Sri Lanka chặn Facebook, YouTube sau loạt vụ đánh bom. Nước này không muốn những thông tin giả được lan truyền. Thông tin sai lệch hoặc ngôn ngữ thù địch không loại trừ có thể kích động bạo lực.
Sau loạt vụ đánh bom khủng bố làm hơn 200 người thiệt mạng và ít nhất 450 người bị thương, Sri Lanka ngắt quyền truy cập Facebook, Messenger, Instagram, WhatsApp, Viber và YouTube. "Đây là một quyết định đơn phương", cố vấn tổng thống Harindra Dassanayake cho biết, đồng thời giải thích rằng các thông tin sai lệch và ngôn ngữ kích động có thể lan rộng, khiến tình hình bạo lực gia tăng.
Một địa điểm bị đánh bom tại Sri Lanka. Ảnh: NYT
Năm 2018, các quan chức Sri Lanka cũng chặn mạng xã hội sau khi những nội dung kêu gọi các cuộc tấn công bạo lực chống lại cộng đồng người Hồi giáo, kích động bạo loạn bị lan truyền trên Facebook. Trước đó, chính phủ nước này đã nhiều lần yêu cầu Facebook tăng kiểm soát để hạn chế các nội dung kích động.
Một số quốc gia khác cũng phải chặn mạng xã hội trong bối cảnh các thông tin sai lệch và nội dung bạo lực lan truyền. Năm 2012, Ấn Độ lần đầu tiên chặn Facebook do các cuộc bạo loạn phát sinh từ nền tảng này. Giữa 2018, những thông tin kích động tấn công lan truyền thông qua WhatsApp.
Sri Lanka chưa công bố khi nào chính phủ nước này sẽ khôi phục kết nối tới các dịch vụ mạng xã hội.