“Quyết định sẽ tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba sau hơn 50 năm cấm vận khắc nghiệt sẽ trở thành di sản của Tổng thống Mỹ Obama, song đó cũng là một quyết định dũng cảm”- tiến sĩ Cù Chí Lợi- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn báo NTNN ngày 19.12.
Sau gần 6 thập kỷ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận lên Cuba, cả Washington và Havana đã bất ngờ tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ. Ông bình luận gì về tuyên bố lịch sử này ?
Thượng nghị sĩ Marco Rubio - thuộc Đảng Cộng hòa là một trong số những nghị sĩ đầu tiên lên tiếng phản đối Mỹ nối lại quan hệ với Cuba . NYT
- Đây là một việc tốt cho cả hai bên, thể hiện đúng xu thế của thời đại là hòa bình, đôi bên cùng có lợi. Về tuyên bố lịch sử này, quả thực tôi có chút bất ngờ, nhưng không ngạc nhiên. Khi Tổng thống Obama lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, ông đã có những động thái muốn đẩy quan hệ Mỹ và Cuba phát triển tốt hơn. Tất nhiên, những nỗ lực ngoại giao để hàn gắn quan hệ hai nước đã có từ trước, nhưng trong giai đoạn ông Obama cầm quyền được làm mạnh mẽ hơn. Ở một góc độ nào đó thì cũng có thể nói tuyên bố trên là khá bất ngờ, nhưng nhìn tổng quát thì họ đã có nhiều nỗ lực từ trước đến nay.
Có thể chính sách hóa giải thù địch giữa Mỹ và Cuba không gây bất ngờ, nhưng tuyên bố ở thời điểm này lại khiến thế giới ngạc nhiên, vì sao vậy thưa ông?
- Bình thường hóa quan hệ với Cuba là một công việc hết sức khó khăn của người đứng đầu Nhà Trắng và của bộ máy hành pháp Mỹ.
Phải nói rằng, đây là một quyết định dũng cảm của ông Obama.
Nhưng, đây cũng là thời điểm có những nhân tố thuận lợi, hỗ trợ cho ông Obama thực hiện những quyết định này. Đây là giai đoạn cuối của nhiệm kỳ 2, ông Obama không còn gì ràng buộc nhiều bởi quan hệ chính trị. Nếu như tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ diễn ra trong nhiệm kỳ 1 của ông Obama thì chắc chắn sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị.
Thông thường, ở nhiệm kỳ 2, các đời Tổng thống Mỹ cũng tương đối mạnh mẽ trong các quyết định của mình. Quyết định bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trước đây cũng được đưa ra trong nhiệm kỳ 2 của cựu Tổng thống Bill Clinton. Đó là những điều kiện chính trị cho phép ông Obama có quyết định mạnh dạn hơn.
Với Tổng thống Obama, tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba sẽ là một di sản chính trị ông để lại khi rời Nhà Trắng, nhưng mọi việc có vẻ như không đơn giản như vậy?
- Chắc chắn vấn đề này sẽ được đưa ra Quốc hội Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, Đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện.
Xu hướng chung hiện nay là Đảng Cộng hòa vẫn muốn thúc đẩy các quan hệ quốc tế, để đưa hình ảnh nước Mỹ gần gũi với các nước hơn.
Có thể đây sẽ là nhân tố giúp cho tuyên bố lịch sử sớm trở thành hiện thực. Tôi cho rằng, nó có thể gặp một số rào cản ở Quốc hội, hay là có sự bất đồng quan điểm giữa bên hành pháp của Tổng thống Obama và Quốc hội gần đây là thể sẽ có những rào cản.
Với người dân Cuba, vì sao họ có tâm trạng buồn, vui lẫn lộn như vậy, thưa ông?
- Thực ra, tâm trạng của người dân Cuba khác nhau bởi họ có nhiều quan niệm trái ngược. Trước đây người Mỹ có nhiều tuyên bố mạnh mẽ, làm cho người Cuba không cảm thấy tôn trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay có những nhân tố mới đó là kinh tế Cuba cũng cần phải có sự đầu tư, hợp tác mới để khơi thông nguồn thương mại.
Nhiều người hi vọng, với sự bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đất nước Cuba sẽ phát triển kinh tế hơn, người dân sẽ có thu nhập cao hơn và mọi mặt cuộc sống sẽ được cải thiện.
Bình thường hóa quan hệ, nhưng lệnh cấm vấn kinh tế của Mỹ đối với Cuba vẫn tồn tại. Thưa ông, liệu điều này có mâu thuẫn và đi ngược lại với mong muốn của phía Cuba hay không?
- Bình thường hóa ngoại giao là bước mở đường để bình thường hóa các quan hệ chính trị, kinh tế, thúc đẩy hợp tác trên nhiều mặt. Một khi thay đổi quan điểm chính trị thì tất yếu sẽ có các thay đổi về hợp tác kinh tế như mở ra các hiệp định thương mại song phương, đa phương, các bản ghi nhớ hợp tác…
Và bản thân Cuba họ cũng đã có những sự thay đổi về chính sách kinh tế, không chờ đến khi chính thức bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Thưa ông, Cuba và Venezuela là hai đồng minh thân cận có chung mối thù địch với Mỹ. Liệu sau Cuba, Venezuela có trở thành một “nhịp cầu” nữa để đưa Mỹ đến gần hơn với khu vực Mỹ La tinh?
- Tôi nghĩ về cơ bản thế giới đang đi theo hướng hội nhập chứ không phải thay đổi hoàn toàn một thể chế chính trị. Với tuyên bố của Mỹ và Cuba, các nước Mỹ La tinh đều lên tiếng hoan nghênh, tạo không khí đoàn kết hơn trong khu vực. Vấn đề của Venezuela không quá căng thẳng như vấn đề của Cuba.
Dưới thời của cố Tổng thống Hugo Chavez, mối quan hệ Venezuela và Mỹ căng thẳng hơn. Mặc dù, vẫn còn một số vấn đề cố hữu, nhưng khi Tổng thống Maduro lên nắm quyền quan hệ Mỹ- Venezuela đã giảm căng thẳng đi rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Các đại biểu của Đảng Cộng hòa vừa từ chối thông qua khoản quỹ để mở lại Đại sứ quán Mỹ tại Cuba và cản trở việc phê chuẩn một đại sứ tới Havana. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia pháp lý cho rằng Tổng thống Mỹ Obama có đủ thẩm quyền để nới lỏng hạn chế về thương mại, vận tải và ngân hàng với Cuba, kể cả khi Quốc hội phản đối.
NLD