồ án quy hoạch mạng lưới các trạm thu phí thuộc các dự án giao thông đô thị trên địa bàn đến năm 2025. Quy hoạch và mục tiêu đã có nhưng đến năm nào hoàn thành thì… chưa biết!

Bình Dương hạn chế dự án BOT

Một cán bộ Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho rằng đường sá tỉnh này gần đây khang trang hơn là nhờ các doanh nghiệp tích cực tham gia các dự án BOT. Tuy nhiên, do hầu hết các dự án BOT được thực hiện trong khu vực có nhiều tuyến đường giao cắt nhau nên các trạm rất gần nhau, có chủ đầu tư muốn “đánh chặn” để khỏi thất thu nên xây trạm không hợp lý làm ùn tắc giao thông khiến người dân bức xúc...

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ hạn chế dần các dự án BOT để tránh tình trạng các trạm thu phí mọc không đúng khoảng cách quy định trong thời gian tới. Nếu gặp dự án mang tính bức thiết, UBND sẽ trình HĐND tỉnh phê duyệt ngân sách đầu tư, xây dựng.

Xuân Hoàng – Nhật Minh – Như Phú
Theo NguoiLaoDong


All times are GMT. The time now is 09:51.

VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2025
User Alert System provided by Advanced User Tagging (Pro) - vBulletin Mods & Addons Copyright © 2025 DragonByte Technologies Ltd.

Page generated in 0.12930 seconds with 8 queries