Theo ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) hội nhập TPP tất cả các các mặt hàng sẽ về 0% nhưng cần phải có lộ trình.
Nhiều chuyên gia nhận định, khi TPP được kí kết thì nhiều doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ: doanh nghiệp dệt may, da giày, dây cáp điện… Đồng thời mở ra nhiều cơ hội lớn về đầu tư nước ngoài cho Việt Nam về các ngành viễn thông, tài chính, phân phối bán lẻ…
Muốn thành công ở thị trường Hoa Kỳ nên mở công ty riêng
Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng phòng Hợp Tác quốc tế, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, muốn kinh doanh thành công ở thị trường Mỹ cần có những bí quyết riêng.
Theo ông Hùng, Hoa Kỳ là một thị trường lớn, tiềm năng nhưng có nhiều thách thức bởi hệ thống pháp luật rất chặt chẽ và phức tạp.
Ông cho biết, một doanh nghiệp muốn kinh doanh ở trên đất nước Hoa Kỳ, lấy được niềm tin của những người tiêu dùng khó tính như người dân Mỹ cần phải có một lộ trình rất khắt khe.
"Thị trường Hoa Kỳ vừa là cơ hội lớn nhưng cũng có nhiều thách thức mà muốn kinh doanh thành công thì cần phải có tư các pháp nhân đảm bảo”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho rằng để đảm bảo tư cách pháp nhân thì cách nhanh nhất là lập một công ty ở Hoa Kỳ. Thành lập công ty rất thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu vào thị trường này!
Tại Hoa Kỳ có nhiều hình thức công ty khác nhau: Công ty cổ phần, Trách nhiệm hữu hạn (TNHH), hợp tác liên doanh.
Vậy các doanh nghiệp nên chọn hình thức thành lập công ty như thế nào để thuận lợi và không tốn chi phí? Ông Hùng cho biết, các doanh nghiệp nên thành lập hình thức cổ phần và TNHH. Việc thành lập các hình thức công ty này rất nhanh gọn chỉ có 48 giờ có thể thành lập được một công ty trên đất Mỹ.
Ông Hùng lấy ví dụ khi muốn thành lập một công ty cổ phần ở New York, cần có chứng chỉ công ty cổ phần do người sáng lập ký tên, có hồ sơ lưu tên công ty, mục đích thành lập, tên quận đặt thuộc bang nào, tổng số cổ phần phát hành, nêu rõ từng loại, đại diện của cơ quan,...
Những thuận lợi cho việc kinh doanh mà việc thành lập công ty có thể đem lại: "Nó là đại diện cho công ty hoạt động ở Việt Nam, không bị ràng buộc pháp lý. Do vậy sẽ thuận lợi hơn làm chuỗi xuất khẩu sang Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ tin tưởng hơn các doanh nghiệp được thành lập ở Mỹ hơn là các doanh nghiệp đến từ Việt Nam"
Chẳng hạn, khi một người dân Mỹ mua hàng đồ gỗ của Việt Nam khi hỏng biết gọi ai bảo hành. Nếu có văn phòng đại diện tại Mỹ sẽ có bộ phận giải đáp ngay thắc mắc của người dân và có chế độ bảo hành lâu dài.
Ngoài ra việc thành lập công ty ở Mỹ còn giúp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ dễ đàng, có sức ảnh hưởng lớn hơn. Việc tham gia các hội chợ, trưng bày sản phẩm, gặp đối tác cũng dễ dàng hơn.
Hàng năm ở Hoa Kỳ có hàng nghìn hội chợ cho nhà bán buôn, bán lẻ, doanh nghiệp quốc tế đến, doanh nghiệp trong nước tham dự… Theo đó, doanh nghiệp Việt khi thành lập công ty tại đây sẽ có nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp nội địa.
T
ất cả các dòng thuế sẽ về 0% nhưng cần có lộ trình
Ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết quá trình đàm phán TPP đang có nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết.
Về thuế quan, ông Cường cho rằng việc gia nhập TPP quy tắc về thuế quan khá phức tạp nên các doanh nghiệp cần phải nắm rõ để áp dụng linh hoạt.
Cụ thể, theo ông Cường khi gia nhập TPP tất cả các sản phẩm sẽ có thuế 0% nhưng không phải khi gia nhập đã về 0% ngay mà cần có lộ trình rõ ràng. Việc giảm thuế quan này cũng tuỳ thuộc vào từng mặt hàng.
Chẳng hạn như mặt hàng ô tô, người dân rất quan tâm đến thuế quan và chắc chắn sẽ về 0% nhưng có thể lộ trình có khi sẽ kéo dài 10 năm, 20 năm... Hiện nay ông Cường chưa thể tiết lộ được thông tin giảm thuế này bởi TPP vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Nhiều mặt hàng khác như dệt may có liên quan đến quy tắc xuất xứ rất phức tạp. Đối với TPP, dệt may quy tắc xuất xứ yêu cầu hàm lượng giá trị bao nhiêu phần trăm, hàng dệt may muốn xuất khẩu vào Hoa Kỳ cần phải chủ động các khâu: dệt vải, thành vải, cắt, may…xoay quanh trong 12 nước TPP.
Ông Cường nhận định đây là thách thức đối với may mặc Việt Nam vì từ trước đến nay chủ yếu đi nhập sợi, nguyên liệu từ nước khác chứ không làm được hết các khâu. Giờ phải nhập khẩu nguyên liệu các nước trong khu vực TPP nên sẽ liên quan đến giá, nguyên liệu, độ ổn định của thị trường nguyên liệu…. Đây là quy tắc xuất xứ phức tạp nhất của Hoa Kỳ đặt ra mà ngành dệt may phải vượt qua trong thời gian tới.
Hướng Dương
Theo Infonet