Đồng yên giảm xuống mức thấp nhất 15 năm so với đồng euro sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ chính sách lãi suất cực thấp và dự báo lạm phát sẽ chậm lại vào cuối năm nay, trái ngược với động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm thứ Năm.
Đồng yên Nhật cũng cũng giảm so với đồng bạc xanh, chạm mức thấp nhất trong vòng 6 tháng.
Đúng như thị trường dự đoán, BOJ đã duy trì mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở -0,1% và giới hạn mức trần 0% đối với lợi suất trái phiếu 10 năm trong chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC).
Thống đốc BOJ, Kazuo Ueda, cho biết ông hy vọng lạm phát sẽ ở mức vừa phải, nhưng "tốc độ giảm có phần chậm".
Đồng yên giảm mạnh ngay sau khi BOJ chính thức công bố quyết định trên, chạm mức thấp mới trong 15 năm là 155,22 JPY/EUR, kết thúc một tuần giảm giá mạnh nhất 3 năm so với đồng euro. Kết thúc phiên, euro vẫn tăng 1,1% lên 155,16 yên.
Đồng đô la cũng tăng 1,1% so với đồng tiền Nhật Bản lên 141,795 JPY/USD vào cuối phiên (mức tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng Tư), sau khi trong phiên có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Erik Bregar, giám đốc, quản lý rủi ro ngoại hối và kim loại quý của Silver Gold Bull ở Toronto, cho biết: “Ngân hàng Nhật Bản đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa tăng giá đồng đô la bằng cách giữ nguyên lãi suất một lần nữa”.
Vassili Serebriakov, chiến lược gia ngoại hối của UBS ở New York, cho biết: "Đồng yên đang chịu áp lực bởi mức chênh lệch lợi suất quá lớn so với các đồng tiền G10 khác".
Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đã ghi nhận mức cao mới trong 3 thập kỷ sau quyết định lãi suất của BOJ và có mức tăng hàng tuần thứ 10 liên tiếp khi các nhà đầu tư chứng khoán mừng vì ngân hàng trung ương giữ nguyên chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng.
Chỉ số Nikkei kết thúc phiên thứ Sáu tăng 0,7% lên 33.706, trong phiên có lúc chạm mức chưa từng có trong vòng 33 năm. Tính chung cả tuần, Nikkei tăng 4,5%, kéo dài chuỗi tăng lên 10 tuần – dài nhất trong vòng 11 năm, đưa chỉ số này tăng tổng cộng 22%.
Đà tăng của thị trường chứng khoán Nhật được thúc đẩy bởi sự yếu kém của đồng yên, vốn làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu và dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Những tiền tệ khác cũng vừa trải qua một tuần biến động rất ấn tượng.
Đồng euro có tuần tăng giá mạnh nhất so với USD kể từ tháng Sáu (tăng 1,73%) sau khi ECB tăng chi phí vay lên mức cao nhất trong 22 năm và ám chỉ sẽ thắt chặt hơn nữa.
Lãi suất của ECB tăng kết hợp với một số dữ liệu kinh tế Mỹ không mấy tích cực đã đẩy USD giảm trong bối cảnh các nhà giao dịch thu hẹp quy mô đặt cược về việc lãi suất của Mỹ sẽ cần tăng cao đến mức nào.
Kết thúc phiên thứ Sáu, đồng euro ở mức 1,0940 USD/EUR, sau khi trong phiên có lúc chạm mức cao nhất 5 tuần (1,0967 USD). Trong phiên thứ Năm, EUR đã tăng hơn 1% so với USD sau khi ECB điều chỉnh lãi suất tham chiếu.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu tại một cuộc họp báo rằng rất có thể sẽ có một đợt tăng lãi suất khác vào tháng 7 và ngân hàng trung ương vẫn có "cơ sở" để ngăn chặn lạm phát cao.
Quyết định chính sách của ECB được đưa ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang giữ nguyên lãi suất, chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp. Tuy nhiên, Fed cũng báo hiệu rằng lãi suất có thể vẫn cần tăng tới 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay.
Đồng bảng Anh kết thúc phiên cuối tuần tăng 0,4% lên 1,2831 USD, sau khi trước đó trong phiên có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 khi các nhà giao dịch tăng cường đặt cược rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp thứ 13 liên tiếp vào tuần tới. Tính chung cả tuần, bảng Anh tăng mạnh nhất trong vòng 6 tháng, tăng 1,72%.
Các nhà phân tích cho biết một loạt các yếu tố trong tuần này đã thúc đẩy đồng bảng so với đồng đô la, bao gồm dữ liệu cho thấy tiền lương của người Anh tăng nhanh hơn nhiều so với dự kiến, làm tăng kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ phải tăng lãi suất hơn nữa.
Trong khi đó, đô la Úc có tuần tăng mạnh nhất trong vòng 7 tháng do Ngân hàng trung ương Úc (RBA) tỏ ý ủng hộ việc tiếp tục thắt chặt tiền tệ, trong khi Fed tạm ngừng tăng lãi suất.
Đô la Úc kết thúc tuần ở mức 0,6890 USD/AUD, mức cao nhất trong vòng 4 tháng, sau khi tăng 1,3% chỉ sau một đêm. Tính chung cả tuần, AUD tăng 2,2% hàng tuần, mức tăng chưa từng có kể từ giữa tháng 11 năm 2022 và thoát khỏi mức thấp nhất năm 2023 là 0,6459 USD chỉ cách đây 2 tuần.
Đồng rúp Nga cũng trải qua một tuần đầy biến động nhưng theo xu hướng tiêu cực. Kết thúc phiên thứ Sáu, rúp có giá 84 RUB/USD, trong phiên có lúc chạm thấp nhất trong vòng 14 tháng (85,03 RUB), do nguồn cung ngoại tệ ở Nga hạn chế và áp lực rủi ro địa chính trị. Rúp cũng mất 0,3% so với euro, xuống 91,85 RUB/EUR và giảm 0,2% so với đồng nhân dân tệ xuống 11,75 RUB/CNY.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên thứ Sáu tăng 0,1% lên 102,24, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 5 tuần hôm thứ Năm. Tính chung cả tuần, Dollar index giảm 1,27%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng Giêng.
Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ đang chậm lại và lạm phát đang hạ nhiệt, thách thức lập trường của Fed rằng vẫn cần thắt chặt tiền tệ hơn nữa.
Dữ liệu hôm thứ Sáu cho thấy kỳ vọng lạm phát giảm đã nâng tâm lý người tiêu dùng Mỹ trong tháng Sáu lên mức cao nhất trong 4 tháng. Kết quả khảo sát trong tháng này về kỳ vọng lạm phát trong giai đoạn 1 năm đã giảm xuống 3,3% từ mức 4,2% khảo sát hồi tháng Năm.
Vassili Serebriakov, chiến lược gia ngoại hối của ngân hàng UBS ở New York cho biết: “Chúng tôi không nghĩ sau tháng Bảy sẽ có một đợt tăng lãi suất nào khác từ Fed, nhưng lần cắt giảm đầu tiên sẽ là vào tháng 12”. "Chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế sẽ chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm, với lạm phát thấp hơn mức mà Fed dự đoán."
Cũng trong ngày thứ Sáu, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ phát hiện ra rằng không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ của họ để có lợi thế xuất khẩu, đồng thời cho biết họ đã kết thúc "phân tích nâng cao" đối với Thụy Sĩ sau khi nước này chỉ đáp ứng một trong ba tiêu chí thao túng.
VietBF@Sưu tầm