Cảnh sát Nhật Bản vừa bắt giữ một nhà sư 42 tuổi vì nghi đã kết hôn giả với một phụ nữ đã có tư cách vĩnh trú để được định cư lâu dài tại Nhật Bản, khiến nhà sư thầy và người phụ nữ này đều bác bỏ các cáo buộc và nói họ là "vợ chồng thật".
Cảnh sát cần làm rõ tiền cất giữ tại chùa được sử dụng vào việc gì.
Sư thầy có thế danh Nguyễn Văn Nam bị bắt hôm thứ Năm 28/11 vì bị tình nghi vi phạm luật quản lý xuất nhập cảnh, theo NHK.
Cảnh sát bắt nhà sư 42 tuổi này vì nghi đã kết hôn giả với một phụ nữ đã có tư cách vĩnh trú để được định cư tại Nhật.
Hình ảnh trong bản tin truyền hình NHK cho thấy một số cảnh sát có mặt tại chùa Đại Nam tại thành phố Himeji và một chùa khác tại thành phố Kobe, hai chùa đều thuộc tỉnh Hyogo miền Tây Nhật Bản.
Ngoài hai chùa này, cảnh sát cũng tiến hành rà soát các chùa khác tại tỉnh Saitama, nơi có nhiều người Việt sinh sống và làm việc.
Bản tin cho biết cảnh sát nghi người phụ nữ này được trả tiền và vì vậy cần làm rõ tiền cất giữ tại chùa được sử dụng vào việc gì.
Sư thầy và người phụ nữ này đều bác bỏ các cáo buộc và nói họ là "vợ chồng thật", cảnh sát được truyền thông Nhật dẫn lời.
Được biết cảnh sát cũng đưa ra cáo buộc nhà sư này ba năm trước đã khai không đúng thông tin cá nhân trong một sự việc riêng rẽ khác cũng liên quan tới nộp hồ sơ xin tư cách lưu trú với "một phụ nữ". Hiện chưa rõ phụ nữ này và phụ nữ kể trên có phải là cùng một người hay không.
Theo Bộ Tư pháp Nhật, số người nước ngoài ở lại Nhật bất hợp pháp (sau khi visa hết hạn) là khoảng 79.000 tính tới 1/7/2019, tăng 25% so với ba năm trước và hơn 13.000 người Việt thuộc diện này, là nhóm đông nhất.
Giáo sư Yoshihisa Saito từ Đại học Kobe được NHK dẫn lời nói để có tư cách vĩnh trú ở Nhật là không dễ dàng.
"Nhật rất nghiêm ngặt trong việc chấp nhận [tư cách vĩnh trú], đặc biệt là đối với người nước ngoài thuộc diện lao động kỹ năng thấp và do đó kết hôn là một cách để luồn lách," Giáo sư Saito nói. "Vì vậy hệ quả là ngày càng có nhiều người phạm pháp".
Hình ảnh trên kênh truyền hình NHK cho thấy một số cảnh sát có mặt tại chùa Đại Nam tại thành phố Himeji
'Sư lấy vợ'
Bình luận trong bài 'Nhà sư lấy vợ?' trên blog "Chú Thành", một người Nhật ẩn danh viết:
''... Rất bất ngờ vì một thầy theo Phật giáo Việt Nam đã khai "lấy vợ". Cũng như Nhật Bản và Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam cũng là Phật giáo Bắc Tông còn được gọi là Đại Thừa. Quy luật phải theo không nghiêm khắc so với Phật giáo Nam Tông. Nhưng, việc lấy vợ vẫn bị cấm.
Trong khi đó, ở Nhật Bản hiện nay, nhà sư lấy vợ cũng chuyện bình thường. Thầy Việt Nam "Nhập gia tùy tục" hay không thì vẫn chưa biết. Nhà sư nói với cảnh sát rằng, họ thực sự là vợ chồng. Nếu vậy thì thầy đã nhập gia tùy tục, còn, nếu họ làm vợ chồng giả vờ thì nhà sư giữ gìn tín ngưỡng của mình và bất đắc dĩ lấy vợ giả vờ để tiếp tục ở lại Nhật Bản.
Thế thì tại sao Phật giáo Nhật Bản cho phép nhà sư lấy vợ? Nói về hình thức thì đến thời Minh Trị, tức đến khoảng 150 năm trước, có luật riêng đối với nhà sư, ni cô. Trong đó, nghiêm cấm nhà sư lấy vợ, quan hệ tình dục của nhà sư, ni cô. Trong thời Edo, nhà sư, ni cô vi phạm luật này bị gửi tù ở hòn đảo xa, quan hệ với vợ, chồng người khác là tử hình.
Tuy nhiên, ở Nhật, cách áp dụng luật này thay đổi theo thời đại. Trong thời Kamakura và Muromachi, các phái Phật giáo đã cạnh tranh gay gắt, tự cải cách để thu hút nhiều tín đồ. Trong thời gian này, một số phái đã nới lỏng quy chế về việc lấy vợ. Với lý do là, trong thời Mạt Pháp (người Nhật tin rằng, thời Kamakura là thời Mạt Pháp) ai cúng được Phật tổ như lai cứu, thậm chí người trái với đạo đức, pháp luật cũng thế, để làm mẫu cho tín đồ, nhà sư dám phá quy luật.
Nhà sư Ikkyu, một trong những nhân vật chính trong phim hoạt hình Anime nổi tiếng, cũng là một nhà sư lấy vợ danh tiếng trong thời đó. Mặc dù lấy vợ nhưng tín đồ vẫn ngưỡng mộ, kính trọng nhà sư này. Có thể nói, ở Nhật Phật giáo phát triển độc đáo, có môi trường cho phép nhà sư lấy vợ từ xưa''.