03/05/20
Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund – IMF) công bố tài trợ 50 tỷ USD cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi coronavirus. Tổ chức cũng cảnh báo rằng dịch bệnh đã đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống dưới mức của năm 2019.
Biện pháp khẩn cấp được đưa ra sau khi virus Covid-19 lây lan nhanh ngoài Trung Quốc, tới hơn 70 quốc gia. Trong tuần đầu tháng 03/2020, các chính phủ và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã có hành động để giảm bớt tác động của dịch bệnh.
IMF cho biết số tiền tài trợ hiện đã sẵn sàng để giúp các nước nghèo, thu nhập trung bình và có hệ thống y tế yếu kém đối phó với dịch bệnh. Đồng thời, quỹ cho biết sự lây lan của dịch coronavirus đã xóa tan kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn trong năm 2020, và mức tăng sản lượng toàn cầu năm 2020 sẽ là chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Giám đốc của IMF, bà Kristalina Georgieva cảnh báo rằng thật khó để dự đoán ảnh hưởng sẽ lớn đến mức nào: "Tăng trưởng toàn cầu năm 2020 sẽ giảm xuống dưới mức của năm 2019, nhưng nó sẽ giảm bao nhiêu và trong bao lâu vẫn là điều khó đoán”. Bà cũng từ chối cho biết liệu cuộc khủng hoảng sức khỏe leo thang có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái hay không.
Đây là động thái mới nhất của các cơ quan tài chính toàn cầu, chính phủ thế giới và ngân hàng trung ương nhằm bảo vệ các nền kinh tế khỏi tác động của dịch bệnh. Hôm thứ Ba (03/03/2020), ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã cắt giảm lãi suất để đáp ứng mối lo ngại về tác động kinh tế của coronavirus.
Trong lần cắt giảm lãi suất khẩn cấp đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ FED đã hạ tỷ lệ điểm chuẩn xuống 50 điểm cơ bản xuống mức 1% đến 1,25%.
Trước đó cùng ngày, cả Australia và Malaysia đều cắt giảm lãi suất để đối phó với dịch bệnh. Đồng thời, các bộ trưởng tài chính từ các quốc gia nhóm G7 cũng cam kết áp dụng "tất cả các công cụ và chính sách phù hợp" để giải quyết các tác động kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Cũng trong tuần, Ngân hàng Thế giới đã cam kết viện trợ 12 tỷ USD cho các nước đang phát triển chật vật với sự lây lan của Covid-19. Gói khẩn viện trợ cấp bao gồm các khoản vay chi phí thấp, tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật.
Ở Anh, các kỳ vọng đang gia tăng rằng Ngân hàng Anh có thể sớm theo bước FED với tuyên bố cắt giảm lãi suất. Tân Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, có thể sẽ thông báo hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp Anh trong lần công bố ngân sách sắp tới.
NVP