5 diễn viên Việt thuê chung một phòng trọ thời dịch. Diễn viên trẻ Việt Nam đang trải qua thời kỳ hết sức khó khăn, gần hai tháng ở nhà vì dịch, diễn viên Khải Đăng, Ngọc Tiến không có thu nhập. Họ được cha mẹ gửi đồ ăn ở quê lên để cầm cự qua ngày.
Khải Đăng (26 tuổi) là diễn viên của sân khấu kịch 5B. Ra trường 3 năm, anh chứng kiến cảnh sân khấu tại TP.HCM nhiều lần đóng cửa vì dịch. Để trang trải cuộc sống, anh phải làm thêm nghề chạy xe ôm, giao hàng kiếm thêm thu nhập.
Thế nhưng, kể từ khi TP.HCM trở thành tâm dịch vào cuối tháng 5 đến nay, anh hầu như ở nhà, hạn chế ra ngoài. Không đi diễn, không chạy xe ôm, thu nhập của Khải Đăng bằng 0.
Giống Khải Đăng, nhiều nghệ sĩ của sân khấu kịch TP.HCM lâm vào tình cảnh khó khăn khi đại dịch bùng phát trở lại.
5 diễn viên thuê chung một phòng trọ
"Hai tháng qua, tôi thất nghiệp, không có chi phí hỗ trợ. Tiền thuê trọ, tiền ăn uống, đi lại hàng ngày khiến tôi áp lực. May mắn, tôi được NSƯT Mỹ Uyên và nghệ sĩ Hữu Quốc hỗ trợ một phần về lương thực, thực phẩm nên cũng đỡ", Khải Đăng mở lời với ****.
Diễn viên 26 tuổi kể để giảm bớt áp lực tài chính, anh cùng bốn đồng nghiệp thuê chung một phòng trọ. Tiền thuê nhà hàng tháng mỗi người khoảng 1 triệu đồng, cộng thêm chi phí điện nước tầm 200.000 đồng.
Khải Đăng cho biết anh gặp khó khăn trong thời dịch. Ảnh: Phương Lâm.
Khải Đăng cho biết trước đây, anh vừa hoạt động ở sân khấu kịch, vừa làm thêm nghề tay trái là giao hàng nên không gặp khó để chi trả tiền thuê nhà, ăn uống. Song khi đại dịch xảy đến, tài chính thất thu, anh phải lấy tiền tiết kiệm từ trước để trang trải qua ngày.
"Trước đây, tôi còn xoay xở được nhưng hai tháng qua thì bất lực", anh cho biết.
Theo Khải Đăng, khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, cha mẹ ở quê nhà Tiền Giang đã vội vàng gửi đồ ăn, rau củ lên tiếp tế cho anh.
"Ra bến xe nhận thùng đồ ăn của mẹ trước ngày TP.HCM chính thức tạm ngừng các dịch vụ ăn uống mang về từ 9/7, tôi xúc động và muốn khóc. Từ khi ra trường, tôi luôn nỗ lực để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Nhưng giờ đuối quá rồi, tôi lại làm phiền cha mẹ", diễn viên chia sẻ.
Khải Đăng tâm sự cha mẹ chưa bao giờ đặt áp lực tài chính lên vai anh. Ở dưới quê, hai đấng sinh thành có công việc và tự trang trải cuộc sống.
"Trong mỗi lần nói chuyện, cha mẹ thường nói: 'Con không cần lo cho cha mẹ. Con tự lo cho bản thân tốt là cha mẹ vui rồi'. Mẹ tôi cũng khuyên không vì miếng cơm manh áo mà bỏ nghề diễn viên", anh nói.
Dù khó khăn cũng không từ bỏ sân khấu
Cùng chung phòng trọ với Khải Đăng là diễn viên Ngọc Tiến (29 tuổi). Anh tâm sự cuộc sống khó khăn trong thời dịch. Có những ngày, hai diễn viên phải chạy qua nhà của nghệ sĩ Hữu Quốc để ăn cơm.
Khi được hỏi về việc có thay đổi nghề sau khi hết dịch Covid-19, Hữu Tiến khẳng định: "Nếu chỉ vì khó khăn tạm thời mà từ bỏ công việc này để tìm nghề khác nhiều tiền hơn thì câu trả lời là không. Ai từng diễn ở sân khấu và ăn cơm Tổ thì không bỏ nghề được".
Lý giải câu trả lời của mình, nam diễn viên 29 tuổi cho biết diễn xuất là đam mê từ nhỏ của anh. Khi lớn lên, hoạt động ở sân khấu 5B, anh được NSƯT Mỹ Uyên và Hữu Quốc cưu mang, chỉ bảo từng ngày.
Ngọc Tiến (bên phải) khẳng định sẽ không từ bỏ nghề diễn viên. Ảnh: Phương Lâm.
Ngọc Tiến tâm sự khoảng thời gian ở nhà vì dịch, nỗi nhớ lớn nhất của anh là sân khấu. Mong muốn hiện tại của anh là dịch bệnh sớm được đẩy lùi để các diễn viên trẻ được quay lại sân khấu và phục vụ khán giả.
"Khi dịch qua đi, kinh tế người dân ổn định, họ sẽ có tiền và thời gian để đến sân khấu xem kịch. Ngày bình thường, tôi làm công việc tay trái để tăng thu nhập. Cuối tuần lại lên đồ, diễn ở sân khấu. Thực sự, ánh đèn sân khấu và những tràng pháo tay của khán giả có sức mê hoặc tôi", anh bày tỏ.
Diễn viên sân khấu tham gia vào chương trình thiện nguyện của nghệ sĩ Hữu Quốc. Ảnh: Phương Lâm.
Trong những ngày qua, Khải Đăng và Ngọc Tiến đồng hành cùng chương trình bếp Chia sẻ yêu thương của nghệ sĩ Hữu Quốc tại quận 10. Hai anh cùng vào bếp, sơ chế nguyên liệu, đóng gói và gửi những phần ăn tới bà con nghèo ở khu phong tỏa, cách ly trên địa bàn TP.HCM.
Ngọc Tiến nhớ lại ngày đầu chạy xe máy đi trao đồ ăn cho người dân nghèo ở quận 8, anh xót xa khi chứng kiến những mảnh đời cực khổ, ở trong túp nhà lụp xụp, tồi tàn.
"Một số bà con khóc khi nhận cơm từ tay tôi. Họ gửi lời cảm ơn và động viên chúng tôi giữ gìn sức khỏe để bếp ăn được tiếp tục. Vì nếu một trong số các thành viên của nhóm mắc Covid-19, bếp ăn sẽ không hoạt động được. Tôi sẽ đồng hành cùng chương trình đến khi dịch được đẩy lùi hoặc tài chính của bếp ăn cạn kiệt", nam diễn viên kể.
Giống Khải Đăng, Ngọc Tiến, Hải Triều cho biết từ khi sân khấu đóng cửa vì dịch bệnh, anh hầu như ở nhà, không ra ngoài. Thu nhập của nam diễn viên bị giảm sút. Để trang trải cuộc sống và chi trả tiền thuê nhà, anh nhận livestream bán hàng.
Thời gian rảnh trong ngày, anh vào bếp nấu các món ăn, tập thể dục để giữ sức khỏe.
"Hàng tháng, cha mẹ tôi cũng gửi đồ ăn từ dưới quê lên. Nói chung ở thời điểm này, tôi cố gắng tiết kiệm hết mức có thể. Một số đồng nghiệp cũng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi cần. Bây giờ tôi chỉ mong hết dịch Covid-19 để đi làm trở lại", Hải Triều bày tỏ.
VietBF@ sưu tập