Dù nằm trong top đầu thế giới về chỉ số chấp nhận và sử dụng tiền điện tử, người Việt vẫn lẫn lộn khái niệm tiền ảo, tiền mã hóa...
Khảo sát công bố hồi tháng 8 của Chainalysis về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) trên 154 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy Việt Nam đứng đầu với điểm tuyệt đối là 1, còn vị trí thứ hai và thứ ba là Ấn Độ và Pakistan lần lượt đạt 0,37 điểm và 0,36 điểm.
Một khảo sát khác của Finder được thực hiện với 42.000 người trên 27 quốc gia cũng cho thấy 41% người Việt được hỏi khẳng định đã mua tiền điện tử, 20% trong số đó mua Bitcoin. Đây là mức cao nhất trong tất cả quốc gia được khảo sát.
Tuy vậy, không ít người chưa phân biệt rõ khái niệm tiền điện tử, tiền ảo, tiền mã hóa, dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi, thậm chí có nhiều trường hợp bị lừa vì nhầm lẫn giữa các loại tiền.
Ông Trần Dinh, quản trị viên diễn đàn Phổ cập Blockchain kiêm CEO Alpha True, cho rằng một trong những lý do gây ra sự nhầm lẫn là sự phát triển quá nhanh của tiền điện tử. Thứ hai là việc chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt chưa được nhất quán. "Một nguyên nhân khác khiến nhiều người gom tất cả tiền 'phi truyền thống' vào chung một loại 'tiền ảo' là do có nhiều dự án lừa đảo làm ảnh hưởng xấu đến toàn thị trường", ông nói.
Theo ông Dinh, đầu tiên phải làm rõ rằng tiền mã hóa hay tiền ảo đều được xây dựng trên một hệ thống máy tính hoặc mạng lưới của một tổ chức hoặc cá nhân. Tất cả thuật ngữ này đều nằm trong một khái niệm chung là Digital Currency - Tiền điện tử/Tiền số.
Trong khái niệm tiền điện tử lại chia ra thành các loại khác nhau và mỗi loại có một thuộc tính riêng biệt tạo nên giá trị của đồng tiền:
Tiền mã hóa (Crypto Currency) là từ ghép của mã hoá/mật mã (cryptogram) với tiền tệ (currency). Đây là tiền điện tử được bảo mật bằng kỹ thuật mã hóa dựa trên cơ sở khai thác sức mạnh của máy tính kết hợp Internet. Công nghệ này gọi chung là blockchain - nền tảng của tiền mã hoá.
Tiền mã hóa thường hoạt động trong một hệ sinh thái mở và có thể được chuyển đổi sang các dạng tiền tệ khác. Đa số tiền mã hóa được phát hành bởi tổ chức/cá nhân nhưng họ không có quyền kiểm soát toàn bộ lượng tiền này mà do chính cộng đồng quản lý thông qua cơ chế mã hóa, phân quyền trong hệ thống. Các loại tiền mã hóa phổ biến, được nhiều tổ chức trên thế giới công nhận là Bitcoin, Ethereum...
Tiền điện tử pháp định là loại tiền điện tử được sử dụng phổ biến nhất nhưng nhiều người nhầm lẫn định nghĩa của nó với tiền ảo và tiền mã hoá. Đây là loại tiền tương đương với tiền tệ quốc gia, được phát hành bởi các tổ chức phát hành tiền tệ nhưng ở hình thức điện tử, kỹ thuật số. Ví dụ tiền trong tài khoản ngân hàng được công nhận ở Việt Nam, hay tiền trong ví điện tử được công nhận như Momo, Viettel Pay...
Tiền ảo (Virtual Currency) được nhiều người Việt biết đến từ các trò chơi trong game và xuất hiện trước thuật ngữ tiền mã hóa. Tiền ảo được phát hành nội bộ bởi các tổ chức, công ty và họ có toàn quyền kiểm soát số tiền này; không được hoặc rất hạn chế đổi ra các loại tiền pháp định và chỉ quy đổi ở trong một cộng đồng hẹp với nhau. Một vài ví dụ của tiền ảo là tiền sử dụng trong game để mua bán vật phẩm, tiền khuyến mãi ở các nền tảng mua sắm...
Không ít người Việt từng mất hàng tỷ đồng khi đầu tư vào các sàn tiền ảo như Binary Option, Wefinex, Raidenbo, Bitono, Pocinex, Deniex, GardenBO... do nhầm lẫn giữa khái niệm tiền ảo và tiền mã hoá. Đây thực chất là những giao dịch nhị phân, núp bóng các dự án tiền mã hoá. Hồi tháng 8, Bộ Công an cảnh báo các sàn tiền ảo này có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, lừa đảo người chơi.
Theo ông Trần Dinh, hiểu đúng khái niệm sẽ giúp hạn chế các cuộc tranh cãi trên mạng, cũng như nhận thức khách quan hơn về công nghệ blockchain và tiền điện tử. Từ đó, nhiều người cũng tránh được các dự án núp bóng tiền mã hóa để lừa người dùng.
|