ĐÃ ĐẾN THỜI ĐIỂM CẦN PHẢI THAY ĐỔI CẢ MÔ HÌNH KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ
Ba thập niên tăng trưởng ngoạn mục đã giúp Việt Nam cải thiện đáng kể mức sống của người dân và vị thế trên trường quốc tế. Nhưng đằng sau các con số ấn tượng ấy là một nền kinh tế với cấu trúc thiếu bền vững, dễ tổn thương trước các biến động toàn cầu. Nói một cách ngắn gọn: nếu không chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ “lượng” sang “chất”, từ “phụ thuộc” sang “tự chủ”, thì nền kinh tế cộng sản Việt Nam sẽ rất dễ bị tổn thương và có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình mãi mãi.
Nền tảng tăng trưởng của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài (FDI), sản xuất gia công giá rẻ và nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc. Năm 2023, tỷ lệ xuất khẩu trên GDP chạm gần 90%, một con số cho thấy nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào cầu từ bên ngoài, thay vì năng lực nội sinh và sức tiêu dùng nội địa. Theo Ngân hàng Thế giới, trong hơn hai thập niên qua, việc làm trong khu vực sản xuất chủ yếu phát sinh từ xuất khẩu, trong khi cầu nội địa gần như không tạo thêm được công ăn việc làm. Thêm nữa, chỉ 5% lao động sản xuất thuộc nhóm kỹ năng cao. Một nền kinh tế như vậy khó có thể tạo ra giá trị gia tăng lớn hay đổi mới sáng tạo, những yếu tố then chốt để phát triển bền vững.
Điều nguy hiểm là mô hình này càng ngày càng bộc lộ rủi ro khi thế giới bước vào giai đoạn bất định: cạnh tranh địa chính trị, chuyển dịch chuỗi cung ứng, chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu… Một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài sẽ rất dễ bị “sốc” khi có biến cố toàn cầu, như từng thấy trong đại dịch Covid-19 hay căng thẳng Mỹ - Trung. Nếu cộng sản Việt Nam không nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ phụ thuộc FDI sang phát triển doanh nghiệp nội địa mạnh, từ gia công giá rẻ sang làm chủ công nghệ cao, từ mở rộng về lượng sang nâng cao về chất, thì sẽ rất khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Câu hỏi đặt ra là: liệu chế độ độc đảng cộng sản Việt Nam đã đủ nhận thức và dám thay đổi? Không những thay đổi cách vận hành kinh tế kiểu thị trường XHCN mà điểm quan trọng là phải thay đổi cơ chế từ độc tài độc đảng sang Tự Do và Dân Chủ. Người dân có toàn quyền chọn lựa một thể chế tam quyền phân lập bằng lá phiếu không một ai có quyền áp chế.
Lão Thất
__________________
|