VietBF

VietBF (https://www.vietbf.com/forum/index.php)
-   Archive - Old News 2006-2011 (closed) (https://www.vietbf.com/forum/forumdisplay.php?f=263)
-   -   Nhật ký 21 giờ: Ai cứu được con tôi! (*) (https://www.vietbf.com/forum/showthread.php?t=469009)

megaup 09-09-2011 15:36

Nhật ký 21 giờ: Ai cứu được con tôi! (*)
 
1 Attachment(s)
Mẹ nó vào phòng nằm khóc, bảo: “Nó ngày càng quá quắt, không còn coi cha mẹ ra gì, có hành động và lời lẽ vô cùng mất dạy". Nó nói: "Thà làm chó nhà người ta còn hơn làm con nhà này”. Mình cũng không hiểu được sao gia đình này lại có đứa con như vậy

Không thể bỏ con (*)

Sáng thứ hai (26-4-10)

Nó dậy ăn sáng và đi học, không mang giày. Hỏi: Sao không mang giày? Cô cho mang dép.

Học hành đàng hoàng, giỏi giang theo truyền thống hiếu học của gia đình đó là điều tất nhiên.

Nhớ năm rồi mình có gọi điện về nội khoe với mấy chú là thằng L. hiện nay nó học rất giỏi, sức học có thừa, sách nâng cao cũng giải được nhiều bài. Cô N. mở lớp dạy thêm toán dạy buổi chiều. Sau mỗi buổi học về có hỏi thăm học được không? Nó khoe là học tốt, thầy cho bài tập ở sách giáo khoa chỉ làm tích tắc là xong, sau đó chỉ bài cho một bạn học lớp 9 (lúc nó đang học lớp 8).


Cứ đem sự giáo dục của gia đình mình ra so sánh với nhiều gia đình khác thì không tha kém thậm chí có thể xếp loại là gia đình có giáo dục tốt...

1-5-10 (sáng thứ bảy)

Hôm thứ năm (29/4) có một ngày không thể tồi tệ hơn.

Sáng hôm ấy vẫn cái điệp khúc, mẹ nó lên lầu đánh thức để đi học, ít ra cũng mất 20 phút, rồi cũng dậy ăn sáng và đi học như mọi hôm.

Đến trưa học về không ăn cơm, phát hiện điện thoại đã bị xem tin nhắn, nó kêu mẹ để hoạnh họe bằng từ ngữ và hành động không thể chấp nhận được (không thể ghi ra đây).

Ảnh minh họa từ internet
Gia đình ăn cơm trưa xong, mình vào phòng nghỉ để tránh cái cảnh phải nhìn thấy nó xin tiền để đi chơi như mọi hôm. Trong phòng nghe loáng thoáng tiếng “chó nhà người ta” cứ tưởng chó nhà ai đó cắn dép của nó.

Và tiếng cửa sắt đóng sầm.

Mẹ nó vào phòng nằm khóc, bảo rằng: “Nó ngày càng quá quắt không còn coi cha mẹ ra gì, có hành động và lời lẽ vô cùng mất dạy". Nó nói: "Thà làm chó nhà người ta còn hơn làm con nhà này”. Mình cũng không thể nghĩ ra được tại sao gia đình này lại có một đứa con như vậy.

Và khi dắt xe ra khỏi nhà còn bảo rằng đi luôn có chết cũng không về cái nhà này nữa.

Sau khi nó đi cả nhà vào phòng đóng cửa, mẹ nó vẫn nằm khóc đây. Nói nhau rằng có thể hôm nay nó sẽ chết bằng tự tử, hoặc lang thang đầu đường xó chợ nào đó, rồi ít hôm sau nó cũng kiệt sức rồi chết. Thế là đã mất đi một đứa con, từ lúc chào đời, sống mươi lăm năm, ngắn ngủi quá!

Không thể bỏ con cho dù quá giận, nó còn quá nhỏ để suy nghĩ ra điều đúng, điều sai - Nó sẽ đi đâu? ở đâu? hay nó đã chết rồi? Chiều hôm ấy có dượng Chín - khoảng 6h chia nhau hai ngã - dượng Chín sẽ tìm hướng trường học nơi tập trung các tiệm net.

Hai vợ chồng tìm hướng hỏi thăm ở nhà Cu H. vì nghe đâu chiều nay có tiết dạy thêm Văn tại nhà H. Đến nhà thấy dạy thêm gọi điện thoại cô giáo thì cô nói rằng hôm nay là ngày sinh nhật cô. L. có hứa đi chúc mừng ở nhà cô nhưng giờ này không thấy.

Vừa xong thì nghe điện thoại dượng Chín báo là đã tìm được nó đang ngồi chơi game ở quán net 858, đối diện quán thịt mèo ở khu 18B. Hai anh em cùng ngồi ở quán thịt mèo để mẹ nó vào gặp. Khoảng 15 phút sau mẹ nó ra bảo rằng nó không về, và lạnh lùng bảo mẹ “về đi”.

Game bạo lực tràn ngập trên mạng (Nguồn: Internet)
Khoảng 8h tối mẹ nó buồn bỏ về ngoại sau đó dì Tư và dì Chín cùng ra. Dì Tư vào bảo về, nó hẹn 9h, sau đó dì Tư mua chai trà xanh cho nó uống đến 9h thì cũng tập trung về ngoại và ở luôn trong ngoại đến nay (2/5).

Phải chăng do bản tánh con người. Có câu “sanh tử bất sanh tâm, sanh ngựa vô sanh giác” hay “cha mẹ sanh con, trời sanh tánh” - Ông bà mình ngày xưa nói ít có sai, bản tánh con người thì có tánh tốt, tánh xấu.

Mong sao cho con mình đã đến nông nỗi này nhưng không phải do nơi bản tánh mà là do ở nguyên nhân nào khác, sợ câu “giang sơn dễ đỗi, bản tánh khó dời”.

Mẹ nó nói: “Cứ ngỡ như chiêm bao, không thể tưởng tượng, không thể nghĩ ra được là nhà mình có một đứa con như vậy".

Mình cũng nghĩ là nếu nó không ham học thì tà tà nó cũng hết phổ thông (mới suy nghĩ vậy thời gian gần đây thôi) chứ chuyện cứng đầu cứng cổ, hay có hỗn hào với ông bà cha mẹ thì mình không bao giờ nghĩ đến.

Cái tên mà chính mình đã đặt cho nó theo từ điển Hán Việt có nghĩa là trong sáng. Chính mình đã suy nghĩ điều đó trước và hơn cả kim tiền.

Mười lăm tuổi, tuy chưa đủ trí khôn để biết những chuyện lớn nhưng những chuyện tối thiểu của những người không học cũng biết mà nó lại không biết!

Ít ra nó cũng một vài lần nghe câu hát ru con:
"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"

(*): Tít bài trích từ nhật ký của ông P.M.K

P.M.K, nld.com.vn

megaup 09-09-2011 18:38

Ai cứu được con tôi! (*)
 
Ai cứu được con tôi! (*)

Lời tòa soạn: Sau vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, cùng bài viết “Kiểu ra tay của “đồ tể” Luyện giống game bạo lực” trên Báo NLĐ, chúng tôi đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc chia sẻ, đồng thuận nhưng cũng có người cho rằng không nên đổ tội cho game online.

Tòa soạn Báo Người Lao Động đã nhận được quyển nhật ký của bạn đọc M.K (ngụ tỉnh Bình Dương). Gia đình ông K. là một gia đình gia giáo, con cái thành đạt (người con đầu từng đoạt giải 3 toán toàn quốc, người con thứ hai là sinh viên giỏi toàn diện). Bi kịch bắt đầu ập đến với gia đình ông kể từ khi cậu con trai út trở thành “tín đồ” của game online.

Cảm động, đau xót… là cảm xúc để lại cho chúng tôi khi đọc từng trang nhật ký. “Ai cứu được con tôi! Không lẽ làm cha mẹ đành bất lực nhìn con mình chết dần, chết mòn hay sao?”, những nỗ lực vô vọng đã được ông K. trải lên từng trang viết.

Được sự cho phép của ông K., ngay từ tối nay, chúng tôi sẽ trích đăng liên tục trên báo Người Lao Động Online những trang nhật ký này vào lúc 21 giờ mỗi ngày trên chuyên mục mới mở mang tên Nhật ký 21 giờ. Những ai đã và đang có những hoàn cảnh giống như ông K. hãy cùng chia sẻ kinh nghiệm. Từ diễn đàn này, hy vọng sẽ giúp cho các bậc phụ huynh tìm được hạnh phúc cho chính cuộc sống của gia đình mình.
-------
Con hư lắm con có biết không?(*)

Ngày 22-4-10

Ít nhất đây cũng là lần thứ tư nó không dậy để đi học, có lẽ nó suy nghĩ là học cho có, cho cha cho mẹ, học phải thuê mướn nó mới học, chứ không phải học cho bản thân.

Trưa hôm qua sau khi cơm nước xong. Không thay quần áo (khoảng 12 giờ 45 phút) nó ngữa tay xin tiền mẹ, mẹ nó không cho. Thực ra thì chưa kịp cho… Nó mượn kế đi học thêm rồi chơi game. Nó không thèm, dắt xe mở cửa, đóng sầm coi cha mẹ không là cái gì hết.


Mình đang nằm trong phòng nghỉ trưa, nghe tất cả, cũng cố ý tránh chứng kiến cái cảnh xốn mắt đó xảy ra. Đi một lèo đến tối (khoảng 8 giờ tối) nó mới về, không thay quần áo, không thèm tắm rửa nằm trong phòng ngủ luôn đến trưa hôm nay mới dậy ăn cơm.

Đã bỏ học sáng nay (thứ năm 22-4-10), ngày thứ sáu là mồng 10/3 âm lịch - giỗ tổ HV ngày thứ bảy và chủ nhật là ngày nghỉ có lẽ nó đã nghỉ học thực sự rồi.

Cái cảnh ngày hôm sau phải viết đơn xin phép nghỉ bệnh cho con mang lên trường sẽ không còn nữa.

23-4-2010

Đã hơn ba tháng rồi kể từ sau tết âm lịch đến nay gia đình xuống cấp hết sức trầm trọng. Chưa bao giờ có như trong thời gian này, ảnh hưởng nặng đến nhiều mặt trong cuộc sống. Tinh thần lúc nào như cũng bị căng thẳng, kinh tế hụt hẫng, không khí ảm đạm, buồn bã chán chường đang trùm lấy ngôi nhà này.

Những giọt nước mắt của mẹ nó lăn dài mình cũng nghe nghẹn đắng trong lòng, nhìn chiếc áo trắng của nó treo đó, nhìn những đứa trẻ trạc tuổi nó tung tăng cắp sách đến trường sao con mình không đi học - ai không cho nó đi học? Quyền được đi học của nó đâu rồi?

Tôi đã thật sự mất con chưa? Vì đâu nên nỗi? Ai cứu được con tôi - Không lẽ làm cha mẹ đành bất lực nhìn con mình chết dần chết mòn hay sao?

Con hư lắm con có biết không?

Hay là mình thử đi tìm nguyên nhân nào dẫn đến nông nỗi này. Phải chăng là sự giáo dục.


Cách đây ít hôm có ông thầy N phòng GD chuyên ghé may quần áo, mình có hỏi thăm dò: “Ở huyện mình học sinh bậc THCS có em nào bỏ học không thầy?” Thầy nói rằng có, năm nào cũng có một số em bỏ học nhưng tỉ lệ ấy không cao. Đa số là các em con của những gia đình thiếu quan tâm đến con cái, cha mẹ cũng dạng hư hỏng không ra gì, còn những gia đình cha mẹ đàng hoàng thì chưa thấy. Có một vào trường hợp đặc biệt như các em bị bệnh tật ngặt nghèo, hay bị tai nạn thương tật nặng nề không thể đi học được mới nghỉ mà thôi”.

Mình thôi không hỏi nữa - con mình cũng đúng là một trường hợp đặc biệt, gia đình mình có truyền thống học tốt ai cũng phải nể nang. Anh chị nó học tốt làm cha mẹ tự hào, khu phố công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu.
Trước đây mình cũng hay nói, thấy những đứa học kém hay bỏ học giữa chừng thậm chí thi rớt tốt nghiệp mình coi rẻ, chê bai.

Những đứa con trong nhà đều hưởng sự giáo dục của cha mẹ giống nhau, thằng út có lợi thế hơn vì đã có anh chị nó đi trước đều học hành tốt, ngoan hiền hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.

(*): Tít bài trích từ nhật ký của ông P.M.K
P.M.K, nld.com.vn

megaup 09-09-2011 18:41

Nhật ký 21 giờ: Ai cứu được con tôi! (phần 3)
 
Nhật ký 21 giờ: Ai cứu được con tôi! (phần 3)

Đi một vòng để khảo sát tiếp xúc nhiều phụ huynh, thầy giáo lẫn học sinh đã học trường này, mới xác định được rằng gần như 100% học sinh vào trường này đều mắc phải tệ nạn xã hội: “chơi game bỏ học”.

Con đã được học một trường đàng hoàng

9/6/2010

Chiều tối hôm qua - Về trong ngoại khoảng 7h (có cả mẹ nó) - gọi điện thoại đến chỗ game bà già - nó không về - coi CT game show “Ai là triệu phú” xong nhờ bé nữ tặc trực tiếp vào gọi nó về. Sau khi nữ tặc về bảo: Nó còn nạt: “Hãy về trước đi” có lẽ mình không còn bị sốc nữa vì đó cũng là điều bình thường - Sau đó cùng mẹ nó chạy thẳng vào điểm chơi (xe Exciter of Ch.), thấy nó đang ngồi nhưng không chơi, bảo nó về ngoại để chuẩn bị ngày mai nhập học (9-6-2010) vào trường TB về nhà hỏi nó sao không về - nó bảo “quên”.

Tối hôm nay khoảng sau 9h30. Ra chợ Dĩ An để mua một ít đồ lặt vặt cho nó nhưng các chỗ đều đóng cửa cuối cùng mua được một đôi sandal ở đầu chợ trên.

Game bạo lực tràn lan trên mạng

Sáng sớm Dì Tư + nữ tặc + bé Q. xuống nhà thấy cửa khóa ngoài cứ tưởng đã đi SG rồi, nhưng không phải. Mẹ nó ra chợ mua thêm một ít đồ lặt vặt cho nó. Đúng 7h10 taxi đến rước đi - 346 ngàn là tiền fải trả cho taxi đến trường TB.

Một buổi sáng ở trường TB (dì Tư + ba mẹ + nữ tặc + bé Quỳnh) lo cho nó. Vào lớp nghe thầy quản nhiệm (thầy D.D.) dặn dò nội quy của trường - theo dõi nhìn vào lớp thấy con mình ngồi gục đầu trên bàn học, trong lúc các bạn đều ngẩng đầu lắng nghe, tim mình nghe như se thắt lại - Có phải thật sự tồi tệ lắm phải không?

Đi một vòng để khảo sát tiếp xúc nhiều phụ huynh thầy giáo lẫn học sinh đã học trường này mới xác định được rằng gần như 100% học sinh vào trường này đều mắc phải tệ nạn xã hội “chơi game bỏ học”.


Tiếp xúc với một ông thầy đến nhận lịch dạy, ông thầy bảo rằng “không phải tệ nạn này của riêng gia đình”. “Game” đã rộng khắp trên toàn thế giới đã đang và sẽ giết chết đi những mầm non - ta chưa thể cứu và ngăn chặn được. Mình cho rằng đây là “Quốc nạn” - nó sẽ đầu độc và còn giết chết lần mòn từ thế hệ này đến thế hệ khác của con em chúng ta.

Trưa khoảng 11h thầy quản nhiệm (hai thầy) dẫn hết cả lớp đi “ăn trưa”. Dì Tư, nữ tặc, bé Q. cùng vợ chồng mình ra ăn cơm quán bên đường - Sau khi ăn trưa xong quay trở lại phòng ngủ của nó ở trường, chờ thầy quản nhiệm ghi tên vào quần áo mà được phép nhà trường cho mặc. Nó đã ngủ được trưa hôm ấy, có lẽ vì thấm mệt.

Ảnh minh họa

Sau đó mình ngồi tâm sự với thầy quản nhiệm lớp - thầy Đ.H.- cũng người Tuy Hòa, thầy rất hiền và dễ thương. Mình hỏi “xưa nay có em nào đào ngũ không thầy? Thầy bảo đào ngũ là thế nào? Trốn luôn phải không?” - Đúng rồi - thầy nói xưa nay chưa có trường hợp nào bỏ học luôn, nếu có về nhà thì bố mẹ hôm sau cũng đưa đến. Thỉnh thoảng có em trốn ra ngoài chơi game, các thầy cũng đi tìm cho được rồi dẫn vào trường.

Chiều hôm ấy cả nhà cùng về bằng xe buýt - mừng thầm rằng con đã được học một trường đàng hoàng. Có thể nó nên người - Mình đã may mắn đi thăm dò kịp lúc - và có quyết định đúng.

Tiếp theo phần 4: Bắt đi học thì mua cho chiếc...quan tài

(*): Tít bài trích từ nhật ký của ông P.M.K

P.M.K, nld.com.vn

megaup 09-11-2011 15:55

Nhật ký 21 giờ: Ai cứu được con tôi? (Phần 4)
 
Nhật ký 21 giờ: Ai cứu được con tôi? (Phần 4)

"...Mình không đánh nó, đã kìm được. Nó bảo nếu bắt buộc nó đi Sài Gòn học thì mua cho nó chiếc quan tài...".

Bắt đi học thì mua cho nó chiếc quan tài...(*)

Ngày 16-6-2010

Không thể tin được những chuyện xảy ra lại là sự thật. Tại sao lại có cái thứ rác rưỡi ấy ở trong nhà này? Cứ ngỡ như giấc chiêm bao, xem phim “người giàu cũng khóc” thấy gia đình ông Anbasto lúc nào cũng rối rắm nhưng rồi mọi chuyện cũng gỡ được.
Sau hai ngày ở nội trú lại trường, đến ngày thứ bảy phải rước về nhà rồi chiều chủ nhật, phải về lại trường để thứ hai, bắt đầu học cho tuần mới.

Suốt ngày đêm, các game thủ "bám" máy vi tính chơi game (Ảnh minh họa từ internet)

Có đắn đo, suy nghĩ rất nhiều, có thể là nó sẽ không trở lại trường nếu đã rước về, đem chuyện bàn với mẹ nó, mẹ nó bảo “không rước về mà được với nó”. Thôi thì cứ rước về theo ý mẹ nó.
Trên đường đi rước, trong đầu chỉ có suy nghĩ về chuyện của nó, hay là cứ làm hiện trường giả gọi điện đến trường báo thầy là mình bị tai nạn trên đường đi không rước được, nhưng suy nghĩ không thắng đành phải rước về.

Đến lớp gặp thầy quản nhiệm (thầy D.) báo nó có ba rước, thấy nó mang tất cả hành lý về xách lớn, xách nhỏ, mền, cả đôi giày sandal nhà trường quy định phải mang trong khi nó không cần mang giày mà đi dép. Lúc ấy thật sự mình thấy bối rối nghĩ chắc là nó không trở lại trường.

Những nhát dao oan nghiệt từ game đã có nhiều bạn trẻ đem áp dụng ngoài đời (Ảnh: Internet)

Sau hai ngày ở lại trường nó mất đi 2 kg (còn khoảng 44 kg) về đến nhà nó lao vào chơi game đến 12 giờ đêm và cả ngày hôm sau, bù cho hai ngày không được chơi.

Chiều chủ nhật mình và mẹ nó phải vào tận quán game để kêu về đi học nó cũng lên xe đạp về nhà - sau khi về nhà nó không chuẩn bị gì hết mà nằm ì trong buồng.

Sự thật khủng khiếp đã xảy ra y như rằng mình đã tiên đoán nó không đi - phải trả 50.000 đồng cho taxi chờ sẵn. Mình không đánh nó, đã kìm được. Nó bảo nếu bắt buộc nó đi Sài Gòn học thì mua cho nó chiếc quan tài...


Tre già suýt phải khóc măng non (*)

25-9-2010

Thật may mắn hôm nay nhà không có đám ma, không phải thấy cảnh tang thương “tre già phải khóc măng non”. Ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh - Xin cám ơn hết lòng đến đấng thiêng liêng, trời phật, ông bà xin cám ơn các thầy cô Trường Phan Chu Trinh, đội ngũ y bác sĩ từ trường đến bệnh viện V-N, Bệnh viện đa khoa TĐ đã cứu con mình thoát khỏi ngọn hái tử thần.

Nếu chuyến đi về quê thăm nội lần này cũng là lúc đứa con trai út vĩnh viễn ra đi thì đúng là chuyến đi định mệnh ngày giỗ của nó so le với ngày giỗ ông ngoại (ngày giỗ ông ngoại 18-8 âm lịch).
Có lẽ đây là sự linh cảm, thấy trong bụng cứ nao nao, nửa muốn đi, nửa muốn không. 7h tối phải lên xe mà sáng nay vẫn chưa đặt vé xe - Bà nội nói: Nghe vợ chồng con về quê ai cũng mừng, thà không nói trước, chứ đã hứa rồi ai ở ngoài này ai cũng trông đợi.


Thực sự thì cũng có dự định về thăm quê một chuyến ít ngày thôi thứ nhất là thăm má, thăm nhà mới xây, sau đó thăm anh em con cháu trong nhà. Kêu mẹ nó lại ghế nói chuyện rằng “Sao chuyến đò này anh thấy không hăng hái như những lần trước, anh cảm giác như chuyến đi lành ít dữ nhiều, nhưng cũng phải đi, vì đã hứa rồi”.

Khoảng 1h trưa ngày hôm qua (ngày đầu ở nhà nội) sau khi ăn trưa xong, anh em ngồi nói chuyện thì mẹ nó trong buồng bước ra mếu méo nói là ở trường điện ra bảo thằng L. đã đưa đi cấp cứu sau khi trường phát hiện nó sùi bọt mép - chắc không sống nổi.
Nghe qua hung tin mình cảm thấy như choáng - trong người cảm giác như những luồng máu nóng chạy khắp chân thân - nghe nói có thể nó chết thật rồi, sợ không khả năng cứu được - Thầy giám thị nói chưa xác định nó bị sốc thứ gì - nhưng nghi ngờ là nó bị sốc thuốc hoặc ma túy.

Thật sự là vợ chồng vô cùng bối rối: Không biết phải làm sao - liên hệ mua vé máy bay nhưng không được - Nhà vé đã hết giờ giải quyết (nhờ Quang liên hệ cuối cùng buộc lòng phải đặt vé xe Cúc Tư – 7h tối).

Bạo lực tràn ngập trên các game

Sáng nay xuống bệnh viện - được vào thăm lúc 11h- 12h trưa đang nằm chăm sóc vẫn phải thở bằng oxy - đã tỉnh táo hẳn - với thân hình tiều tụy.

Thảm cảnh gia đình một lần nữa đã xảy ra - nó vẫn còn sống - gây như một hệ quả tất yếu - Con còn nhỏ lắm nhưng không biết nghe lời cha mẹ, cha mẹ đã bất lực trước sự dạy dỗ con cái.
Buổi sáng hôm qua, trống tiết năm, nó cùng 3 đứa trong lớp lên lầu trên uống khoảng 2 lít rượu. Uống xong về nằm phòng bán trú ngủ thì hôn mê luôn.
Đến khi sùi bọt mép, bất động thì những đứa bạn phát hiện báo lên trường, bộ phận y tế của trường không còn khả năng nên kêu taxi đi sơ cứu ở V.N, lúc này đã tụt huyết áp, giãn đồng tử, chỉ còn tim thoi thóp yếu ớt.

Bác sĩ ở V.N sơ cứu và tức tốc chuyển đi bệnh viện V.Th. - lúc chuyển đi bác sĩ đi theo hô hấp nhân tạo và có thở ô xy - may mắn V.Th. đã cứu sống.
Tiếp theo phần 5: Nó đã bị TT?

(*): Tít bài trích từ nhật ký của ông P.M.K

P.M.K, nld.com.vn

megaup 09-11-2011 15:58

Nhật ký 21 giờ: Ai cứu được con tôi? (Phần 5)
 
Nhật ký 21 giờ: Ai cứu được con tôi? (Phần 5)

"Khó quá! Khi một đứa con bất trị cha mẹ trở thành bất lực, cái chết hụt đó không làm cho con mình một bài học biết quý cuộc sống để vươn lên, mà vẫn cứ lề thói cũ, thậm chí còn tồi tệ hơn".

Nó đã bị TT?

2/10/2010

Khó quá! Khi một đứa con bất trị cha mẹ trở thành bất lực, cái chết hụt đó không làm cho con mình một bài học biết quý cuộc sống để vươn lên, mà vẫn cứ lề thói cũ, thậm chí còn tồi tệ hơn.

Hôm nay cùng thằng Ng. đi xe máy chơi, không biết đi đâu, tối dì Tư điện ra bảo nó đã đi tận Bình Dương - Thật xấu hổ chẳng ra làm sao - Con với cái, tại sao lại phải xảy ra ngay trong cái nhà này!

Mình nghĩ cái chết sẽ đến với nó rất gần, nhưng cũng không dễ dàng vì gia đình còn phải tan nát, tán gia bại sản để chứng kiến cảnh đau thương...

Nghiện game, nhiều trẻ đã bỏ học (Minh họa từ internet)

Khoảng gần 11h nghe cú điện thoại dì Tư bảo nó cùng thằng Ng. đã về - về trong ngoại - chờ cửa lúc sau nó về - trong bộ dạng thiểu não, hai đứa phải từ BD về trên xe máy 82 hỏi mới biết Ng. cầm lái đã đi lạc đường hai ba lần, trong đêm hôm khuya khoắc.

Hai đứa nhỏ chưa trưởng thành chưa biết đường đi, trong túi không có tiền, xe dễ bị hư, đường xa không xác định... Nếu xảy ra sự cố nào cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ở nhà mọi người thấp thỏm lo lắng sau khi biết nó đi BD vì trước đó nó bảo đi BT và ở lại nhà bạn luôn. Dù đi BT hay BD gì cũng không chấp nhận được vì ở lại qua đêm nhưng gia đình cũng phải bất lực chấp nhận cho đi - Thật khủng khiếp.

Bác sĩ M.B.L (phòng mạch tư đối diện cổng BVTTTW2) phán: nó bị tâm thần. Thật tình thì những biểu hiện từ tết đến giờ nó không bình thường, nghi ngờ TK nó có vấn đề.

Hôm qua thứ bảy, ngày nghỉ học đưa nó đi khám bệnh, bảo là đi khám để lấy lại sức khỏe - đồng ý đi sáng hai cha con cùng đi (khoảng 9h) qua BVTTTW2 - nhưng hôm thứ bảy và chủ nhật BV không khám.
Anh bảo vệ cổng chỉ qua bên kia đường phòng mạch bác sĩ trưởng khoa Đ.K.T. - Bác sĩ T. đi vắng, người nhà hẹn 5 giờ chiều, thôi thì kiếm một bác sĩ nào khác cũng được - phòng mạch bác sĩ ở đây rất nhiều.

Một cảnh trong game bạo lực (Nguồn internet)

Hai cha con vào đại phòng mạch bác sĩ M.B.L. Bác sĩ hỏi cháu nó bệnh thế nào, mình thật sự khó nói, cứ ấp a ấp úng vì có mặt nó khó nói ra sự thật. Bác sĩ chửi mình “hay anh có bị tâm thần không, sao không nói”. Cuối cùng bác sĩ cũng hiểu ra được nên bảo nó ra ngoài.

Và mình trình bày sơ qua diễn biến bệnh của nó từ tết đến nay, sau đó ra ngoài bảo nó vào bác sĩ khám. Khi nó ra ngoài thì mình vào gặp bác sĩ: nó đã bị TT.


Ôi trời ơi sao mà nghiệt ngã quá, sao con tôi lại mắc phải chứng bệnh này. Bác sĩ bảo game online không phải là nguyên nhân mà chỉ thúc đẩy bệnh này phát triển mạnh.

Cầu mong bác sĩ nói sai, mình đã nghĩ là như thế, bác sĩ đã nói đúng như suy nghĩ của mình - nhưng lại mong muốn là mình đã nghĩ sai và bác sĩ cũng đã sai.

Kỳ tới: Một sự thật khủng khiếp nữa xảy ra

(*): Tít bài trích từ nhật ký của ông P.M.K

P.M.K, nld.com.vn


All times are GMT. The time now is 01:47.

VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2025
User Alert System provided by Advanced User Tagging (Pro) - vBulletin Mods & Addons Copyright © 2025 DragonByte Technologies Ltd.

Page generated in 0.13960 seconds with 8 queries