Bao nhiêu năm nay đã sinh sống và làm ăn ở đây chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh tượng nào như ngày hôm nay, khiến phải bàng hoàng nhìn những hình ảnh đang truyền trực tiếp về từ tiệm của người Việt khốn đốn vì bạo động, hôi của sạch.
Khu vực cửa ra vào và nhà kho trong tiệm làm móng Happy Nails Brows & Lashes Bar của chị Pauline Lê ở Chicago sau khi bị một số người hôi của đột nhập và cướp bóc.
Một ô cửa kính bị đập vỡ rồi người ta ùa vào bên trong. Họ lục tung các ngăn tủ và lấy đi một số món đồ có giá trị nhất. Cả thùng rác họ cũng mang đi để đựng những thứ mà họ vừa vơ vét. Những thứ mà lẽ ra sẽ giúp tiệm của chị hoạt động trở lại sau hơn hai tháng đóng cửa vì dịch virus corona.
"Buổi sáng hôm đó tôi đã nghe người ta lên biểu tình ngay góc đường đó rồi. Khách của tôi nhắn tin nói, 'Pauline hãy cẩn thận đừng ra đó, người biểu tình ở ngoài này bây giờ loạn lắm,'" chủ tiệm làm móng Happy Nails Brows & Lashes Bar ở thành phố Chicago kể lại.
"Nghe thông tin như vậy thì tôi mới lên mạng coi camera. Khoảng chừng một giờ rưỡi [chiều] thì chưa bị gì hết, vẫn còn yên. Khoảng chừng hai giờ thì nó đập vô."
Chị nói từ lúc mở camera lên cho tới chín giờ tối chị không biết làm gì hơn ngoài việc bất lực dán mắt vào màn hình trong khi hết nhóm này đến nhóm khác vào tiệm của chị để hôi của.
"Tiền mình làm bao nhiêu năm nay mình bỏ vô tiệm này hết, số vốn rất là nặng," chị nói một cách chua xót.
Hình ảnh từ camera an ninh trong tiệm của chị Pauline Lê cho thấy những người hôi của xông vào tiệm.
Đó là Chủ nhật tuần trước, lúc mà nước Mỹ rúng động vì các cuộc biểu tình rầm rộ đòi công lí sắc tộc sau cái chết của người Mỹ gốc Phi tên là George Floyd trong lúc ông này bị cảnh sát khống chế ở thành phố Minneapolis hôm 25 tháng 5.
Các cuộc biểu tình phần lớn ôn hòa trở thành cơ hội cho những kẻ cướp bóc, đốt phá, và hôi của tại nhiều cơ sở kinh doanh lớn nhỏ.
Tại Chicago, các bản tin trên truyền thông địa phương cho biết tình trạng hôi của của diễn ra ở nhiều khu vực trong thành phố với hàng trăm vụ bắt giữ hôm Chủ nhật, một trong những đêm bạo động nhất ở thành phố đông dân thứ ba của Mỹ nằm ở vùng Trung tây.
Trong số những cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng có nhiều tiệm làm móng do người Việt làm chủ với thiệt hại được nói lên tới hàng trăm ngàn đô la.
Trong những cuộc phỏng vấn với VOA qua điện thoại, một số chủ tiệm làm móng người Việt ở đây nói họ chưa lâm vào tình cảnh khốn khó bất ngờ nào giống như lần này trong suốt sự nghiệp của họ.
Không có con số thống kê cụ thể bao nhiêu tiệm bị ảnh hưởng trong đợt bạo động nhưng những người nắm tình hình ở địa phương này cho biết quy mô có thể rộng khắp và mức độ thiệt hại là đáng kể.
"Tiệm nail thì đa số bị ảnh hưởng nhiều, bị tới mười mấy tiệm là nhiều lắm. Ở dưới đó người Việt Nam có hàng trăm tiệm chứ không ít đâu," ông Lưu Toàn Trung, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia bang Illinois, nói, nhắc tới những khu vực bị ảnh hưởng ở trung tâm và ở phía nam Chicago.
Anh Hùng Lê, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành làm móng và gần đây có nói chuyện với một số chủ tiệm, cho biết những tiệm bị đập phá thường ở những khu vực mà người biểu tình tụ tập. Vì các cuộc biểu tình diễn ra ở khắp nơi và vào những thời điểm khác nhau nên các địa điểm bị ảnh hưởng cũng dàn trải khắp thành phố, anh nói.
"Có vài tiệm nail nằm ngay trung tâm Chicago ở những vị trí đắc địa, thuộc hàng cao cấp vẫn bị đập phá, hôi của. Có một số anh chị em trong những khu plaza, là những khu mua sắm thương mại nhỏ, cũng bị đập. Những tiệm mặt tiền đường cũng bị đập và những tiệm ở ngoại ô cách Chicago một tiếng lái xe cũng bị đập," anh nói.
Trong một video đăng tải trên Facebook thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, một chủ tiệm người Việt quay lại cảnh tượng tan hoang tại cơ sở kinh doanh của ông khi ông ra xem xét hiện trường sau đêm bạo động.
Các cửa kính bị đập nát hoàn toàn trong khi các ngăn tủ bị lục tung và các kệ hàng bị lấy đi gần như trống trơn. Trên sàn nước đọng thành từng vũng, có thể là do hệ thống phun nước được kích hoạt khi lửa bùng lên bên trong tiệm.
Chủ tiệm không hồi đáp yêu cầu phỏng vấn của VOA.
Chị Pauline, người sở hữu tiệm rộng gần 400 mét vuông, cho biết tiệm của chị không bị đập phá nhiều nhưng thiệt hại đáng kể nhất là các vật phẩm được dự trữ của tiệm đã bị lấy đi gần hết.
"Nguyên cái gác của tôi chứa nail chip và dip powder ở đằng sau cũng bị nó vơ sạch luôn. Nó vừa lấy ở đằng trước mà nó vừa ra đằng sau hốt gọn luôn," chị nói, sử dụng những thuật ngữ tiếng Anh chỉ các loại móng giả và bột phủ móng được dự trữ trong nhà kho.
Chị nói những vật phẩm như vậy hiện giá thành lên rất cao và việc mua sắm lại đặc biệt tốn kém. Vì tiệm của chị lớn nên không những phải mua với số lượng nhiều mà còn phải mua nhiều chủng loại khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách.
Chị ước tính tổng thiệt hại mà tiệm của chị gánh chịu sau vụ phá hoại và hôi của này lên tới 200.000 đô la, phần lớn là chi phí mua những nguồn vật phẩm như vậy, trong khi tiền bảo hiểm mà chị có thể được hưởng chỉ tối đa là 50.000.
Anh Hùng cho biết sự hỗ trợ duy nhất mà nhiều chủ tiệm đang hi vọng có được là tiền đền bù từ công ty bảo hiểm. Nhưng quá trình này hiện đề ra những trở ngại mà có thể khiến người ta nản chí.
"Tình hình thiệt hại chung chứ không chỉ riêng các tiệm nail nên gọi bảo hiểm cũng rất là khó khăn vì điện thoại không thông. Có nhiều trụ sở văn phòng bảo hiểm còn đóng cửa vì họ chưa được lệnh mở cửa trở lại nên mọi trao đổi liên lạc phải qua điện thoại hết," khiến đường dây liên tục bị nghẽn, anh nói.
"Nếu mà mình muốn yêu cầu một nhân viên bảo hiểm xuống chụp hình làm tài liệu, thu lượm bằng chứng thì cũng trở ngại bởi vì họ đang thiếu nhân viên vì Covid-19 này," anh giải thích thêm.
Dù đối mặt với khó khăn chồng chất, nhiều tiệm nail đang chạy đua với thời gian để mở cửa trở lại sớm nhất có thể. Thành phố Chicago đã chính thức cho phép một số doanh nghiệp mở cửa lại vào ngày thứ Tư sau thời gian giãn cách xã hội vì virus corona.
Chị Pauline nói chị đang dọn dẹp và hi vọng có thể mở cửa trở lại vào tuần sau dù chị vẫn chưa chắc có mua lại kịp các vật phẩm và đồ dùng chuyên dụng bị lấy cắp hay không.
Chị nói những khách hàng thân thiết đang mong chờ tiệm mở cửa trở lại, một số người thậm chí còn đề nghị đến giúp chị dọn dẹp. Sự thương yêu của họ tiếp thêm cho chị sức mạnh để vượt qua tình cảnh khốn đốn này.
"Họ chia sẻ động viên rất nhiều đến mức tôi không kịp trả lời luôn," chị nói. "Hai ba giờ sáng họ cũng gửi tin nhắn cho tôi. Khách của tôi người ta cũng đau lòng lắm.”