Mỹ phát quá nhiều tiền cho người dân và giờ đây họ đang phải nếm trái đắng.
Trong khi cả thế giới đang đau đầu vì cơ bão giá thì tình hình tại Trung Quốc lại khá bình ổn. Các chỉ số giá tiêu dùng cho thấy Trung Quốc và Nhật Bản đang vững vàng trước đà tăng lạm phát trên toàn cầu. Nếu lạm phát tại Mỹ đạt 8,5% trong tháng 3/2022, mức cao nhất 40 năm thì Anh cũng đạt con số 7%, cao nhất 30 năm. Trái lại, Trung Quốc chỉ ghi nhận mức lạm phát 1,5% trong tháng 3/2022.
Vậy điều gì đang diễn ra?
Lạm phát tại Trung Quốc đang khá trầm lặng so với nhiều nước giàu
Hãng tin Bloomberg nhận định những số liệu này khiến các học thuyết về lạm phát trở nên xa rời thực tiễn bởi đáng lẽ những thị trường mới nổi, nơi hệ thống logistic còn yếu kém còn các nhà môi giới hàng hóa có ít sự lựa chọn mới là nơi chịu thiệt hại nặng nhất chứ không phải Mỹ hay Châu Âu.
Tuy nhiên bất ngờ thay, Trung Quốc, một nền kinh tế đang phát triển lại dạy cho cả Mỹ lẫn Châu Âu 1 bài học đắt giá về lạm phát trong bối cảnh xung đột tại Ukraine diễn ra.
Cái giá của việc quá giàu
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cho rằng chính sự đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như cuộc xung đột tại Ukraine là nguyên nhân chính khiến giá cả leo thang. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc duy trì chiến lược "Zero Covid" cũng khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị đình trệ.
Ví dụ mới nhất là Thượng Hải, khu cảng biển đông đúc nhất của thế giới đã bị cách ly dập dịch, khiến hàng loạt hàng hóa từ thiết bị điện tử đến đồ chơi tắc nghẽn trên các con tàu chở hàng.
Tuy nhiên Bloomberg nhận định đấy mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, việc Mỹ tung quá nhiều tiền ra thị trường mới là nguyên nhân chính khiến lạm phát bùng nổ lan rộng như hiện nay.
Đại dịch Covid-19 khiến chính quyền Washington "tặng" mỗi người dân 3.200 USD cho các chương trình kích thích kinh tế. Đó là chưa kể đến 600 USD/tuần trợ cấp thất nghiệp cùng nhiều chương trình hỗ trợ lương thực khác. Thế rồi chính sách giảm thuế chăm lo trẻ em năm 2021 cùng vô vàn các chương trình khác.
Số liệu của JP Morgan Chase tính đến cuối năm 2021 cho thấy số dư tài khoản của các hộ gia đình thu nhập thấp ở Mỹ vẫn cao hơn 65% so với thời điểm năm 2019. Tỷ lệ này là 35% với những hộ nằm trong top 25% có thu nhập cao nhất.
Nghiên cứu của Morgan Chase cho thấy phần lớn người dân dùng số tiền được phát này đi mua sắm khi họ bị hạn chế đến các nhà hàng hay tụ tập. Nói cách khác, tiền được tiêu cho những sản phẩm hữu hình nhiều hơn là dịch vụ trong khi chính những sản phẩm hữu hình này lại rất nhạy cảm về lạm phát.
Thậm chí Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) dù nâng lãi suất nhưng vẫn chấp nhận mua vào trái phiếu chính phủ để cung thêm tiền ra thị trường vào tháng trước.
Trái ngược lại, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) lại khá thận trọng nhưng đầy quyết đoán trong từng bước đi khi không muốn bước theo lối điều hành kinh tế của những "ông nhà giàu" như Mỹ. Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng nổ tại Vũ Hán năm 2020, Trung Quốc đã hạ lãi suất. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau PBOC lại đảo ngược chính sách nhằm kiềm chế lạm phát.
Trong cả năm 2021, dù mang tiếng tung tiền cứu nền kinh tế nhưng chính phủ nước này cũng cố gắng giải quyết nợ xấu, nhất là tình trạng nóng quá mức của thị trường bất động sản để đảm bảo bình ổn hệ thống tài chính, kinh tế, xã hội.
Không tung tiền vô tội vạ như Mỹ, Trung Quốc luôn cân bằng giữa việc bơm tiền và kiểm soát bởi họ nhận thức được nền kinh tế còn nhiều bất ổn, nhất là khi phải duy trì chiến lược "Zero Covid".
Nhận thức được vấn đề
Khâu đầu tiên để giải quyết bất kỳ vấn đề nào là phải nhận thức được vấn đề trước đã. Vậy nhưng các chuyên gia kinh tế Phương Tây thì lại dự đoán sai hết về đà lạm phát hiện nay hoặc đều cho rằng việc tăng giá không nghiêm trọng như vậy.
Trong khi cả thế giới chê cười những hình ảnh người dân Trung Quốc tranh nhau tích trữ hàng khi cách ly một khu vực nào đó thì bây giờ câu chuyện đã lan ra cả thế giới. Hình ảnh người dân xếp hàng "xin ăn" tại các ngân hàng thực phẩm cho người nghèo tràn lan ở Anh hay Mỹ.
Khi xung đột Ukraine diễn ra, Trung Quốc cũng chịu tổn thương bởi quốc gia này là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới về dầu mỏ lẫn lương thực. Thế nhưng trái với các nước Phương Tây chỉ biết vung thêm tiền từ nguồn thuế của nhân dân cho các chương trình trợ cấp, trợ giá thì Trung Quốc lại nhận thức được sự nghiêm trọng của tình hình từ trước đó và có các phương án chuẩn bị.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã xây các kho dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết, từ thịt lợn cho đến ngũ cốc. Từ lâu, chính phủ Trung Quốc đã vận hành nhuần nhuyễn chương trình dự trữ lương thực. Họ mua vào nhiều loại thực phẩm chiến lược như ngũ cốc hay thịt lợn với giá rẻ rồi tung ra thị trường khi thiếu nguồn cung hoặc giá quá cao để bình ổn.
Tờ SCMP cho biết Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng kho dự trữ lương thực quốc gia từ năm 1990 và hiện đã tích trữ được lượng lớn các loại nhu yếu phẩm từ ngũ cốc đến thịt lợn.
Năm 2018, tổng mức dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc đạt khoảng 120 triệu tấn ngô, 100 triệu tấn gạo, 74 triệu tấn lúa mì và 8 triệu tấn đậu nành. Lượng dự trữ này đảm bảo được nửa tháng cung ứng cho các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình tự cung tự cấp rau xanh cũng được thực hiện và kiểm tra thường xuyên.
Năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng chương trình an ninh lương thực dài hạn mang tên "Rổ rau", qua đó yêu cầu các thành phố lớn phải đảm bảo cung ứng được những lương thực phi ngũ cốc như rau, thịt với mức giá phải chăng và vệ sinh an toàn cho người dân vào lúc cần thiết.
Thành phố Vũ Hãn, nơi bùng phát dịch đầu tiên của Trung Quốc là một trong 35 đô thị lớn được chính quyền trung ương kiểm tra 2 năm/lần về kế hoạch này. Nhờ đó mà an ninh lương thực của người dân vẫn được đảm bảo sau lệnh giãn cách.
Các thành phố sẽ được chấm điểm cao trong những lần xét duyệt trên nhờ vào các cải tiến như cơ sở hạ tầng cho giao hàng trong khu dân cư, tủ lấy đồ có mật mã, phân bổ điểm kinh doanh thực phẩm như siêu thị, chợ dân sinh...
Những cuộc kiểm tra trên đều khá nghiêm ngặt nhằm đảm bảo mạng lưới cung ứng thực phẩm đến được với mọi hộ gia đình. Thậm chí chính các địa phương cũng tự đặt ra các mục tiêu rõ ràng tùy tình hình nhằm thực hiện cam kết với chương trình "Rổ rau".
Để đạt được những mục tiêu này, chính quyền địa phương phải có một kế hoạch chặt chẽ nhằm bảo hộ đất nông nghiệp cũng như duy trì hoạt động trồng lương thực. Nhiều thành phố của Trung Quốc có những vùng đất rộng quanh khu đô thị chính và nhờ các trang trại bao quanh mà họ có thể đạt được mục tiêu này.
Trong khi nhiều nước giàu có Phương Tây đã quên câu chuyện đói ăn hay lạm phát, lầm tưởng với những con số tăng trưởng, GDP thì Trung Quốc vẫn nhớ rất rõ nhiệm vụ của mình. Chính quyền Bắc Kinh coi sự tăng giá hay lạm phát là vấn đề có thể ảnh hưởng đến địa chính trị và gây bất ổn xã hội. Bởi sự coi trọng này mà dù lạm phát tại Trung Quốc có cao đến đâu thì giá thực phẩm vẫn luôn được bình ổn.
Bất cứ khi nào giá thực phẩm tăng là chính phủ lại vào cuộc nhanh chóng nhằm trấn an người dân cũng như giải quyết tình hình, từ đợt tăng giá hoa quả mùa hè năm 2019 đến giá thịt lợn năm 2020 hay những hình ảnh người dân đổ xô tích hàng trong siêu thị năm 2021 đều được giải quyết nhanh chóng.
Vấn đề này có lẽ khó xuất hiện ở Phương Tây hay nhiều nước giàu, bởi các chính trị gia sẽ chỉ quan tâm đến những cử tri và lá phiếu của họ. Chừng nào người dân vẫn còn tiền trong túi, lương vẫn tăng kịp đà lạm phát thì có lẽ chẳng mấy ai thực sự cảm thấy vấn đề hàng hóa ngày một đắt đỏ hơn có thể đe dọa đến an ninh xã hội.
VietBF @ Sưu tầm