Lần thứ hai, trong vòng 6 tháng, Mỹ thử thành công tên lửa liên lục địa (ICBM) Minuteman III vào ngày 04/08/2020. Tên lửa được trang bị ba đầu đạn, phóng từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California và
bay được 6.760 km sau đó rơi xuống quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương. Tương tự lần thử ngày 05/02, Không Quân Mỹ khẳng định vụ thử đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng và không “nhằm đáp trả hoặc phản ứng về những sự kiện trên thế giới hoặc căng thẳng trong vùng”.
Tuy nhiên, khó có ai tin vào phát biểu này khi nhìn vào những căng thẳng trong thời gian gần đây với Bắc Kinh, đặc biệt là tham vọng trở thành cường quốc quân sự của Trung Quốc. Trong bản báo cáo liên quan đến quá trình hiện đại hóa của Hải Quân Trung Quốc (China Naval Modernization : Implications for U.S. Navy Capabilities - Background and Issues for Congress) được cập nhật ngày 30/07/2020, Vụ Khảo Cứu Quốc Hội Mỹ nhấn mạnh đến việc Hải Quân Trung Quốc đã có trong tay rất nhiều vũ khí tiên tiến, trong đó có tên lửa chống hạm (ASBM), tên lửa hành trình chống hạm (ASCM), tầu ngầm, tầu chiến, thiết bị bay không người lái, chiến đấu cơ và nhóm chức năng quân sự C4ISR (Chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính ; Tình báo quân sự ; Giám sát, thu thập thông tin về mục tiêu và trinh sát).
Hai thập niên Hoa Kỳ lơ là khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tập trung vào Trung Đông và Afghanistan đã tạo cho Trung Quốc cơ hội phát triển lực lượng hải quân hùng hậu, có khả năng bảo vệ bờ biển, ngăn Mỹ tiến gần. Theo một bài viết của David Lague đăng trên Reuters vào tháng 05/2020, Trung Quốc hiện có khả năng cạnh tranh, thậm chí còn trội hơn Mỹ về khả năng tên lửa. Lợi thế này có được là nhờ Trung Quốc không tham gia các hiệp định hạn chế vũ khí hoặc tên lửa tầm trung như Nga và Mỹ đã ký kết (INF, New START). Cường quốc Đông Á này đã triển khai khoảng 2.000 tên lửa liên lục địa hoặc tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.
Nếu không rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung (INF) - quy định các bên phải hủy bỏ tất cả các bệ phóng và hỏa tiễn đất đối đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km - Hoa Kỳ đã không thể tiến hành các vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất hoặc tên lửa xuyên lục địa.
Lần lượt vào tháng 12/2019, tiếp theo tháng 02 và 08/2020, quân đội Mỹ đã tiến hành thử tên lửa xuyên lục địa Minuteman III. Đây là loại hỏa tiễn địa đối không duy nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ từ năm 2005 và được triển khai tại ba căn cứ quân sự Mỹ ở Wyoming, Bắc Dakota và Montana. Có từ 50 năm, Minuteman III tiếp tục “được thử nghiệm để bảo đảm độ tin cậy cho đến năm 2030, khi chương trình GBSD (Ground Base Strategic Deterrent) được triển khai thay thế”, theo thông cáo của đại tá Omar Colbert, chỉ huy vụ thử ngày 04/08 được AFP trích dẫn.
Khống chế Trung Quốc ngay tại sân nhà ?
Vẫn theo bản báo cáo của Vụ Khảo Cứu Quốc Hội Mỹ, quân đội Trung Quốc được hiện đại hóa, có khả năng tác chiến cao, sẵn sàng can thiệp quân sự vào Đài Loan, nếu thấy cần thiết ; khống chế và chiếm hữu Biển Đông từ các nước láng giềng, bảo vệ thương mại hàng hải của Trung Quốc đến tận Vùng Vịnh để đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định vị trí cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.
Khống chế Trung Quốc ngay sát sườn là phương án được hai giáo sư trường Hải Chiến Mỹ James Holmes và Toshi Yoshihara gợi ý. Khác với tên lửa Trung Quốc, thường là tầm ngắn, được lắp cố định trên đất liền, Mỹ có thể lập vòng vây tên lửa lưu động trên tầu chiến được triển khai trong vùng hoặc cố định trên những chuỗi đảo của Mỹ ở Thái Bình Dương hoặc ở Nhật Bản. Philippines được cho là điểm khóa chốt cho vòng vây này. Tuy nhiên, tổng thống Duterte vừa cấm quân đội Philippines tham gia tập trận với Mỹ và ông luôn giữ lập trường nhún nhường với Trung Quốc. Ngoài ra, đội bay Super Hornet của Hải Quân Mỹ cũng như máy bay ném bom B-1 của Không Quân được trang bị tên lửa chống hạm Lockheed Martin, cũng sẽ được tăng cường yểm trợ trong trường hợp cần thiết.
Vụ thử tên lửa xuyên lục địa ngày 04/08, một lần nữa khẳng định chiến lược “phát triển tên lửa tầm xa tấn công từ mặt đất và tên lửa hành trình chống hạm” của Hoa Kỳ, vì “đây là phương tiện nhanh nhất để tái xây dựng hỏa lực tầm xa ở vùng tây Thái Bình Dương (nơi có Trung Quốc)”, theo nhận định của Robert Haddick, một cựu sĩ quan của Hải Quân Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchelle (Mitchelle Institut for Aerospace).