Các loại thực phẩm hay chất bổ sung dinh dưỡng không thể chữa khỏi bệnh viêm xương khớp, nhưng theo Tổ chức viêm khớp, chế độ ăn phù hợp có thể cải thiện các triệu chứng của liên quan đến khớp và sụn khớp.
Sau tuổi 30, cơ thể bắt đầu ngừng sản sinh một số chất như canxi hay glucosamine. Đây là hai chất cần thiết để sản sinh ra sụn khớp, các thành phần giúp bôi trơn đốt sống. Chính vì vậy việc thiếu hụt hai loại chất này sẽ gây ra các tình trạng lão hoá xương khớp.
Theo thống kê, 12% người trên 55 tuổi và 6% những người trên 30 tuổi đều gặp phải tình trạng thoái hoá xương khớp này. Do đó, không nên chủ quan và nên chăm sóc xương khớp ngay từ tuổi 30.
Ảnh minh họa
Để phòng các bệnh xương khớp, nhiều chị em truyền tại nhau mua thực phẩm chức năng để bổ sung. Tuy nhiên nhiều người vẫn không lường hết được hậu quả nặng nề cho sức khỏe nếu dùng tùy tiện. Việc bổ sung phải đúng với nhu cầu, không thiếu thì không cần bổ sung, bổ sung quá mức cũng có thể gây hại cho cơ thể.
Theo các chuyên gia, việc bổ sung thừa canxi có thể ức chế việc hấp thu các chất khác như sắt và kẽm, khiến cơ thể có nguy cơ thiếu hai chất này. Mặt khác, thừa canxi còn gây quá tải cho thận, nếu vẫn tiếp tục bổ sung quá nhu cầu cơ thể trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận...
Bổ sung dinh dưỡng cho xương khớp từ những thực phẩm tự nhiên
Theo các chuyên gia y tế, ngay từ trẻ cơ thể chúng ta có thể tự tổng hợp glucosamine qua các thực phẩm tự nhiên, các chất này phổ biến trong các nhóm thực phẩm sau:
Ảnh minh họa
Các thực phẩm giàu axit béo Omega-3
Omega-3 có nhiều trong các loại cá đặc biệt là mỡ cá như cá thu, cá ngừ, cá hồi, tôm, cua… Axit béo Omega-3 trong cá là chất có tác dụng ngăn cản phản ứng của hệ miễn dịch, giúp tránh gây viêm khớp và làm giảm các chứng đau mỏi.
Rau xanh và trái cây
Rau xanh và trái cây là những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin K, vitamin C, canxi, chất xơ. Đây là những chất rất tốt cho người mắc bệnh xương khớp, góp phần cải thiện tình trạng viêm khớp, giảm nguy cơ loãng xương,.. Chất canxi có trong các loại rau cải như cải thìa, cải bẹ trắng, cải thảo… hoặc vitamin C trong các loại trái cây như dứa, chanh, bưởi, đu đủ...
Sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa chứa nhiều vitamin D và chất cấu tạo nên xương khớp là canxi. Do vậy, việc uống sữa đều đặn hằng ngày sẽ giúp giảm tối thiểu tình trạng loãng xương, giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ và cột sống lưng. Những người thường xuyên phải khuân vác nặng hay dân văn phòng nên bổ sung đủ lượng sữa hàng ngày để giảm thiểu nguy cơ thoái hoá cột sống.
Trà xanh
Trong thành phần của trà xanh có chứa một hàm lượng đáng kể chất flavonoid, đây là chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ loãng xương. Các chuyên gia khuyên rằng, không nên uống trà xanh trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Không nên uống quá 3 cốc nước trà xanh mỗi ngày vì có thể gây ra tình trạng đau đầu, thở gấp, rối loạn tầm nhìn hoặc triệu chứng khó tiêu hóa ở một số người.
Ngũ cốc
Trong các loại ngũ cốc, đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều vitamin và khoáng chất có khả năng tăng miễn dịch, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa và làm chậm quá trình oxy hóa. Thường xuyên bổ sung ngũ cốc như lúa mạch đen, gạo lứt, lúa mì, bắp rang… vào cơ thể sẽ tăng sức khoẻ cho xương khớp, phòng tránh nguy cơ loãng xương.