Giới siêu giàu Mỹ kiếm thêm 4.000 tỷ USD trong năm qua. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết giới 1% giàu nhất nước Mỹ ghi nhận khối tài sản tăng thêm 4.000 tỷ USD. Từ đây cho thấy sự phân hóa tài sản rõ rệt giữa các tầng lớp dân cư ở Mỹ.
Theo nghiên cứu mới nhất về tài sản hộ gia đình từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, 1% dân số giàu nhất nước này ghi nhận giá trị tài sản ròng trong năm ngoái tăng lên 4.000 tỷ USD, chiếm đến 35% lượng tài sản tăng thêm trên toàn quốc. Ngược lại, nhóm 50% dân số có mức thu nhập thấp nhất chỉ ghi nhận mức tài sản tăng thêm vỏn vẹn 4%.
Thị trường chứng khoán và quỹ đầu tư hoạt động tích cực khiến giới siêu giàu thắng đậm trong năm qua. Giá trị cổ phần mà họ sở hữu trong các công ty tư nhân - loại tài sản chỉ 10% dân số giàu có ở Mỹ sở hữu - tăng phi mã càng khiến tầng lớp này kiếm nhiều tiền hơn.
Chứng khoán và cổ phần là loại tài sản tăng trưởng nhiều nhất trong danh mục tài sản của giới siêu giàu trong năm ngoái. Xếp sau đó là các loại tài sản truyền thống như nhà ở, bất động sản và tiền lương hưu.
Bên cạnh đó, sự biến động tài sản cũng thể hiện qua trình độ giáo dục. Những người có bằng đại học sở hữu 71,8% tổng tài sản cả nước, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm ngoái, họ kiếm thêm 9.300 nghìn tỷ USD giá trị ròng. Ngược lại, giá trị tài sản ròng của tầng lớp lao động tay chân giảm 111 tỷ USD, và chỉ nắm giữ khoảng 1,6% tổng tài sản cả nước.
Tỷ lệ nắm giữ các loại tài sản giữa các tầng lớp tại Mỹ trong năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.
Đại dịch Covid-19 làm sự phân hóa giàu nghèo tại Mỹ ngày càng nghiêm trọng. Thực trạng này cũng là nguyên do khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden và các cộng sự đề xuất tăng thuế nhắm vào tầng lớp có thu nhập cao.
Những thách thức về bất bình đẳng chủng tộc trong nền kinh tế cũng gây ra nhiều thách thức. Dữ liệu của Fed cho thấy tài sản mà người Mỹ da trắng nắm giữ đã vượt quá 100.000 tỷ USD, gấp đôi so với tháng 6/2009.
Một thay đổi lớn trong xu hướng nắm giữ tài sản của người Mỹ bắt đầu từ năm ngoái là xu hướng ưa chuộng chuyển sang sở hữu các loại tài sản có tính thanh khoản cao.
Tổng số tiền gửi và tiền mặt được nắm giữ bởi dân cư tăng vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD từ mức 1.200 tỷ USD hồi cuối tháng 3. Điều này cho thấy thái độ thận trọng hơn trong bối cảnh đại dịch bất ổn, khiến nhiều người có nhu cầu sử dụng tiền mặt và các loại tài sản dễ trao đổi.
VietBF@ sưu tầm.