Trong phiên giao dịch mới nhất trên thị trường quốc tế, đồng Euro chạm mức xấp xỉ 1 USD, giảm khoảng 12% kể từ đầu năm trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái ở "lục địa già" khi lạm phát tăng cao và bất ổn nguồn cung năng lượng do cuộc chiến Nga - Ukraine.
Theo nhận định từ AFP, việc đồng Euro suy yếu sẽ khiến hàng nhập khẩu vào châu Âu đắt đỏ hơn, kéo lạm phát lên cao, nhưng lại có lợi cho các hãng xuất khẩu khu vực này. Song, tác động của việc đồng Euro yếu đi còn tùy từng doanh nghiệp, theo mức độ phụ thuộc vào ngoại thương và năng lượng.
Về mặt lý thuyết, đồng Euro giảm sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ tại châu Âu, từ đó kích thích kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, lợi ích này có thể bị lấn át bởi giá hàng hóa tăng vọt do xung đột Ukraine, đặc biệt là tại các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Đức.
Các nhà phân tích cho biết, một loạt các đợt tăng lãi suất tích cực của các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ tạo áp lực lên đồng Euro trong khi khiến các nhà đầu tư hướng tới đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn.
Hiện FED đang đi trước châu Âu về việc thắt chặt, khi đã tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản trong khi tín hiệu tăng lãi suất trong tháng này ngày càng rõ ràng.
Trong khi đồng USD trên thị trường trong nước và quốc tế tăng mạnh trong thời gian gần đây thì đồng tiền chung của Liên minh châu Âu (EU) lại biến động theo chiều hướng ngược lại. Điều này sẽ tác động đáng kể tới thương mại của Mỹ và EU với các quốc gia khác.
__________________
|