![]() |
Chuyện “ông cứu hộ” tai nạn trên quốc lộ 5
1 Attachment(s)
22h đêm, chuông điện thoại đổ dồn trong căn nhà nhỏ. Giọng đàn ông sang sảng, gấp gáp: "tai nạn ở đâu? Tôi đến ngay!”. Tích tắc sau, một bóng người vun vút lao nhanh trong đêm tối…
Đã hai chục năm nay, ông Nguyễn Ngọc Tuy (xã Tuấn Hưng, huyện Kim Thành, Hải Dương) tình nguyện tham gia cứu nạn trên đoạn quốc lộ 5 (Km 66 – 69). Hầu như không một vụ tai nạn giao thông nào xảy ra, không có mặt ông già tóc bạc này… 20 năm chuyên cứu nạn Tìm ông Tuy ở nhà riêng song không gặp, chúng tôi rẽ qua bệnh viện huyện Kim Thành. Ông đang lo trông nom một nạn nhân vụ tai nạn tối qua. Ông đón chúng tôi với giọng cười giòn giã và hồ hởi báo tin mừng: “người anh em đó đã đỡ hơn nhiều rồi. May mà vết thương không nghiêm trọng.” Ông Tuy năm nay 62 tuổi. Nhắc đến ông, dân ở đây không ai không biết. Người ta thân mật gọi ông bằng cái tên “ông cứu hộ”. http://afamily1.vcmedia.vn/ya73kCgF3...copy_88459.jpg Lúc nào ông Tuy cũng kè kè cái túi cứu thương bên cạnh. Cuối năm 1989, đầu năm 1990, gia đình ông Tuy chuyển lên sống ở khu vực ga Phạm Xá này. Nhà ông - phía trước mặt là đường 5, sau lưng là tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, cắt ngang là con đường liên xã, có cả nghìn người băng qua quốc lộ mỗi ngày. Chỉ một phút bất cẩn, tai nạn có thể ập đến. Hồi mới đến, vụ tai nạn thương tâm đầu tiên ông chứng kiến đã cướp đi mạng sống của một cô gái trẻ. “Cháu gái chỉ trạc chừng 17 -18 tuổi, bị xe container chèn ngang người. Mặc dù đã đưa cô bé đến bệnh viện, nhưng do vết thương quá nặng, 5 giờ sau cấp cứu, cháu qua đời,” ông Tuy ngậm ngùi nhớ lại. Tai nạn xảy ra, người đi đường thường không muốn nhảy vào vì sợ vạ lây. Dân ven lộ thì hay ra xem rồi... đứng nhìn, nhiều kẻ xấu còn thừa cơ “chôm của”. http://afamily1.vcmedia.vn/ya73kCgF3...copy_08c0d.jpg Quốc lộ 5, đoạn qua thành phố Hải Dương, nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn. “Trong khi đó, nếu được cấp cứu sớm một hai phút nhiều nạn nhân có thể thoát chết”. Trăn trở về những điều mắt thấy, tai nghe ấy, ông quyết định sẽ tình nguyện giúp đỡ, cứu nạn trên cung đường từ Km 66 – 69 dọc quốc lộ. Ông tự mày mò học lỏm cách sơ cứu, bỏ tiền sắm sửa đồ nghề tác nghiệp. Một tủ cứu thương ra đời với các loại thuốc trợ sức, cầm máu, bông băng, cáng, nẹp, đèn pin... cả chiếc điện thoại cố định kéo dài để thông tin liên lạc… Thời gian đầu, không ít người dị nghị, nói ông có ý đồ riêng, ông bỏ ngoài tai không để ý. Cứ có tin báo tai nạn, bất chấp mưa nắng, ngày đêm ông đều có mặt tức khắc. Có vụ ông sơ cứu rồi nhờ người chuyển vào trạm y tế, có vụ ông gọi ngay xe đưa đến bệnh viện. Nếu gần nhà, ông chuyển về nhà mình chạy chữa. Vừa đóng vai y tá cứu thương, ông còn kiêm luôn vệ sỹ đứng ra bảo quản tài sản của nạn nhân, bảo vệ hiện trường. Hai chục năm trời, người ta quen với cảnh một người đàn ông da màu đồng hun, tóc trắng như cước bên chiếc Dream cũ nát, nhanh chóng tiếp cận hiện trường, tìm cách vớt vát sự sống cho những người không may mắn. Giờ đã thành thông lệ, hễ có va quẹt gì, dân xã Tuấn Hưng lại bấm điện thoại gọi ông đầu tiên, hoặc nhắn người đi đường “đến nhà có cái cờ chữ thập đỏ sát ga Phạm Xá báo cho ông Tuy một tiếng”. Niềm vui “thổi tù và…” Ông Tuy cho chúng tôi xem hơn chục cuốn sổ, trong đó ghi chép lại đầy đủ tên tuổi, địa chỉ nạn nhân, nguyên nhân tại nạn, phương pháp sơ cứu: 8h45 phút ngày 21/5/2008, ô tô biển kiểm soát 34K32… va chạm với xe máy của anh Trần Đăng Thành – Lê Lợi, Chí Linh, Hải Dương. Anh Thành gãy xương cẳng chân, đã sơ cứu chuyển viện . Ngày…, hai xe máy va chạm, nạn nhân là Phạm Văn Xuyến, Kim Thành, Hải Dương. Đã băng bó vết rách chân, cầm máu tốt… Mỗi một năm, ông Tuy thay sổ một lần. Ông gọi đùa nó là “hồ sơ mật”: Vừa lưu giữ lại những kỷ niệm, vừa là tư liệu rất quan trọng. Kể từ ngày tự nguyện “vác tù và hàng tổng” cạnh đường quốc lộ 5. Ông Tuy không nhớ xuể đã tham gia bao nhiêu ca cứu nạn. “Có những vụ tôi không thể nào quên”, giọng ông chợt ngậm ngùi. Bốn năm trước, một lần đi dạo đêm, ông giật mình phát hiện một xe máy chỏng chơ giữa đường. Không thấy chủ nhân chiếc xe đâu, ông đoán ngay có việc chẳng lành, lấy đèn pin soi tìm thì thấy một thanh niên bất tỉnh dưới ruộng khoai, toàn thân cứng đơ, chỉ còn thoi thóp thở. Không chần chừ, ông tiến hành sơ cứu, rồi gọi điện kêu người nhà đem chăn bông tới, ủ ấm cho nạn nhân và tức tốc đưa tới trạm y tế. May thay, được cứu chữa kịp thời người thanh niên đã thoát nạn. Anh tên Nguyễn Văn Chính – giáo viên, quê Kim Thành, Hải Dương . Một vụ khác: anh Đỗ Quốc Đạt (Phó phòng kinh doanh, công ty Vimexco Hải Phòng) cùng một nhân viên lên Hà Nôi công tác. Đi tới Km 69, xe máy bị va quệt với một xe tải hạng nặng. “Tối hôm đó, tôi đang còn nằm trên giường thì nghe điện thoại của người dân thông báo”, ông Tuy nhớ lại. Chưa đầy năm phút sau ông có mặt, nhanh chóng đỡ bàn chân bê bết máu của người phụ nữ, lau rửa, băng bó. Nhìn cách thở của nạn nhân nam, ông đoán Đạt bị vỡ lá nách nên khẩn trương sơ cứu và đưa vào bệnh viện làm phẫu thuật. Cả hai người thoát hiểm. Số tiền 33 triệu họ mang theo trong túi xách cũng được ông Tuy bảo vệ và giao nộp đầy đủ cho cảnh sát giao thông. “Sau này, anh Đạt có mang quà đến cảm ơn nhưng tôi từ chối không nhận,” ông kể. Mình giúp người ta đâu phải vì nghĩ tới lúc được hậu tạ. Chỉ là giữa đường thấy việc có thể giúp được mà không làm thì áy náy lắm. Lần ông đưa anh Nguyễn Văn Huy xã Cao Hòa (Kim Thành, Hải Dương) tới bệnh viện. Vết thương cần được mổ ngay mà người nhà nạn nhân chưa kịp tới. Ông lại tất tả ngược xuôi lo làm thủ tục, rồi chạy vạy vay mượn tiền nộp viện phí… Cũng không ít lần, ông gặp phải “tình huống oái oăm”. Còn nhớ năm 1998, ông chạy vội ra khi có tai nạn gần nhà: Thấy hai chiếc ôtô dính vào nhau, chưa kịp định thần đã thấy tài xế hai xe cầm gậy sắt xông vào giáp chiến. Ông ra sức can ngăn. Chẳng ngờ, một tên lơ xe xông tới, ông lãnh trọn một thanh sắt dài cỡ 90cm phạt ngang vai. Chạy chữa hơn nửa tháng trời mới khỏi. Chưa kể nhiều lần, chính các nạn nhân nhìn ông với con mắt e dè, nghi ngại, sợ ông có động cơ “không trong sáng”. Chỉ khi được ông giúp đỡ chu đáo tận tình, họ mới vỡ lẽ. http://afamily1.vcmedia.vn/ya73kCgF3...copy_41857.jpg Ông Tuy luôn tâm niệm, giúp người bị nạn là công việc suốt đời. Năm 1999, Hội chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ ông một cáng, một túi xách y tế, một áo, một mũ có dấu thập. Họ đề nghị biến nhà ông thành trạm sơ cứu, ông Tuy vui vẻ đồng ý luôn. Ngôi nhà nhỏ được trang bị thêm một tấm biển ghi “chốt sơ cứu” ngay giữa cửa… Tất bật là thế, song ông cứu hộ vẫn không nguôi trăn trở: “chỉ cứu nạn thôi, mà ý thức của người dân về ATGT vẫn không thay đổi thì số lượng các vụ tai nạn khó lòng giảm đi được.” Ông lại lên chiến dịch tuyên truyền, vận động từ hội phụ nữ, hội nông dân xã đến các hộ dân ven quốc lộ… Cái chợ bên đường nằm đối diện nhà ông, ai gồng gánh tuỳ tiện băng qua là ông góp ý, ai buôn bán dọc lề đường là ông “thân chinh” đi dẹp. Xã ủng hộ, mua tặng ông cái loa. Nhiều người buôn bán lúc đầu tỏ vẻ khó chịu, sau hiểu ra, vừa thấy ông họ đã tự ý nép xe, chỉnh sửa quang gánh, bán đúng nơi quy định. Sáng sáng, ông dùng loa hướng dẫn các cháu học sinh trường tiểu học và THCS xã Tuấn Hưng sang đường an toàn. Ai nói ông “thổi tù và hàng tổng”, ông chỉ cười xòa: “nó nhiễm vào máu rồi, không bỏ được. Mà đi thổi tù và cũng nhiều niềm vui lắm!” Đầu năm 2008, ông Tuy nảy ra sáng kiến tập hợp những người xe ôm dọc quốc lộ, tập huấn, hướng dẫn họ thao tác cứu nạn, ứng phó trước các tình huống. Đến tháng 6, Đội xe ôm cứu hộ do ông sáng lập ra đời. Đội có tất cả 12 người, được trang bị đồng phục, phương tiện cứu thương khá đầy đủ. Nhờ thế, ông yên tâm hơn lúc đi xa, vì nhỡ xảy ra chuyện gì, các “đồng chí” ở nhà có thể đảm đương công việc… Nhiều gia đình từ Hải Dương Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên... sau cơn hoạn nạn đã tìm về tận nhà ông để gặp ân nhân. Một số nạn nhân khác ở xa cũng thường xuyên viết thư, gọi điện cảm ơn, thăm hỏi. “Không gì vui bằng nhìn thấy những người mình cứu giúp hồi phục khỏe mạnh, sau lại trở thành anh em bạn hữu thân thiết của mình,” ông Tuy vui vẻ. Tiếp câu chuyện với tôi, ông hào hứng nói về những nẹp cứu thương tự chế bằng bìa các tông, vừa gọn nhẹ vừa tiện dụng. Rồi quay lại chuyện “thổi tù và hàng tổng”, ông hóm hỉnh: “đi cứu nạn, chỉ mong càng rỗi việc càng tốt vì thế tức là ít có tai nạn xảy ra. Như tháng 9 này - tháng an toàn giao thông quốc gia, tôi chưa phải “ra tay” lần nào đâu chị ạ!” Đinh Liên Theo PLXH |
All times are GMT. The time now is 22:21. |
VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2025
User Alert System provided by
Advanced User Tagging (Pro) -
vBulletin Mods & Addons Copyright © 2025 DragonByte Technologies Ltd.