3/19
Sáng 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí về hai nhóm vấn đề.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chịu trách nhiệm trả lời chính nhóm vấn đề thứ nhất gồm: Giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, nhất là án hành chính, hình sự về kinh tế, tham nhũng; công tác cán bộ; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ của thẩm phán và công chức ngành; phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành.
Ngoài ra, Chánh án TAND Tối cao sẽ tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; triển khai nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, chuẩn bị điều kiện xét xử trực tuyến.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình một số nội dung tại phiên họp Quốc hội, tháng 11/2022. Ảnh: Media Quốc hội
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình một số nội dung tại phiên họp Quốc hội, tháng 11/2022. Ảnh: Media Quốc hội
Báo cáo kết quả giải quyết, xét xử vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng giai đoạn 2018-2022, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết tòa án các cấp đã thụ lý hơn 12.700 vụ; xét xử hơn 12.200 vụ với khoảng 25.000 bị cáo, chủ yếu liên quan các tội: Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; sản xuất, buôn bán hàng cấm; tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Quá trình giải quyết, tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; chú trọng tịch thu tài sản thông qua kê biên, biện pháp tư pháp và hình phạt bổ sung.
Nhằm phòng ngừa và xử lý tiêu cực trong nội bộ ngành, ông Bình cho biết ngành tòa án sẽ đẩy mạnh giáo dục nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng, dư luận xã hội phản ánh, tố cáo; xử lý nghiêm đối với công chức có hành vi tiêu cực.
TAND Tối cao cũng sẽ tăng cường trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng phần mềm phân án ngẫu nhiên. "Thực hiện cho thôi hoặc miễn nhiệm đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút mà không cần chờ hết nhiệm kỳ bổ nhiệm", ông Bình nêu.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực kiểm sát do Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí chịu trách nhiệm trả lời chính. Ông sẽ trả lời về giải pháp nâng cao chất lượng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết vụ án hình sự; tăng cường chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; tăng cường rà soát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.
Viện trưởng VKSNDn tối cao Lê Minh Trí trình báo cáo trước Quốc hội, phiên họp tháng 11/2022. Ảnh: Media Quốc hội
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trình báo cáo trước Quốc hội, phiên họp tháng 11/2022. Ảnh: Media Quốc hội
Báo cáo trước phiên chất vấn, ông Lê Minh Trí cho biết những năm qua Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã kịp thời xác minh, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng và xâm phạm hoạt động tư pháp được dư luận quan tâm. Giai đoạn 2021-2022, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thụ lý 299 nguồn tin về tội phạm; đã giải quyết 249 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thụ lý điều tra 94 vụ/114 bị can; xử lý, giải quyết 76 vụ/97 bị can, đạt gần 81%.
Về giải pháp thời gian tới, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết sẽ ban hành chỉ thị công tác, xác định nhất quán chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. VKSND Tối cao cũng sẽ rà soát, hoàn thiện thể chế trong ngành; thực hiện nghiêm chế độ quản lý công tác, kiểm tra, thanh tra về hoạt động công tố và kiểm sát tư pháp.
Chương trình chất vấn được kết nối trực tuyến đến từng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành; được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
|
|