Cà tím chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Một lợi ích không phải ai cũng biết của cà tím là giúp giảm cholesterol trong máu.
Cà tím là nguồn cung cấp dồi dào chất xơ, vitamin C, vitamin K, chất chống ô xy hóa, mangan, folate, kali và nhiều loại khoáng chất khác. Trong đó, có những dưỡng chất giúp cải thiện nồng độ cholesterol trong máu, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Cà tím chứa các dưỡng chất có tác dụng kiểm soát cholesterol trong máu
Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy hàm lượng kali, chất xơ và vitamin C dồi dào trong cà tím có thể giúp kiểm soát cholesterol trong máu. Trong đó, kali là loại khoáng chất có tác động rất phức tạp đến cơ thể.
Quá nhiều kali có thể gây ra các vấn đề liên quan đến tim như rối loạn nhịp tim hay suy tim. Trong khi đó, quá ít kali cũng gây ra một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như cơ bị yếu và dễ chuột rút. Trong khi đó, nạp đủ kali không chỉ giúp các chức năng cơ thể hoạt động bình thường mà còn giúp ngăn vôi hóa động mạch do lắng đọng khoáng chất và mảng bám cholesterol.
Ngoài ra, vitamin C trong cà tím có tác dụng làm giảm mức cholesterol toàn phần và giảm nguy cơ tim mạch ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Journal of Chiropractic Medicine cho thấy nạp đủ vitamin C giúp giảm mức cholesterol "xấu" LDL và chất béo trung tính trong máu.
Một dưỡng chất khác trong cà tím có tác dụng giúp giảm cholesterol là chất xơ hòa tan. Cà tím chứa rất nhiều chất xơ hòa tan. Khi vào ruột, loại chất xơ này làm giảm khả năng hấp thụ cholesterol, từ đó kiểm soát mức cholesterol "xấu" LDL trong máu.
Ngoài ra, cà tím còn có tác động gián tiếp đến sức khỏe tim bằng cách kiểm soát đường huyết và hỗ trợ giảm cân. Béo phì và tiểu đường là những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, lợi ích sức khỏe tim mạch của cà tím chưa dừng lại ở đây. Chất chống ô xy hóa có tên axit chlorogenic giúp ngăn ngừa bệnh tim bằng cách giảm cholesterol "xấu" LDL.
Cà tím có hương vị dễ chịu và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Tùy thuộc vào sở thích của mỗi người mà chúng ta có thể luộc, nướng hay áp chảo.
Nếu dùng cà tím trong bữa ăn chính thì để đảm bảo cơ thể nạp đủ dinh dưỡng, mọi người nên ăn chung cà tím với các món giàu protein, chất béo lành mạnh và tinh bột phức tạp. Để tận dụng lợi ích kiểm soát cholesterol của cà tím thì cần hạn chế ăn cà tím với các loại thịt mỡ, thịt nguội hay bất kỳ loại thực phẩm nào chứa nhiều chất béo có hại, theo Healthline.
VietBF@sưu tập