Theo American Red Cross, trên thế giới hiện nay có 4 nhóm máu Bombay, Rh-null, Lutheran, Rh âm tính được xem là quý hiếm nhất vì tỷ lệ người sở hữu nó chỉ là 1/1.000. Trong đó, sự xuất hiện của Rh âm tính hay Rh (-) trở thành điều bí ẩn với giới chuyên gia.
Nhóm máu bí hiểm
Theo Carter Blood Care, năm 1937, hai nhà khoa học Karl Landsteiner và Alexander Weiner phát hiện nhóm máu mới mang tên rhesus hay Rh. Protein rhesus được đặt theo tên của loài khỉ rhesus, cũng mang gene này và là một loại protein sống trên bề mặt của các tế bào hồng cầu.
Protein này cũng thường được gọi là kháng nguyên D. Khi truyền máu, ai có nhóm máu Rh dương tính thì có thể nhận máu từ người có nhóm máu Rh âm tính. Song, người có nhóm máu Rh (-) hay Rh âm tính thì không thể nhận máu từ người có nhóm máu dương tính.
Nói một cách đơn giản, Landsteiner và Weiner đã phát hiện ra rằng nhóm máu có thể là Rh dương tính hoặc Rh âm tính, nhân đôi nhóm máu thường được biết đến từ 4 (A, B, AB và O), lên 8 nhóm mà chúng ta biết ngày nay.
Điều khiến Rh (-) trở thành nhóm máu bí ẩn nhất thế giới đó là không ai có thể giải thích nguồn gốc của những người mang nhóm máu này. Nhiều nhà nghiên cứu về yếu tố máu cho rằng những người này là kết quả của một đột biến ngẫu nhiên, nếu không phải là hậu duệ của một tổ tiên khác.
Trong khi đó, một số bằng chứng cho thấy nhóm máu Rh (-) đã xuất hiện khoảng 35.000 năm trước và không theo con đường tiến hóa thông thường. Nhóm máu này đã được chứng minh rằng ít có khả năng đột biến nhất trong tất cả các loại máu.
Các tế bào hồng cầu mang oxy đến tất cả tế bào và mô trong cơ thể. Nếu chúng ta mất nhiều máu trong phẫu thuật hoặc tai nạn, chúng ta cần bổ sung lượng máu đã mất đi. Do đó, hàng trăm triệu người phải nhờ đến ngân hàng máu trên khắp thế giới trong những trường hợp nguy cấp này.
Sẽ thật đơn giản nếu tất cả chúng ta đều có cùng huyết thống. Nhưng điều đó lại không xảy ra. Trên bề mặt của mỗi một tế bào hồng cầu có tới 342 phân tử kháng nguyên có khả năng kích hoạt việc sản xuất các protein chuyên biệt gọi là kháng thể. Chính sự hiện diện hay vắng mặt của các kháng nguyên đặc biệt quyết định nhóm máu của ai đó.
Gần 160 loại kháng nguyên được xem là thông thường - chúng được tìm thấy trong hồng cầu của phần lớn con người trên Trái Đất. Nếu ai đó thiếu một kháng nguyên mà 99% những người còn lại có, thì nhóm máu của họ được coi là hiếm. Nếu ai đó thiếu một kháng nguyên mà 99,99% dân số Trái Đất có, thì dòng máu ấy được coi là cực hiếm.
Có 35 hệ thống nhóm máu, được tổ chức theo các gene mang thông tin để tạo ra các kháng nguyên trong mỗi hệ thống. Trong đó Rh là hệ lớn nhất với 61 kháng nguyên. Không hiếm người thiếu những kháng nguyên này. Điển hình như 15% người Caucasia bị thiếu kháng nguyên D - loại kháng nguyên quan trọng nhất của Rh, khiến họ mang nhóm máu RhD âm. Ngược lại, nhóm máu Rh âm tính lại ít gặp ở người châu Á (chỉ 0,3% dân số).
Nguy hiểm khi mẹ và con mang hai nhóm máu Rh trái dấu
Người có Rh (-) trong máu được truyền bằng máu có kháng nguyên Rh (+) sẽ xuất hiện kháng thể chống Rh, gây ngưng kết hồng cầu, sinh ra tai biến. Thống kê cho thấy tỷ lệ mang nhóm máu Rh (-) của người Việt là 0,08% (rất hiếm).
Mối nguy nhất với những người mang nhóm máu Rh âm tính đó là khi họ mang thai, đứa trẻ có nhóm máu Rh (+). Thông thường, máu của người mẹ sẽ không trộn lẫn với máu của em bé khi mang thai. Song, một lượng nhỏ máu của em bé có thể tiếp xúc với máu của người mẹ khi sinh hoặc trong lúc sản phụ bị chấn thương vùng bụng.
Theo Mayo Clinic, hai nhóm máu Rh trái dấu tiếp xúc khiến cơ thể người mẹ tạo ra protein kháng lại các tế bào hồng cầu của con. Các kháng thể được tạo ra không phải vấn đề trong lần mang thai đầu tiên. Mối nguy là ở lần mang thai tiếp theo. Nếu em bé tiếp tục có Rh (+), những kháng thể này đi qua nhau thai và tấn công, tiêu diệt tế bào hồng cầu của bé.
Kết quả, thai nhi bị thiếu máu, đe dọa tính mạng vì các tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn mức mà cơ thể bé có thể tạo ra để thay thế. Nó còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm khác như sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc đứa trẻ sinh ra bị thiểu năng trí tuệ.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nếu mang nhóm máu Rh âm tính, bà mẹ nên xét nghiệm kháng thể trong tám cá nguyệt đầu tiên và khi sinh. Khi các kháng thể Rh chưa hình thành, bác sĩ có thể tiêm cho sản phụ gloubin miễn dịch, giúp ngăn hiện tượng sản xuất kháng thể này trong thời kỳ mang thai.
|