
Những người đi cầu viện TC: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Phạm Văn Đồng,…
Viện trợ của Cộng sản Trung Hoa trong giai đoạn 1965-1969
Trong giai đoạn 1965-69 TC đã giúp VC ở ba phương diện: công binh TC đã xây dựng, bảo trì và bảo vệ các phi trường, đường bộ và đường sắt ở Bắc Việt; sử dụng pháo binh, quân trọng pháo chống máy bay, để bảo vệ những khu vực và mục tiêu chiến lược quan trọng ở miền bắc Bắc Việt; và cung ứng một số lượng lớn những thiết bị quân sự và những quân dụng vật dụng và dân sự khác. [Sẽ không được đề cập đến chi tiết trong phạm vi bài viết này].
Đoàn công binh Trung Cộng sang Việt Nam
Bộ Tổng Tham mưu (TTM) Bắc Việt điện cho Bộ TTM Trung Cộng, ngày 17 tháng 4, 1965 – khi phái đòan của Lê Duẩn đang ở Moscow, yêu cầu đưa công binh TC sang các đảo ngoài khơi Vịnh Bắc Việt để xây dựng các hệ thống phòng thủ ở đó. Ngày hôm sau, nhận lệnh của UBQSTU của CHNDTH, Bộ TTM TC đã thành lập “Lực lượng Công binh Tình nguyện của Nhân dân Trung Hoa” [CPVEF] trong đó có cả một số đơn vị công binh xuất sắc nhất của Trung Cộng để đảm trách công tác xây dựng, tái xây dựng đường sắt, các công sự phòng thủ, và xây dựng phi trường tại Việt Nam.
Ngày 21 và 22 tháng 4, 1965, La Thụy Khanh và Dương Thành Vũ [Yang Chengwu] lần lượt gặp, xác nhận với Võ Nguyên Giáp là công binh TC sẽ sang Việt Nam công tác.
Sau nhiều cuộc đàm phán, Cộng sản Trung Hoa và Cộng sản Bắc Việt ký kết một thỏa ước về việc viện trợ cho Việt Nam xây dựng đường sắt mới đồng thời cung cấp những thiết bị vận tải. Theo hiệp định này và một lô những thỏa thuận ký kết sau đó TC sẽ giúp VC trong 100 dự án. Trong đó quan trọng nhất là công tác xây hệ thống đường sắt Hà Nội – Hữu Nghị Quan, Hà Nội – Thái Nguyên, xây thêm hơn một chục nhà ga, cầu, đường hầm mới. Xây hệ thống đường sắt đúng tiêu chuẩn từ Kép đến Thái Nguyên như một tuyến phụ giữa Hà Nội – Thái Nguyên và Hà Nội – Hữu Nghị Quan; xây dựng hàng loạt cầu, phà, đường sắt tạm ở vùng miền bắc Bắc Việt; và củng cố thêm 11 cầu đường sắt để tăng khả năng chống đỡ bom đạn và nước lụt.
Về việc xây 12 con đường mới mà Hồ Chí minh đã xin với Mao trong cuộc họp mật ở Trường Sa, Bộ TTM Trung Hoa đã theo lệnh của Mao lập dự án gởi 100.000 lính công binh. Ngày 25 tháng 5, Chu Ân Lại trực tiếp chủ tọa, tham dự thảo luận về dự án này và giải thích vì Bắc Việt phải tăng cường quân số trên đường vận chuyển ở Nam Lào khi Mỹ mở rộng chiến tranh ở miền Nam nên Trung Hoa sẽ nhận trách nhiệm cùng cố và mở rộng hệ thống đường xá ở Bắc Việt, nhất là vùng thượng du. Vương Thành Vũ, tại đây, đã báo cáo hai phương án thực hiện, Một là gởi 100.000 công binh sang Việt Nam xây một lượt 12 con đường mới như Hồ Chí Minh đã đề nghị và hai là chỉ gởi 80.000 quân sang Việt Nam xây 5-7 con đường cần nhất trước. Vương đề nghị phương án thứ hai và Chu đồng ý, dù cả hai sẽ được trình bày và sẽ cho Việt Nam hay là Trung Hoa ngả về phương án ít người.
Cuối tháng 5, 1965, một phái đoàn Việt Nam sang họp ở Bắc Kinh nhất định đòi thực hiện phương án đầu và Cộng sản Trung Hoa đã đồng ý. 30 tháng 5, 1965 hai hai nước cộng sản Trung Hoa và Việt Nam ký kết hiệp định để TC xây 12 con đường mới ở miền Bắc của Bắc Việt, nối vào hệ thống đường xá của Trung Hoa. Đồng thời, trong giai đoạn xây dựng, TC có trách nhiệm phòng thủ, bảo vệ công trình cũng như các đơn vị công binh nếu bị Mỹ oanh tạc.
Bắt đầu từ tháng 6, 1965, TC gởi 7 sư đoàn CPVEF đến Việt Nam ở nhiều thời điểm khác nhau. Sư đoàn CPVEF số một sang Việt Nam gồm 6 Trung đoàn công binh hỏa xa giỏi nhất (có thêm 2 trung đoàn khác đến Việt Nam vào tháng 8), một toán thăm dò đường sắt và 12 tiểu đoạn trọng pháo phòng không. Tổng số quân của sư đoàn TC này khoảng 32.700 người ở lúc cao nhất; họ công tác tại Việt Nam từ 23 tháng 6, 1965 đến cuối năm 1969. Thống kê của Trung Hoa cho biết đơn vị sau cùng của sư đoàn công binh này rời Việt Nam vào tháng 6, 1970. Tổng kết sư đoàn công binh này đã xây 117 km đường xe lửa, tu bổ 362km dường sắt cũ, xây 39 cầu mới và 14 đường hầm cùng 20 nhà ga xe lửa.
Sư đoàn công binh thứ nhì của TC sang Việt Nam sớm nhất (6/6/1965) gồm 3 trung đoàn công binh, 1 lữ đoàn thủy học, 1 lữ đoàn vận tải đường biển, một lữ đoàn truyền tin công binh, 1 tiểu đoàn quân xa vận tải và vài đơn bị trọng pháo phòng không, tổng cộng khỏang 12.000 người lính. Công tác chính của sư đoàn công binh thứ hai này là xây dựng những công thụ phòng thủ, đặt hệ thống truyền tin trên 15 hòn đảo ngoài khơi cùng 8 cứ điểm duyên hải thuộc Vịnh Bắc Việt. Sư đoàn công binh này sẽ cùng quân Bắc Việt phản công nếu quân Mỹ xâm lẵng miền Bắc. Tất cả những đơn vị thuộc sư đoàn này đã rời Việt Nam qua nhiều đợt trong năm 1966 vì những mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Sư đoàn công binh thứ ba của TC sang Việt Nam đa số là công binh không quân với công tác chính là xây phức thể phi trường Yên Báy để máy bay phản lực có thể hoạt động, đồng thời xây hầm trú ẩn cho phi cơ. Việt Nam yêu cầu Trung Hoa giúp cho dự án này từ tháng Giêng, 1965. Tháng 5, 1965, đoàn thăm dò TC đến Yên Báy. Tháng 11, 1965 đoàn công binh chủ lực vào Việt Nam. Phi trường Yên báy hoàn tất vào tháng 5, 1969. Hầm trú ẩn cho máy bay xây xong vào tháng 10, 1969; sau đó sư đoàn công binh không quân này đã nhanh chóng rút khỏi Việt Nam.
Sư đoàn công binh thứ tư, thứ năm và thứ sáu của TC tại Việt Nam là những đơng vị xây dựng xa lộ có khoảng 80.000 quân. Năm trung đoàn của sư đoàn thứ tư là các đơn vị thuộc Quân khu Quảng Châu. Công tác chính của sư đoàn thứ t này là tái thiết trục lộ thuộc tỉnh Quảng Tây đến Cao Bằng, Thái Nguyên và Hà Nội. Năm trung đoàn của sư đoàn công binh thứ 5 thuộc Quân khu Thẩm Dương. Công tác chính của sư đoàn này là xây một con đường mới từ Lào Cai đến Yên Báy nối về Hà Nội. Sáu tiểu đoàn của sư đoàn thứ sáu thuộc Quân khu Côn Minh và quân đoàn đường sắt. Công tác chính của sư đoàn này là xây đường từ thành phố Văn Sơn ở Vân Nam nối liền với những con đường do sư đoàn thứ 5 xây dựng. Ngoài ra sư đoàn thứ 6 này còn xây đường dọc biên giới Việt Trung để nối liên những trục lộ Nam-Bắc giữa Việt Nam và Trung Hoa. Tất cả những sư đoàn công binh này đều có những đơn vị trọng pháo phòng không riêng. Ba sư đoàn, 4, 5, 6 đến Việt Nam vào khoảng tháng 10, tháng 11, 1965 và rời Việt Nam khoảng tháng 10, 1968. Thống kê chính thức của Giải phóng quân cho biết họ (ba sư đoàn vừa kể) đã kiến thiết và tái thiết 7 con đường dài tổng cộng 1.206 km, 395 cây cầu dài tổng cộng 6.854 m, 4441 đường cống dài tổng cộng 46.938 m. Khoảng 30.5 triệu mét khối đất đá đã di dời trong các dự án vừa kể.
Sư đoàn công binh thứ 7 – gồm 3 trung đoàn công binh xây dựng, vài tiểu đoàn trọng pháo phòng không, có tổng số 16.000 quân lính – đến Việt Nam vào tháng 12, 1968 thay chỗ cho sư đoàn thứ hai. Công tác chính của sư đoàn này là xây dựng các công sự phòng thủ ngầm trong khu vực châu thổ sông Hồng và xây hầm trú cho máy bay tại phi trường ở Hà Nội. Sư đoàn này hòan tất công tác và đã rời Việt Nam vào tháng 11, 1969.
Ngoài 7 sư đoàn công binh xây dựng tại Việt Nam, theo hiệp định ký kết tháng 7 năm 1965, TC còn gởi sang Việt Nam một lữ đoàn công binh truyền tin. Lữ đoàn này phụ trách việc sửa chữa và xây dựng hệ thống truyền tin trong khu vực Lai Châu-Sơn La-Điện Biên Phủ. Trước khi về lại Trung Hoa lữ đoàn công binh này đã dựng 894 km đường dây điện thoại và xây 4 trạm điện thoại.
Tóm lại, các đơn vị công binh cuả TC sang Việt Nam công tác từ khoảng cuối năm 1965 đến cuối năm 1968. Công tác thực hiện gồm xây dựng các công sự phòng thủ, đường lộ, đường sắt ở thượng du Bắc Việt. Đa số các dự án đó đều nằm ở phía Bắc Hà Nội và không có công trình nào nằm dưới vĩ tuyến 20. Đại đa số quân TC đã rút về nước vào cuối năm 1969. Đầu năm 1970, tất cả công binh TC đã rời khỏi Việt Nam.
Pháo binh phòng không bảo vệ những mục tiêu quan trọng ở miền Bắc và che chắn cho đoàn công binh TC
Trong cả hai, chuyến đi Bắc Kinh của Lê Duẩn và cuộc họp của Hồ Chí Minh với Mao Trạch Đông vào tháng 4 và 16/5, phía Việt Nam đã yêu cầu TC gởi pháo binh sang Việt Nam. Trong cuộc họp với La Thụy Khanh vào đầu tháng 6, 1965, Văn Tiến Dũng còn xin TC gởi hai sư đoàn pháo binh để bảo vệ Hà Nội và khu vực phía bắc Hà Nội trong trường hợp Mỹ oanh tạc. La Thụy Khanh đồng ý.
24/7/1965 Bộ TTM Bắc Việt gởi điện tín cho Bộ TTM TC chính thức yêu cầu Cộng sản Trung Hoa “gởi hai sư đoàn pháo binh đã chuẩn bị xong từ lâu để tham dự chiến dịch tại Việt Nam. Càng sớm càng tốt. Nếu được, những đơn vị này có thể đến Việt Nam ngày 1/8/1965.” Ngày hôm sau, Bộ TTM TC gởi điện tín cho hay họ sẽ gởi hai sư đoàn pháo binh và 1 trung đoàn sang Việt Nam ngay để bảo vệ đoạn Bắc Ninh-Lạng Sơn của con đường sắt Hà Nội-Hữu Nghị Quan và đoạn Yên Báy-Lào Cai thuộc đường hỏa xa Hà Nội-Lào Cai. Đó là hai đường xe lửa nối Bắc Việt với Trung Hoa. Ngày 1 tháng 8, 1965, hai sư đoàn pháo binh 61 và 63 của TC lần lượt tiến vào Việt Nam qua ngả Vân Nam và Quảng Tây.
Sư đoàn 61 đến Yên Báy vào ngày 5 tháng 8. Bốn ngày sau là cuộc đụng độ đầu tiên của đơn vị pháo binh này với máy bay F-4 của Mỹ. Với súng phòng không 37 ly và 85 ly pháo binh TC đã bắn hạ một máy bay F-4. Theo hồ sơ của TC thì đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị đơn vị pháo binh TC bắn rớt. Sư đoàn 63 đến Việt Nam qua ngả khu vực Kép, và ngày 23 tháng 8, theo tường trình, đã đụng trận, bắn rơi 1, và gây thiệt hại cho 1 phi cơ khác của Mỹ.
Có tất cả 63 trung đoàn thuộc 16 sư đoàn gồm 1500.000 quân TC đã tham chiến tại Việt Nam trong khoảng từ tháng 8, 1965 đến tháng 3, 1969. Những đoàn quân này đến Việt Nam trong 8 thời kỳ khác nhau, gồm những đơn vị pháo binh, không quân, hải quân và đôi khi từ Quân khu Côn Minh và Quảng Châu. Theo kinh nghiệm đã có trong chiến tranh Triều Tiên, quân TC có mặt tại Việt Nam trong khoảng thời gian 6 tháng, sau đó được thay thế bằng đơn vị khác, và cứ thế luân phiên. Công tác chính của đoàn quân TC là bảo vệ các cứ điểm và mục tiêu quan trọng, như các cầu có đường xe lửa trên hai tuyến Hà Nội-Hữu Nghị Quan và Hà Nội-Lào Cai, và bảo vệ đoàn công binh TC. Không có dấu hiệu nào cho thấy quân TC tham gia các chiến dịch ở phía nam Hà Nội hay trong các chiến dịch bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh. Đơn vị pháo binh cuối cùng của TC đã ròi Việt Nam vào trung tuần tháng 3, 1969. Thống kê của TC tự cho là những đoàn quân TC đó đã tham dự 2.154 trận chiến, đã băn rớt 1.707 máy bay Mỹ cũng như gây thiệt hại cho 1.608 máy bay khác. [Nếu so sánh với tài liêu của Hoa Kỳ, có nhiều khả năng thống kê của Cộng sản Trung Hoa đã thổi phồng những con số máy bay Mỹ bị pháo binh TC bắn rơi và làm hư hại ở Bắc Việt.]
Dù đã được giới lãnh đạo của hai đảng Cộng sản Trung Hoa và Việt Nam thảo luận trong mùa xuân-hè 1965, không lực của TC không khi nào tham chiến trên bầu trời Việt Nam cùng lúc với những đoàn pháo binh TC có mặt ở miền bắc Bắc Việt.
Tuy nhiên, chính sách phòng không của TC đối với máy bay Mỹ đã có thay đổi lớn vào đầu năm 1965. Trước đó UBQSTU CHNDTH đều ra lệnh cho lãnh đạo các cấp ở địa phương phải triệt để thận trọng trong mọi hành động chống trả lại máy bay Mỹ – mục tiêu chính trị quan trọng hơn kết quả ở chiến trường. Chính sách này đã rẽ ngoặt vào đầu tháng 4 (ngày 8-9) khi hai toán chiến đấu cơ của Mỹ bay vào không phận Trung Hoa ở đảo Hải Nam.
Theo lệnh của UBQSTU, 4 phi cơ của TC đã cất cánh theo dõi những máy bay của Mỹ. Được biết, máy bay Mỹ đã khai hỏa. Ngày 9 tháng 4, 1965, Tham mưu phó Vương Thành Vũ, báo cáo vụ việc với Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông và đề nghị TC cần đánh mạnh vào những máy bay của Mỹ xâm lăng bầu trời Trung Hoa. Buổi chiều cùng ngày, Mao Trạch Đông ra lệnh cho không và hải quân TC đưa những đơn vị thiện chiến nhất đến trấn thủ ở miền Nam Trung Hoa và ở vùng biển phía nam [Biển Đông] thống nhất lực lượng và phản công khi máy bay Mỹ xâm lăng không phận Trung Hoa. Đến ngày 17 tháng 4, UBQSTU chính thức ra lệnh mới theo quyết định của Mao Trạch Đông. Từ đó đến tháng 11, 1968, theo thống kê của TC thì không quân TC đã tham dự 155 chiến dịch chống máy bay Mỹ xâm lăng không phận và đã bắn rơi 12 máy bay chiến đấu và những loại khác (không kể những máy bay không người lái). Không ai rõ tại sao TC thay đổi chính sách phòng không nhưng kết quả là TC đã gởi một thông điệp rất rõ cho Mỹ đồng thời trấn an VC.
Về những nhận định của ông Nguyễn Cao Kỳ năm 1967
1. Chiến tranh du kích của VNCH ở Bắc Việt (VNDCCH) – Ông Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương lúc đó, một là đang tiếu lâm làm duyên với báo giới Úc, hoặc hai là ông dấu đầu hở đuôi khi nói ông không thể tiết lộ chiến tranh du kích vì là bí mật quân sự đồng thời cho rằng chiến tranh du kích là một đề nghị, môt gợi ý hay.
2. Về viện trợ quân sự của TC cho Bắc Việt – Trong câu trả lời, ông Nguyễn Cao Kỳ cho hay là ông không tin rằng Hà Nội có thể yêu cầu Trung Cộng viện trợ quân sự hay đưa quân đội Cộng sản vào miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, ông đã cho báo giới Úc biết là tất cả vũ khí đạn dược tịch thu được của cộng sản ở chiến trường miền Nam đều là vũ khí của Trung Cộng tuy chưa khi nào bắt được quân TC. Và theo tin tình báo, Ông Kỳ cho biết tiếp, thì TC chỉ có mặt ở Bắc Việt trong vai trò cố vấn hay kỹ thuật sửa đường sắt.
Năm 2009, qua mạng Internet, tài liêu “Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam chống Pháp” chỉ được Việt Nam gián tiếp công bố qua bản dịch và hiệu đính của Trần Hữu Nghĩa và Dương Danh Di, tức là 19 năm sau sau khi nhà xuất bản Giải phóng quân đã phát hành [năm 1990]. Nói cách khác CSVN chỉ công bố sự kiện này 53 năm sau khi đoàn cố vấn quân sự TC về nước. Nếu CSVN không thay đổi về mặt phổ biến tài liệu chiến tranh, và nếu CSVN vẫn độc tài toàn trị, có lẽ, người ta phải đợi ít nhất đến 2020-23 mới có thể xem được tài liệu của VNDCCH hay của Đảng CSVN nói về “viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam chống Mỹ” ở miền bắc Việt Nam.
Học giả thế giới nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam từ lâu đều cho rằng TC đã giữ một vai trò quan trọng trong việc viện trợ cho Cộng sản Việt Nam trong suốt cuộc chiến tuy không có tài liệu của hai đồng minh cộng sản cho đến khi CSTH công bố những tài liệu chiến tranh vào thập niên 1980 và đầu thập niên 1990.

Ông Kỳ biết là có “cố vấn” và “cán sự” TC sửa đường xe lửa ở miền Bắc cũng như vũ khí của TC tràn ngập ở chiến trường miền Nam.
Những số liêu và dữ kiện thượng dẫn [dù chỉ dựa trên thông tin, tài liệu do Đảng CSTH công bố] đã cho giới nghiên cứu hiểu rõ thêm về vai trò của Trung Cộng trong chiến tranh Việt Nam. Những dữ kiện và số liệu này cũng cho thấy ông Nguyễn Cao Kỳ hoàn toàn không hiểu biết, hay giả vờ như không hiểu biết gì về Cộng sản Việt Nam.
3. Sự đoàn kết của dân Việt Nam trước hiểm họa TC – Ông Nguyễn Cao Kỳ nói:
“…Tôi nói “Không”. Vì nếu lãnh đạo Hà Nội làm như vậy thì tôi chắc chắn rằng tất cả người Việt Nam từ Bắc chí Nam sẽ đoàn kết đứng lên tiêu diệt chế độ [cộng sản] và bảo vệ đất nước của chúng tôi. Không thể có chuyện chế độ Hà Nội sẽ yêu cầu Trung Cộng viện trợ quân sự. Và nếu nó xảy ra, nếu nó xảy ra, tôi nghĩ rằng đó sẽ là dịp tốt để chúng tôi thống nhất đất nước.”
Thứ nhất, theo ông Nguyễn Cao Kỳ nếu quân Trung Cộng có mặt ở miền Bắc thì toàn dân cả nước sẽ đứng lên tiêu diệt chế độ cộng sản bảo vệ và đó cũng là cơ hội thống nhất đất nước. Thứ hai, tin tình báo đã cho ông Kỳ biết là có “cố vấn” và “cán sự” TC sửa đường xe lửa ở miền Bắc cũng như vũ khí của TC tràn ngập ở chiến trường miền Nam. Người đọc tài liệu lịch sử rất khó có thể tìm thấy logic trong lý luận của ông Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương vào năm 1967.
Đó là chuyện cuối thế kỷ thứ 20.
Bây giờ, đang ở thập niên thứ nhì của thế kỷ 21, Cộng sản Trung Hoa có mặt – khai thác beauxite ở cao nguyên miền Trung, v.v. TC có ảnh hưởng ngay trong bộ phận trung ương của Đảng CSVN và khắp nơi trên tòan lãnh thổ Việt Nam, từ bắc vào nam, từ đất liền ra biển đông và hải đảo.
Đến khi nào thì người ta mới thấy được sự đoàn kết của dân Việt Nam trước hiểm họa của Cộng sản Trung Hoa?
Nguồn: Trần Giao Thuỷ/ĐCV