Muối, đồ uống chứa caffeine, rượu, một số loại thuốc, tình trạng căng thẳng có thể gây tăng huyết áp tạm thời hoặc kéo dài.
Theo Hội Tim mạch châu Âu và Hội Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, tức là huyết áp bình thường phải nhỏ hơn 140/90 mmHg.
Huyết áp cao làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Do bệnh thường không có các triệu chứng cụ thể nên nhiều người không biết cho đến khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng với sức khỏe. Chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và cân nặng góp phần làm tăng huyết áp.
Muối: Ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến huyết áp cao. Ngoài gia vị (muối ăn, nước mắm), lượng muối trong chế độ ăn uống cũng có thể đến từ thực phẩm chế biến sẵn. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị mỗi người không tiêu thụ quá 1.500 mg natri mỗi ngày để duy trì huyết áp khỏe mạnh.
Nồng độ kali và magiê: Kali và magiê giúp điều chỉnh huyết áp, nếu hàm lượng hai chất này quá thấp có thể khiến huyết áp tăng lên. Một số thực phẩm chứa đồng thời cả hai dưỡng chất này bao gồm các loại rau lá xanh đậm (cải Thụy Sĩ, rau bina), đậu, quả bơ, khoai tây.
Thuốc: Một số loại thuốc như chống viêm, thông mũi có thể làm tăng huyết áp 4-10 mmHg hoặc cao hơn. Nếu nghi ngờ loại thuốc đang sử dụng có tác động đến mức huyết áp, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ và thay bằng một loại khác.
Căng thẳng: Căng thẳng có liên quan đến lo lắng và trầm cảm, cả hai đều có thể gây ra huyết áp tăng đột biến trong thời gian ngắn. Khi căng thẳng, cơ thể giải phóng một số hormone khiến tim đập nhanh hơn và huyết áp tăng tạm thời ở người trẻ tuổi. Để giảm căng thẳng, người bệnh có thể tập thể dục 3-5 lần một tuần trong 30 phút; tập thiền, yoga...
Đo huyết áp giúp phát hiện huyết áp tăng. Ảnh: Freepik
Đến bác sĩ khám: Một số người mắc chứng tăng huyết áp áo choàng trắng, tức tình trạng huyết áp tăng do căng thẳng, hồi hộp xảy ra khi bệnh nhân gặp bác sĩ. Tuy nhiên, về nhà, huyết áp lại hạ về mức bình thường và không gây nguy hiểm đối với sức khỏe. Đo huyết áp tại nhà có thể là giải pháp tốt hơn trong trường hợp này.
Rượu: Rượu có thể gây ra biến động huyết áp. Người khỏe mạnh nên hạn chế tiêu thụ rượu ở mức không quá hai ly mỗi ngày đối với nam và tối đa một ly đối với nữ.
Caffeine: Đồ uống có chứa caffeine như trà, cà phê, nước tăng lực và một số loại nước ngọt có ga có thể làm tăng huyết áp. Tác dụng phụ này của caffeine có thể kéo dài hoặc ngắn hạn, phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm tần suất, liều lượng uống, sự nhạy cảm của mỗi người. Theo Mayo Clinic, lượng caffeine ở mức 200 mg mỗi ngày là an toàn.
Ngoài dùng thuốc, huyết áp cao có thể kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, ăn uống đủ chất. Trường hợp có người thân tăng huyết áp hoặc yếu tố nguy cơ khác như bệnh thận, béo phì, ăn nhiều muối, thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc lá nên khám sức khỏe định kỳ.
VietBF@sưu tập