Tình trạng nhà thầu bê bối, chây ì tại TP.HCM đã trở thành căn bệnh "kinh niên" dây dưa từ năm này sang năm khác.
Các dự án thoát nước quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM triển khai 5 - 6 năm qua đều đang trong giai đoạn về đích, trong đó dự án Vệ sinh môi trường TP (lắp đặt cống tại các quận trung tâm) đã hoàn thành đến 97%, song chẳng những không phát huy hiệu quả trên thực tế mà còn khiến tình trạng ngập nước thêm bi đát. Ví dụ mới nhất là hàng loạt tuyến đường đã ngập sâu và lâu hơn trong cơn mưa đầu mùa ngày 18.4 vừa qua, do nhà thầu trong quá trình lắp đặt cống đã chặn dòng chảy, bít cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước của hệ thống cống hiện hữu.

Các dự án chống ngập tại TP.HCM gây ngập nặng hơn vì kiểu thi công bê bối của nhà thầu - Ảnh: D.Đ.M
Coi thường
Trên thực tế, nghịch lý "công trình chống ngập gây ngập" không phải chuyện mới tại TP.HCM song đến nay vẫn chưa tìm được "liều thuốc" đủ mạnh để răn đe nhà thầu. Ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM) - cho biết từ năm 2009 đã phát sinh tình trạng ngập do nhà thầu thi công bê bối. Tuy nhiên, sau khi yêu cầu nhà thầu khắc phục thì năm 2010 số điểm ngập tăng lên 269 vị trí. Cuối tháng 3.2011 còn 47 điểm ngập chưa kịp khắc phục thì đến nay đã là 64 điểm.
Theo thạc sĩ Hồ Long Phi (ĐH Bách khoa TP.HCM), một trong những lý do khiến tình trạng ngập do thi công ẩu kéo dài là sự bất cập trong việc phân cấp kiểm tra và xử phạt. Cụ thể, trung tâm chống ngập là đơn vị quản lý hệ thống cống thoát nước của TP, song thực tế đơn vị này không có thẩm quyền xử phạt các trường hợp xâm hại hệ thống thoát nước. "Muốn xử phạt, trung tâm phải kiến nghị với UBND TP, thanh tra giao thông bằng đường văn bản dẫn đến việc khắc phục trên thực tế bị chậm trễ" - ông Phi nói.
Trước tình trạng này, trung tâm chống ngập phải phối hợp với thanh tra mở nhiều đợt kiểm tra, nhằm xử phạt và yêu cầu nhà thầu khắc phục ngay tại chỗ. Tuy vậy, thời gian qua, nhiều trường hợp nhà thầu chây ì không nộp phạt, dẫn đến án phạt chỉ mang tính hình thức trên biên bản, không đủ sức răn đe nhà thầu. Ông Nguyễn Bật Hận - Phó chánh thanh tra Sở GTVT - cho biết sau hàng loạt văn bản chấn chỉnh, đến nay một số nhà thầu đã chấp hành việc nộp phạt. Tuy vậy, nhiều nhà thầu vẫn cố tình trì hoãn, thậm chí "cãi chày cãi cối" với đơn vị xử phạt, cho nên đến nay vẫn còn hơn 300 nhà thầu nợ 1.400 biên bản xử phạt với tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng.
Nói mạnh, xử nhẹ
Sở GTVT và chủ đầu tư các công trình xây dựng đã đưa ra hàng loạt giải pháp chấn chỉnh, như: siết chặt công tác cấp phép đào đường, phạt tiền theo tiến độ, lập danh sách "đen" các nhà thầu vi phạm và không cho đấu thầu các dự án tại TP.HCM... Dù những giải pháp đưa ra hết sức mạnh mẽ, song việc xử phạt trên thực tế lại không được dứt khoát như vậy. Chẳng hạn, theo quy định, nhà thầu chỉ được cấp phép đào đường mới khi đã thi hành xong các quyết định xử phạt hành chính của thanh tra giao thông. Tuy nhiên, do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, cơ quan thẩm quyền vẫn du di cấp phép cho nhà thầu vi phạm và còn nợ tiền phạt. Việc này dẫn đến tình trạng nhà thầu xem thường các quyết định xử phạt, liên tục thi công ẩu.
Một bất cập khác, theo ông Hoàng Đức Hậu (Hội Cầu đường VN), trong hợp đồng xây dựng, bao giờ chủ đầu tư (bên A) cũng có vai trò giám sát nhà thầu (bên B) thực hiện đúng các cam kết về phương án kỹ thuật, chất lượng và tiến độ. Tuy vậy, thực tế hiện nay là chủ đầu tư thường có mối quan hệ "dễ chịu" với nhà thầu. Chính điều này khiến chủ đầu tư thiếu kiên quyết khi xử phạt nhà thầu vi phạm, và nhiều trường hợp dung túng cho cái sai của nhà thầu, kéo theo công trình chậm tiến độ và kém chất lượng. Bên cạnh đó, không ít trường hợp chủ đầu tư và nhà thầu là "người cùng một nhà", hoặc nhà thầu trực thuộc cơ quan cấp cao hơn nên chủ đầu tư lâm vào tình cảnh "khó xử". Chẳng hạn, đại diện chủ đầu tư dự án Vệ sinh môi trường thuộc Sở GTVT TP, trong khi một số nhà thầu của dự án này cũng là các đơn vị thuộc Sở GTVT TP, còn một số nhà thầu khác lại trực thuộc cấp cao hơn như Bộ GTVT, Bộ Xây dựng...
Theo Thanh Niên Online