Canh măng là món khoái khẩu của nhiều người trong dịp Tết, nhưng nếu chế biến không đúng cách thì nó có thể biến thành độc dược, gây hại cho sức khỏe.
Canh măng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của nhiều gia đình Việt trong dịp Tết Nguyên Đán, bao gồm cả măng tươi và măng khô. Thế nhưng, ít ai biết rằng cả hai loại măng này đều có nguy cơ gây hại cho sức khỏe khi sử dụng.
Hiểm họa khôn lường từ bát canh măng ngày Tết
Với măng tươi, nó có chứa hàm lượng cyanide cao (khoảng 230mg/kg măng củ), nên nếu không chế biến kỹ hoặc ăn quá nhiều cũng có thể gây hại tới một số cơ quan trong cơ thể, bao gồm gan. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, nếu ăn măng tươi thì nên luộc đi luộc lại nhiều lần trước khi chế biến để giảm chất độc trong măng.
Với măng khô, nếu mua hàng trôi nổi bạn có thể mua phải măng “ngậm” hóa chất bảo quản, trong đó bao gồm lưu huỳnh – chất thường dùng để xông măng khi sấy khô để chống mốc. Trong quá trình sơ chế và chế biến, lưu huỳnh có trong măng rất khó để loại trừ được hết. Một khi chất độc này đi vào cơ thể, nó sẽ gây hại cho sức khỏe.
Cụ thể, nếu ăn măng khô chứa hàm lượng lưu huỳnh thường xuyên, người dùng có thể bị tổn thương về gan, hệ thần kinh, thay đổi hành vi, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết. Trong trường hợp cấp tính, người dùng sẽ có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu, tức ngực.
Ngoài ra, măng khô không có giá trị dinh dưỡng gì. Ngược lại, chúng chứa chất xơ không hòa tan, có thể gây rối loạn tiêu hóa, tắc ruột nếu ăn nhiều, đặc biệt là đối với người già – những người có nhu động ruột kém.
Cách chọn và sơ chế măng khô trước khi nấu
Nếu sấy lưu huỳnh, măng khô sẽ có mùi nồng nặc, rất khó chịu nên bạn có thể đưa lên mũi ngửi khi chọn mua. Tuy nhiên, vẫn rất khó để nhận biết măng an toàn và măng “ngậm” hóa chất bằng mắt thường và ngửi, vì vậy tốt nhất bạn nên mua măng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Sau khi mua măng về, bạn nên rửa sạch rồi ngâm măng bằng nước ấm hoặc nước vo gạo trong 2-3 ngày để loại bỏ độc tố trong măng cũng như giúp măng mềm hơn. Lưu ý, bạn cần thay nước ngâm măng hằng ngày.
Ngoài việc ngâm măng kỹ lưỡng, trước khi nấu bạn cũng nên luộc măng nhiều lần, mỗi lần nên luộc khoảng 30 phút và nhớ thay nước sau mỗi lần luộc. Khi luộc, bạn cũng nên cho chút muối vào để giúp măng mềm hơn. Khi nước luộc trong và măng mềm, bạn hãy vớt măng ra, chờ nguội và ráo nước rồi chế biến.