8/9
Nỗi lo nguồn cung do thời tiết và chiến sự khiến giá gạo tại châu Á tăng vọt, hiện cao nhất kể từ năm 2008.
Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này hôm 9/8 đã lên 648 USD một tấn. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2008. So với một tháng trước, giá đã tăng 20%. Giá gạo này được coi là tham chiếu trong khu vực châu Á.
Giá tăng do lo ngại nguồn cung gạo toàn cầu thiếu hụt. Thời tiết khô nóng đang đe dọa mùa màng ở Thái Lan, trong bối cảnh Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – tháng trước cấm bán một số loại gạo ra nước ngoài.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan từ năm 2008 (Đơn vị: USD/tấn). Đồ thị: Bloomberg
Gạo hiện là lương thực thiết yếu với hàng tỷ người tại châu Á và châu Phi. Vì vậy, việc sản phẩm này lên giá có thể tăng áp lực lạm phát tại các nước này, đồng thời kéo chi phí nhập khẩu lên cao.
Giá tăng cũng sẽ làm căng thẳng thêm nguồn cung lương thực toàn cầu. Thị trường này gần đây lao đao vì thời tiết khắc nghiệt và nguồn cung ngũ cốc giảm do chiến sự Nga - Ukraine.
Cuối tháng 7, chỉ trong một tuần, lần lượt Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga thông báo cấm bán gạo ra nước ngoài. Ấn Độ dừng xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) để hạ nhiệt giá trong nước và kiềm chế lạm phát.
UAE muốn đảm bảo nguồn cung trong nước sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Còn Nga cấm bán gạo ra nước ngoài đến cuối năm để bình ổn thị trường nội địa.
Đầu tháng này, chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích người dân giảm trồng lúa để chuyển sang trồng các loại thực vật khác cần ít nước hơn. Nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới đang ghi nhận lượng mưa giảm sút trong bối cảnh thời tiết năm sau được dự báo khô hạn vì El Nino. Tổng lượng mưa tại miền Trung nước này hiện thấp hơn 40% mức bình thường.
|