Thở không đúng cách, chạy quá sức, không khởi động có thể khiến người chạy bộ khó thở, giảm hiệu quả tập luyện.
Kiểm soát hơi thở trong khi chạy giúp tăng sức chịu đựng, duy trì tốc độ. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình hô hấp, dẫn đến khó thở khi chạy.
Thở không đúng cách
Một số người không kiểm soát được hơi thở dẫn đến hụt hơi. Người chạy bộ nên thở bằng mũi để làm ấm không khí, lọc các chất gây kích ứng. Nếu tăng tốc độ chạy, cơ thể cần nhiều oxy hơn. Hít vào và thở ra bằng miệng giúp người chạy tránh khó thở.
Chạy quá sức
Cơ bắp cần được cung cấp oxy ổn định để duy trì năng lượng. Nếu cố gắng quá sức, bạn có thể không nhận đủ oxy để hô hấp.
Để tránh tình trạng này, người chạy có thể đi bộ 1-2 phút giữa các khoảng thời gian chạy 5-10 phút. Người mới tập nên chạy với tốc độ chậm, quãng đường ngắn hơn để không đuối sức. Chạy bộ 2-3 lần một tuần, xen kẽ các ngày nghỉ giúp cơ thể quen dần.
Người chạy bộ nên chạy vừa sức, duy trì nhịp thở đều. Ảnh: Freepik
Chạy bộ ở nơi ô nhiễm không khí
Tập thể dục gắng sức có thể khiến cơ thể hấp thụ nhiều chất ô nhiễm từ không khí hơn bình thường. Khói bụi hoặc phấn hoa trong không khí kích ứng phổi, tăng cảm giác khó thở. Nên chạy bộ ở nơi nhiều cây xanh, không khí trong lành như công viên, khu chung cư xanh...
Tư thế sai
Tư thế chạy còn ảnh hưởng đến nhịp thở. Thở không đúng cách như hơi cúi xuống khi chạy có thể ảnh hưởng đến phổi. Tư thế quá rướn người về phía trước khiến phổi không nhận được nhiều oxy. Thả lỏng vai, duỗi thẳng lưng, tránh khom lưng hoặc trượt về phía trước giúp luồng oxy không bị hạn chế.
Không khởi động
Khởi động là điều cần thiết trước khi tập thể thao. Người tập giãn cơ và chạy bộ nhẹ trong 10-15 phút trước khi tăng tốc độ để cải thiện thành tích, giảm khó thở.
Vào mùa đông, không khí lạnh và khô, hít thở khó khăn hơn do đường thở bị co lại. Khởi động từ từ làm tăng nhiệt độ cơ thể để thực hiện bài tập cường độ cao dễ dàng.