R10 Vô Địch Thiên Hạ
Join Date: Dec 2006
Posts: 88,250
Thanks: 11
Thanked 3,751 Times in 3,090 Posts
Mentioned: 5 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 8 Post(s)
Rep Power: 109
|
Ai tạo ra giờ định mệnh đưa đến 1975 cho miền Nam Việt Nam?
Các tài liệu phát hiện gần đây cho thấy Hoa Kỳ đã hoạch định cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm kể từ năm 1961, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ chối không cho Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam để mở rộng chiến tranh, và biến cố Phật Giáo vào tháng 5 năm 1963 được coi là một cơ hội tốt nhất để Hoa Kỳ thi hành quyết định của mình. Cuộc đảo chánh này đã được cơ quan CIA hoạch định rất chu đáo từng chi tiết, không để một kẻ hở nào. Ấy thế mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã thoát ra được khỏi Dinh Gia Long chỉ một thời gian ngắn sau khi cuộc đảo chánh bắt đầu. Nếu Tổng Thống Ngô Đình Diệm không chống lại các kế hoạch phản công và không quyết định ra trình diện, cuộc đảo chánh rất khó thành công.
Trong cuốn Việt Nam Nhân Chứng, Tướng Trần Văn Đôn cho biết khi hay tin ông Diệm và ông Nhu đã ra khỏi Dinh Gia Long, Lucien Conein, người điều khiển trực tiếp cuộc đảo chánh, đã hỏi, “Hai ông ấy đi đâu? Phải bắt lại cho kỳ được, vì rất quan trọng.”
Trong cuốn “Việt Nam 1954-1975, những sự thật chưa hề nhắc tới,” hai tác giả Hoàng Lạc và Hà Mai Việt cho biết khi hay tin ông Diệm và ông Nhu đã rời khỏi Dinh Gia Long, nhóm đảo chánh hết sức lo sợ. Tướng Minh kéo Tướng Là tới và bảo: “Toa đừng có lo, Moi đã tiên liệu rồi, Trung Tá Nguyễn Cao Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng hai Dakota C47 bên Liên Đoàn Vận Tải để chúng ta và gia đình đi khỏi nơi này nếu cần.”
Sau khi cuộc đảo chánh kết thúc, Tòa Đại Sứ Mỹ và cơ quan CIA đã mở một cuộc điều tra để xem vì sơ hở nào mà hai ông Diệm và Nhu đã thoát ra được khỏi Dinh Gia Long. Ông Adams, Đệ Nhất Tham Vụ của Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn đã đích thân đến gặp ông Cao Xuân Vĩ, người có mặt trong Dinh Gia Long khi cuộc đảo chánh xảy ra, để điều tra về vụ này. Ông Cao Xuân Vĩ cho biết lúc đó ông chỉ trả lời qua loa, nói rằng ông chỉ là kẻ thừa hành, không biết gì nhiều về chuyện này.
Nay một trang sử đen tối của đất nước đã được lật qua, ông Cao Xuân Vĩ đã tiết lộ cho chúng tôi đầy đủ những chi tiết về cuộc ra đi khỏi Dinh Gia Long của ông Diệm và ông Nhu đã làm Tòa Đại Sứ Mỹ và cơ quan CIA hoảng sợ. Tuy nhiên, trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ trình bày những nét chính. Toàn bộ chi tiết của vụ này sẽ được chúng tôi trình bày đầy đủ trong bộ “Những bí ẩn lịch sử đàng sau cuộc chiến Việt Nam” quyển II.
Để độc giả dễ nắm vững vấn đề hơn, trước hết chúng tôi xin lược qua kế hoạch tổ chức đảo chánh của CIA, sau đó sẽ trình bày vể vụ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu rời Dinh Gia Long.
1. CIA xem giò xem cẳng:
Sau khi cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11, 1963 kết thúc, nhiều người lầm tưởng rằng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim và Đỗ Mậu là những nhân vật chủ chốt cầm đầu cuộc đảo chánh đó. Phật Giáo đã cử phái đoàn đi quàng vòng hoa cho Tướng Tôn Thất Đính và Tướng Trần Văn Đôn. Nhưng nghĩ như thế là lầm.
Cuộc đảo chánh ngày 11 tháng 11, 1960 do Đảng Đại Việt chủ mưu là một sự trắc nghiệm để CIA biết ai là những kẻ trung thành với Tổng Thống Ngô Đình Diệm và tìm cách biến họ thành những tay sai của CIA trong việc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Ông Ngô Đình Nhu không ngờ được chuyện này.
Khi cuộc đảo chánh này xảy ra, Thiếu Tướng Nguyễn Khánh đang giữ chức Thư Ký Thường Trực Quốc Phòng ở Phủ Tổng Thống. Tướng Khánh đang ở nhà, nghe tin có đảo chánh, đã chạy vào Dinh Độc Lập. Thấy cửa đóng, ông leo qua hàng rào để vào. Tổng Thống Ngô Đình Diệm phong cho Tướng Khánh làm “Tư Lệnh Toàn Quyền” để thương lượng với phe đảo chánh.
Tướng Nguyễn Khánh ra hỏi Trung Tá Vương Văn Đông, người đang chỉ huy cuộc đảo chánh, “Mấy anh muốn gì?” Trung Tá Đông cho biết muốn thay đổi chính phủ, trao chính quyền lại cho quân đội. Tướng Khánh vô trình ông Diệm và ông Nhu rồi trở ra cho biết Tổng Thống đã đồng ý và mời các tướng lãnh đến họp ở Bộ Ngoại Giao để bàn chuyện thay đổi chính phủ. Trong khi đó Tướng Khánh lại xúi ông Diệm kêu gọi Đại Tá Trần Thiện Khiêm đem Sư Đoàn 7 ở Mỹ Tho về giải cứu thủ đô. Nhờ sự câu giờ của Tướng Nguyễn Khánh, Đại Tá Trần Thiện Khiêm đã đem quân về giải vây Dinh Độc Lập. Tướng Nguyễn Chánh Thi, Trung Tá Vương Văn Đông và một số người tham gia đảo chánh đã phải bỏ chạy qua Cambodia. Những người liên hệ khác kẹt lại đã bị bắt.
Sau vụ này, Thiếu Tướng Nguyễn Khánh được thăng lên Trung Tướng và cho giữ chức Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), rồi đi làm Tư Lệnh Quân Đoàn II, còn Đại Tá Trần Thiện Khiêm được thăng lên Thiếu Tướng, cho giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Vợ Tướng Khiêm được bầu làm Dân Biểu Quốc Hội, luôn đi cạnh bà Ngô Đình Nhu. Biết ông Diệm và ông Nhu tin tưởng Tướng Khánh và Tướng Khiêm, CIA móc nối ngay.
Người thứ ba được CIA chú ý là Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, vì đây là một sĩ quan có khả năng đang được ông Ngô Đình Nhu đánh giá cao và xây dựng để cho giữ những chức vụ quan trọng sau này. Đại Tá Thiệu lại đã theo Đạo Công Giáo khi lấy một bà sơ người Mỹ Tho xuất dòng, nên càng được ông Nhu tin cậy hơn. Năm 1957, Đại Tá Thiệu được cho đi học một khóa chỉ huy và tham mưu tại “Command and General Staff College” ở Ft. Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ. Năm 1959 được đi tu nghiệp tại Okinawa, Nhật Bản, và năm 1960 trở lại Hoa Kỳ học về võ khí mới ở Fort Bliss. Đây là cơ hội tốt để CIA móc nối.
Cuối năm 1960 Đại Tá Thiệu trở về Việt Nam, được Ông Ngô Đình Nhu tạm thời cho làm Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Hành Quân do Tướng Dương Văn Minh đang làm Tư Lệnh. Đây là một tổ chức mới được lập ra để cho Tướng Minh “ngồi chơi xơi nước”, vì Đoàn Công Tác Đặc Biệt vừa khám phá ra Tướng Minh đã liên lạc và chứa chấp hai tên tình báo Việt Cộng trong đó có người em là Thiếu Tá Dương Văn Nhựt, một cán bộ cao cấp do Hà Nội gởi vào liên lạc. Ông Diệm không muốn đưa vụ tai tiếng này ra ánh sáng nên chỉ tìm cách cô lập Dương Văn Minh mà thôi.
Năm 1962, có lẽ do sự sắp xếp của CIA, Đại Tá Thiệu đã xin gia nhập Đảng Cần Lao để được ông Nhu tin tưởng hơn. Trong kế hoạch xây dựng Ấp Chiến Lược để cô lập Việt Cộng, Đại Tá Thiệu đã có nhiều ý kiến rất xuất sắc nên được ông Nhu khen ngợi.
Khi Tổng Thống Diệm quyết định giải tán Bộ Tư Lệnh Hành Quân và đưa Tướng Minh về làm “Cố Vấn Quân Sự” của Tổng Thống, một chức vụ hữu danh vô thực, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu được cử đi làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở Huế. Đầu năm 1963, khi thấy tình hình lộn xộn, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đưa Đại Tá Thiệu về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 đóng ở Biên Hòa. Đại Tá Thiệu được ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu trao nhiệm vụ giải cứu thủ đô khi có đảo chánh. Ông Nhu không hề hay biết Đại Tá Thiệu là người của CIA.
Tướng Đôn không được cả ông Diệm lẫn ông Nhu tin dùng lắm vì cho rằng “ăn chơi quá.” Những người thân cận với ông Ngô Đình Cẩn đã cho biết vào năm 1962, Tướng Đôn đã ra Huế và vào xin ông Ngô Đình Cẩn cho theo đạo Công Giáo. Ông Cẩn nói rằng việc theo đạo là việc của Giáo Hội Công Giáo. Nếu muốn theo đạo, cứ việc tới gặp Linh Mục Đỗ Bá Ái, tuyên úy quân đội. Sau khi nói chuyện với Tướng Đôn, Linh mục Đỗ Bá Ái đã phán ngay: “Anh này nhiều vợ quá, không theo đạo được!”
Tướng Đôn cũng không được CIA tin dùng vì quá thân Pháp. Nhưng lúc đó Tướng Đôn đang giữ chức Tư Lệnh Lục Quân, nên CIA phải dùng. CIA dự trù khi sắp làm đảo chánh, họ xúi Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng, đi Hoa Kỳ chữa bệnh mấy tháng, thế nào Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng sẽ cử Tướng Đôn làm Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, vì không còn ai hơn. Mọi việc đã xảy ra đúng như vậy.
Trong cuốn “Việt Nam nhân chứng,” Tướng Trần Văn Đôn đã mô tả ông ta như là sếp sòng trong cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11, 1963, mọi sự đều do ông ta hoạch định và chỉ đạo. Nhưng sự thật không phải như vậy. Tài liệu cho thấy, trong các quyết định quan trọng, Tướng Đôn không hề được tham dự, như quyết định giết ông Diệm chẳng hạn. Quyết định này chỉ có Lucien Conein, Trần Thiện Khiêm và Dương Văn Minh biết mà thôi.
2. CIA lập kế hoạch đảo chánh và giành quyền lãnh đạo miền Nam:
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Tướng Nguyễn Khánh đã tiết lộ rằng khi Hoa Kỳ quyết định lật đổ ông Diệm, người đầu tiên được Lucien Conein bàn hỏi không phải là Tướng Dương Văn Minh hay Tướng Trần Văn Đôn, mà là Tướng Trần Thiện Khiêm. Lucien Conein, Tướng Khiêm và Tướng Nguyễn Khánh đã họp với ông Al Spera, cố vấn Bộ Tổng Tham Mưu, để bàn định việc này. Sau khi bốn người bàn định xong những việc phải làm, Lucien Conein mới tiếp xúc với Tướng Trần Văn Đôn để yêu cầu Tướng Đôn phối hợp với Tướng Khiêm lập kế hoạch đảo chánh. Khi kế hoạch được Cabot Lodge duyệt y mới giao cho Tướng Dương Văn Minh thực hiện dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Lucien Conein và Tướng Khiêm. Lực lượng chính dùng để đảo chánh là Sư Đoàn 5 của Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu ở Biên Hòa. Các tướng Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân và Tôn Thất Đính chỉ là kẻ thừa hành. Đại Tá Đỗ Mậu chỉ được dùng để sai vặt.
Ngoài 3 nhân vật chủ chốt là Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu, CIA còn móc nối được với hầu hết những nhân vật khác được ông Diệm và ông Nhu tin cậy như Bác Sĩ Trần Kim Tuyến, ông Trần Quốc Bữu, Đại Tá Phạm Ngọc Thảo, Đại Tá Dương Ngọc Lắm v.v..
XEM TIẾP TRANG DƯỚI
|