Các công ty Mỹ vẫn gửi khoảng 1 tỷ USD mỗi năm cho cơ quan hạt nhân nhà nước của Nga để mua nhiên liệu thiết yếu.
Theo một bài viết trên The New York Times, các công ty Mỹ vẫn tiếp tục đưa 1 tỷ USD mỗi năm cho cơ quan hạt nhân nhà nước của Nga, bất chấp việc Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ làm tê liệt nền kinh tế nước này.
Các khoản thanh toán cho uranium được làm giàu là một trong những nguồn tiền lớn nhất từ Mỹ đến Nga kể từ khi nước này bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt trên diện rộng vì chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.
Tiền mua uranium đã làm giàu được chuyển tới các công ty con của Rosatom, cơ quan hạt nhân nhà nước của Nga, cũng là cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine kể từ tháng 3/2022.
Trả lời Business Insider, Darya Dolzikova, một nhà phân tích làm việc cho tổ chức tư vấn an ninh Royal United Services Institute có trụ sở tại Vương quốc Anh, cho biết Mỹ đã nhập thêm 411,5 triệu USD uranium được làm giàu từ tháng 1 đến tháng 3/2023.
Trong bài phát biểu năm ngoái, ông Biden cam kết sẽ siết chặt và "bủa vây" nền kinh tế Nga.
"Nga hiện đang bị thế giới cô lập hơn bao giờ hết", tổng thống Mỹ tuyên bố.
Tờ The Wall Street Journal đưa tin, trong khi Mỹ ban hành lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với Nga, nhiên liệu hạt nhân vẫn là một trong số ít hàng hóa chưa bị phương Tây cấm.
Nhà Trắng đã áp dụng một số biện pháp trừng phạt đối với Rosatom và một số giám đốc điều hành của công ty vào cuối tháng 2, theo Politico. Tuy nhiên, các công ty phương Tây tiếp tục duy trì mối quan hệ với công ty thống trị chuỗi cung ứng hạt nhân của Nga.
Antony Froggatt, phó giám đốc Trung tâm Môi trường và Xã hội của viện chính sách Chatham House có trụ sở tại London, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi nghĩ công bằng mà nói, có lẽ nhiên liệu hạt nhân đang nằm ngoài phạm vi trừng phạt của phương Tây".
Trên thực tế, thị trường nhiên liệu hạt nhân chiếm một phần nhỏ trong số tiền mà Nga bị thiệt hại do các lệnh trừng phạt, theo The Washington Post.
Tuy nhiên, 1 tỷ USD này chiếm một phần đáng kể thu nhập từ nước ngoài của Rosatom, được ước tính là 8 tỷ USD mỗi năm.
Tại sao Mỹ quá phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân Nga?
Nga đã xuất khẩu uranium được làm giàu với giá rẻ sang Mỹ kể từ Chiến tranh Lạnh. Điều đó một phần là do sự thống trị của Nga trên thị trường toàn cầu. Nước này cung cấp khoảng 43% uranium làm giàu cho thế giới. Trong khi đó, Mỹ hầu như đã ngừng làm giàu uranium, theo New York Times.
Sự phụ thuộc của Mỹ vào năng lượng hạt nhân được cho là sẽ tăng lên khi quốc gia này đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Dù vậy, không có công ty Mỹ nào làm giàu uranium. Mỹ đã từng thống trị thị trường, cho đến khi một loạt các yếu tố lịch sử, bao gồm thỏa thuận mua uranium làm giàu giữa Nga và Mỹ được thiết kế để thúc đẩy chương trình hạt nhân hòa bình của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Việc này đã giúp Nga chiếm được gần một nửa thị trường toàn cầu trong khi Mỹ ngừng làm giàu uranium hoàn toàn.
Vì lí do này, Mỹ đã trở nên phụ thuộc về mặt thương mại vào Nga, một mối ràng buộc "không dễ cắt đứt".
Mỹ và Châu Âu đã gần như ngừng mua nhiên liệu hóa thạch của Nga hoàn toàn để trừng phạt Moscow. Nhưng việc xây dựng một chuỗi cung ứng uranium được làm giàu mới sẽ mất nhiều năm — và nguồn tài trợ của chính phủ sẽ tốn nhiều hơn đáng kể so với mức phân bổ hiện tại.
Khoảng 1/3 uranium làm giàu được sử dụng ở Mỹ hiện được nhập khẩu từ Nga, nhà sản xuất rẻ nhất thế giới. Phần lớn còn lại được nhập khẩu từ châu Âu. Phần cuối cùng, nhỏ hơn được sản xuất bởi một tập đoàn Anh-Hà Lan-Đức hoạt động tại Mỹ.
Tuy nhiên, không chỉ Mỹ phụ thuộc vào Nga. Gần một chục quốc gia trên thế giới phụ thuộc vào Nga để có hơn một nửa lượng uranium làm giàu của họ. Ông Frogatt cho biết một số quốc gia Trung Âu vẫn còn vận hành các nhà máy điện hạt nhân từ thời Liên Xô và phụ thuộc rất nhiều vào Rosatom để duy trì hoạt động.
"Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải xem xét tham vọng của Rosatom ở cấp độ toàn cầu," ông nói. "Công ty này luôn có một chương trình xuất khẩu công nghệ hạt nhân rất tham vọng."
VietBF@Sưu tầm