![]() |
Obama 'thông minh' hơn Bush?
1 Attachment(s)
Đã gần ba năm kể từ khi lên nhậm chức (từ tháng 1/2009), Tổng thống Obama có một số điều chỉnh trong việc triển khai chính sách đối ngoại Mỹ, đặc biệt trong khu vực mà tình hình chính trị đang phức tạp là Trung Đông - Bắc Phi.
Là người chèo lái Nhà Trắng, đâu là những bước đi của Tổng thống Obama và liệu chính sách này có ưu việt hơn so với người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Bush? Sau những vụ khủng bố ngày 11/9 nhằm vào nước Mỹ làm 3.000 người chết và 6.000 người bị thương, nước Mỹ dưới thời Bush tuyên bố không đội trời chung với chủ nghĩa khủng bố. Xuất phát từ mục tiêu đó, Mỹ phát động cuộc chiến tranh tổng lực chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Trong cuộc chiến này, nhiều quốc gia khác phải đứng trước sự lựa chọn hoặc là theo hoặc không theo Mỹ. Trong cuộc chiến này, Tổng thống Mỹ Bush có cách tiếp cận như truyền thống của Đảng Cộng hòa: ưu tiên sử dụng sức mạnh quân sự, duy trì cách tiếp cận đơn phương và tấn công phủ đầu nếu cần. Trong cách tiếp cận này, chiến lược “thay đổ chế độ” trở thành một con bài quan trọng mà Mỹ có thể sử dụng để thay đổi những chế độ đối nghịch với Mỹ. Cuộc chiến tranh Iraq là một ví dụ điển hình ngay cả khi Mỹ không có bằng chứng về việc Iraq có sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (lý do để Mỹ phát động cuộc chiến) và vượt mặt Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc khi không có được sự đồng ý của Hội đồng bảo an. Hai cuộc chiến mà Bush tiến hành là cuộc chiến tại Afghanistan (từ 2001) và cuộc chiến tại Iraq (từ năm 2003) trở nên vô cùng tốn kém với nước Mỹ. Mỹ chi hàng nghìn tỷ USD vào hai cuộc chiến này nhưng vẫn không thể tiêu diệt được Osama bin Laden và mạng lưới khủng bố al Qaeda. Hơn nữa, số lính Mỹ chết tại Afghanistan và Iraq lần lượt là 1.176 và 4.500 càng làm cho người dân Mỹ đặt dấu hỏi cho hiệu quả của hai cuộc chiến này. http://media.baodatviet.vn/Uploaded_...mavsbush_3.gif So với người tiền nhiệm Bush (phải), Tổng thống Mỹ Obama có chiến lược linh hoạt và hiệu quả hơn Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, Obama có những thử nghiệm mới trong chính sách của mình tại Trung Đông và Bắc Phi. Đầu tiên đó là chính sách của Mỹ đối với Ai Cập và Iran. Mỹ cam kết xây dựng mối quan hệ với Ai Cập dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak còn đối với Iran nếu trước đây Tổng thống Bush luôn duy trì một chính sách cứng rắn với nước này nhất là trong vấn đề phát triển hạt nhân, thậm chí liệt nước này vào Trục ma quỷ (Iran, Iraq và Triều Tiên) thì Obama lại tỏ ra mềm dẻo hơn. Nhưng đến khi các cuộc biểu tình lan rộng tại Trung Đông và Bắc Phi thì Obama phải có điều chỉnh chính sách với hai nước này. Trong vấn đề Afghanistan và Iraq, dù có lúc Tổng thống Obama phải quyết định tiếp tục tăng cường quân cho chiến trường Afganistan trước sức ép của đảng Cộng hòa nhưng chiến lược lâu dài của Obama là rút dần quân Mỹ khỏi hai chiến trường này. Dự kiến Mỹ sẽ rút hết quân khỏi chiến trường Iraq vào cuối năm nay và chiến trường Afghanistan vào năm 2014. Trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, một thành công khác của Obama là tiêu diệt được bin Laden - kẻ thù số 1 của nước Mỹ. Điều mà George Bush mất nhiều năm truy lùng nhưng không có kết quả. Tất nhiên, đây là nỗ lực chống khủng bố trong nhiều năm liền của Mỹ, trong đó có Tổng thống Bush nhưng có lẽ Obama được “chọn mặt” để nhận chiến thắng quan trọng này. Thời gian gần đây, dưới tác động của Mùa xuân Arab, Tổng thống Obama tiếp tục có điều chỉnh chiến lược trong Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ từ mùa hè năm 2010. Ngày 2/8/2010, Tổng thống Mỹ có sắc lệnh số 11 mang tên Cải cách chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi. Kim chỉ nam cho sắc lệnh này là khuyến khích sự nổi dậy của dân chúng tại các nước này và yêu cầu các chế độ nắm quyền tại đây tiến hành các cuộc cải tổ chính trị và kinh tế. Kết quả là sự từ bỏ quyền lực của Ben Ali, Hosni Moubarak. Cho đến Libya - một chế độ mà Mỹ muốn lật đổ từ thời Tổng thống Ronald Reagan nhưng chưa thực hiện được - thì chiến lược của Mỹ lại có sắc thái mới. Khi không lật đổ được Gaddafi một cách “hòa bình” như các nước Tunisia và Ai Cập thì Mỹ có những động thái tiếp theo là hỗ trợ vũ khí cho phe nổi dậy. Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ cùng các đồng minh vận động thông qua Nghị quyết 1973 để cho phép NATO tiến hành không kích Lybia (10 phiếu ủng hộ, 5 phiếu trắng trong đó có Nga, Trung Quốc). Khi NATO bắt đầu cuộc chiến tại Lybia, Mỹ chủ trương không đi đầu mà lãnh đạo từ phía sau nhường quyền lãnh đạo cuộc chiến cho hai đồng minh của mình là Anh và Pháp. Chính chiến lược khôn khéo này đã giúp Mỹ buộc các đồng minh của mình phải chia sẻ trách nhiệm, chi phí cuộc chiến (Pháp phải chi khoảng 350 triệu USD cho cuộc chiến tại Lybia, trong khi Anh phải chi khoảng 500 triệu USD). Ngoài ra, cái được cho Mỹ là Mỹ không phải đưa quân vào Lybia - nơi cũng giống như nhiều nước khác tại Trung Đông và Bắc Phi rất “dị ứng” với sự có mặt của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của họ, đặc biệt là lính Mỹ vì tư tưởng “chống Mỹ” ở đây hiện diện ở khắp nơi. Bài học “sa lầy” tại Iraq và Afghanistan vẫn còn là hệ quả nhãn tiền đối với Mỹ. Rất có thể trong thời gian tới, chiến lược mới này của Obama sẽ tiếp tục được nghiên cứu áp dụng tại các nước khác tại Trung Đông và Bắc Phi. Nhiều nhận định cho rằng mục tiêu sắp tới của Mỹ là Syria. Nhưng cần phải biết rằng tình hình của Syria không giống như Lybia ở hai điểm chính đó là: phe đối lập tại Syria rất yếu không giống như Lybia. Bên cạnh đó, một nhân tố quan trọng khác là các nước lớn trong Hội đồng bảo an như Nga, Trung Quốc có thể sẽ tìm mọi cách cản trở phương Tây can thiệp vào Syria không giống như trường hợp Lybia khi hai nước này “nhắm mắt làm ngơ” bỏ phiếu trắng. Như vậy, so với chiến lược trước đây của Bush, chiến lược của Obama đối với khu vực này đã tỏ ra hiệu quả hơn và nếu Tổng thống Obama xử lý tốt các vấn đề đối nội (kinh tế, ngân sách, y tế…) thì cơ hội tái cử của ông sẽ rõ rệt hơn nhiều. Việt Thành - ĐấtViệt |
All times are GMT. The time now is 19:50. |
VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2025
User Alert System provided by
Advanced User Tagging (Pro) -
vBulletin Mods & Addons Copyright © 2025 DragonByte Technologies Ltd.