Một người đàn ông đã sử dụng máy bơm để hút cạn nước trong ao cá vì ông phát hiện trong ao cá khoảng 1.000 con cá bột của mình bỗng bị giảm đi quá nửa. Quả thực sau khi hút hết nước trong ao. Ông còn phát hiện thêm một cái xác chim đã bị rỉa thịt.
Ông quyết định sẽ truy lùng 'thủ phạm' đã ăn thịt con chim này, 'thủ phạm' nhanh chóng bị phát hiện khi đang ẩn mình dưới bụi cây, thì ra đó là một... con rùa! Thế nhưng nó không phải là một con rùa bình thường mà người này phải rất cẩn thận nếu không sẽ bị nó cắn vào tay.
Khi đem lên khỏi ao rồi rửa nước thì danh tính thực sự của con rùa mới bắt đầu sáng tỏ, nó là một con rùa đớp (danh pháp khoa học là Chelydra serpentina). Loài rùa này phân bố chủ yếu ở châu Mỹ nhưng giờ đây đã trở thành loài rùa cảnh được yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới.
Chúng có tuổi thọ cao, hình dáng hơi lạ mắt, rất ít bị bệnh tật và thích nghi rất tốt với nhiều loài môi trường vì bản tính ăn tạp của mình. Cùng với rùa cá sấu, rùa đớp sở hữu lực cắn rất mạnh (đủ để cắn đứt ngón tay người nếu là các con rùa lớn).
Năm 2002, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Journal of Evolutionary Biology cho thấy rùa đớp có lực cắn trong khoảng 208 đến 226 Newton. Để dễ hình dung thì lực cắn của con người rơi vào khoảng 300 đến 700 Newton.
Do đặc tính ăn tạp và thích nghi cao với môi trường mới nên rùa đớp bị xem là loài xâm lấn gây hại ở nhiều quốc gia như Ý, Nhật Bản... Trong Sách đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) thì chúng xếp vào hạng mục Ít quan tâm.