Hầu hết nhân viên ngành điện ảnh làm việc theo ca dài với giờ giấc bất thường nên đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao và sức khỏe tốt.
Các ngành học mới như điện ảnh, video, hay nhiếp ảnh nổi lên trong những năm gần đây. Sinh viên những ngành này học tất cả những gì cần biết về sản xuất hình ảnh, từ kỹ năng tiền sản xuất như dựng kịch bản phân cảnh (storyboard), đến sản xuất như quay phim, đạo diễn và các kỹ năng hậu sản xuất như biên tập hình ảnh. Với một tấm bằng về điện ảnh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm nhiều ngành nghề như đạo diễn, nhà sản xuất, quay phim...
Chuyên ngành điện ảnh là gì
Chuyên ngành điện ảnh có thể được biết đến bằng nhiều cái tên như: phim và truyền hình, sản xuất phim ảnh, nghệ thuật phim ảnh, tuy nhiên ý tưởng chính đều giống nhau. Sinh viên sẽ theo học từng khía cạnh của quá trình sản xuất phim ảnh, vừa hoạt động độc lập lẫn làm việc nhóm để đưa từ ý tưởng thô sơ nhất đến các thước phim hoàn chỉnh chiếu trên màn ảnh. Đây là chuyên ngành thực tế, tập trung nhiều vào các kỹ năng cụ thể trên phim trường như xử lý âm thanh, ánh sáng, quay phim, biên tập, và nhiều khía cạnh khác.
Ảnh: Shutterstock.
Các môn học thường gặp
Hầu hết sinh viên khi bắt đầu theo đuổi chuyên ngành điện ảnh đều bắt đầu học những môn đại cương như lịch sử ngành, hay những kỹ năng cơ bản nhất. Sau đó, các khóa học sau sẽ dựa vào nền tảng những môn đại cương để phát triển kỹ năng của học sinh trong nhiều khía cạnh của ngành điện ảnh. Những môn học thường gặp ở trình độ này có thể kể đến như viết kịch bản, phim tài liệu, sản xuất nội dung quảng cáo... Ngoài ra, một số chương trình còn cho học sinh học những môn hiếm gặp như hoạt hình, hiệu ứng hình ảnh, hay thiết kế hình ảnh game.
Đến năm cuối, thường thì sinh viên sẽ tập trung vào một khía cạnh cụ thể, một số chọn viết kịch bản, hay quay phim, sản xuất. Những lựa chọn này thường phụ thuộc vào mong muốn, khả năng của sinh viên, và khả năng giảng dạy của từng trường. Đồng thời, bởi tính chất thực tiễn của ngành, sinh viên sẽ phải tham gia nhiều chương trình làm việc, thực tập để nâng cao tay nghề.
Tuy nhiên, do tính chất tập trung vào sản xuất sản phẩm của ngành điện ảnh, nhiều học sinh thường quyết định đầu tư nhiều chi phí vào quá trình sản xuất sản phẩm cá nhân, một yếu tố quyết định khả năng tuyển dụng của sinh viên sau khi ra trường. Bởi vậy, nếu quyết định theo đuổi chuyên ngành điện ảnh, bạn nên dành thời gian tiết kiệm khoản tiền nhỏ trước khi bắt đầu.
Liệu bạn có hợp với ngành điện ảnh?
Những sinh viên ngành điện ảnh nên có hứng thú với tất cả khía cạnh của quá trình sản xuất phim và hiểu rằng các khía cạnh, từ âm thanh ánh sáng đến lựa chọn địa điểm hay tuyển diễn viên, đều là tối quan trọng. Do làm phim là một quá trình cần nhiều đóng góp tập thể, kỹ năng làm việc nhóm ở nhiều vai trò khác nhau cũng rất cần thiết cho sinh viên điện ảnh.
Ngoài ra, khi vào thị trường làm việc chuyên nghiệp, hầu hết nhân viên phải làm theo ca dài với giờ giấc bất thường. Điều này đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao và sức khỏe tốt để đáp ứng nhu cầu công việc.
Bạn có thể làm gì sau khi tốt nghiệp?
Với bằng cử nhân về điện ảnh, bạn có thể là nhà sản xuất, đạo diễn, biên tập, quay phim..., hay nói một cách khác, bạn có điều kiện cần để thử sức với bất cứ vị trí nào trên phim trường.
Ngoài ra, những kỹ năng bạn có được cũng có thể áp dụng để làm các video âm nhạc, chương trình quảng cáo cho các công ty.
Một số sinh viên có thể tiếp tục học lên bậc cao học, nơi có thể phát triển hơn các kỹ năng, và học hỏi thêm về thị trường điện ảnh.