Thoa kem đánh răng, nước mắm lên vết bỏng càng làm tăng độ bỏng da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vết thương.
Theo bác sĩ Lê Vi Anh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, 4 nhóm nguyên nhân gây bỏng gồm: bỏng do nhiệt, bỏng do điện, bỏng do hóa chất và bỏng do tia xạ (hồng ngoại và tử ngoại).
Trong đó nguyên nhân phổ biến thường gặp trong đời sống hàng ngày là do nhiệt, điện và hóa chất. Nguyên nhân do nhiệt có hai dạng. Bỏng nhiệt khô do lửa, kim loại, tiếp xúc vật nóng, bàn là, ống bô xe máy... Bỏng do nhiệt ướt có hơi nước nóng, nước sôi, dầu mỡ nấu sôi... Bỏng do hóa chất gồm axit sulfuric, bazơ, vôi nấu sôi...
"Cuối năm là thời điểm mọi người thường nấu nướng nhiều, dọn dẹp tổng vệ sinh nhà cửa... nên dễ gặp các tác nhân gây bỏng, cần hết sức cẩn thận", bác sĩ Anh khuyến cáo.
Bỏng được chia thành 5 cấp độ. Trong đó cấp độ một là bỏng bề mặt, chỉ lớp da ngoài bị tổn thương, đỏ da. Cấp độ hai là bỏng ở thượng bì da, cấp độ ba là bỏng ở trung bì, cấp độ 4 là bỏng toàn bộ da. Nặng nhất, bỏng cấp độ 5 là bỏng toàn bộ da, sâu xuống các mô dưới da. Bỏng được xác định là nguy hiểm khi bỏng diện tích 25% da ở cấp độ 1-3 và 10% da ở cấp độ 4, 5.
Những phương pháp dân gian làm mất thời gian vàng trong xử lý bỏng, nâng cấp độ bỏng cao hơn, có thể từ 1-2 lên 3-4. "Thường mọi người thoa kem đánh răng để làm mát dịu vết bỏng. Tuy nhiên trong kem đánh răng có tính kiềm nhẹ, chất kiềm này sẽ làm vết bỏng nặng hơn. Còn nước mắm chứa nhiều protein là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, nảy nở", bác sĩ Anh phân tích.
Bác sĩ Anh khuyên khi bị bỏng cần nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng. Nếu quần áo bị cháy hay dính hóa chất cần lấy kéo cắt bỏ. Tháo nhẫn, giày dép để làm thoáng vùng bỏng. Rửa sạch vùng bỏng, sau đó làm lạnh vùng bỏng ở nhiệt độ 10-25 độ trong 15-20 phút giúp giảm nhiệt độ trên bề mặt và giảm nhiệt độ đi xuống sâu các mô da. Dùng gạc sạch che vùng bỏng, sau đó đưa người bị nạn đến bệnh viện.
"Tuyệt đối không dội nước đá lạnh lên vùng da tổn thương sẽ làm tăng mức độ tổn thương và độ sâu vết bỏng", thạc sĩ, bác sĩ Phan Thái Sơn - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết thêm.
Theo bác sĩ Sơn, dội nước đá lạnh lên vết bỏng là rất nguy hiểm. Nhiệt độ của nước đá thấp hơn nhiệt độ của cơ thể rất nhiều. Nếu bỏ nhiều đá, nhiệt độ nước có thể xuống gần 0 độ C. Trong khi đó, tại chỗ bị bỏng nhiệt độ có thể lên đến 45 đến 50 độ C. Do đó nếu dùng nước đá để hạ nhiệt độ nhanh sẽ làm tình trạng tổn thương bỏng nặng hơn.
|